Gen Z Nhật Bản lên tiếng về nạn phân biệt đối xử

    Khi nhận ra xã hội Nhật Bản vô thức dung túng cho hành vi phân biệt đối xử, một sinh viên đại học đã thành lập tổ chức để đấu tranh với các hình thức phân biệt người nước ngoài, người khuyết tật và những nhóm thiểu số khác. 

    Tổ chức do gen Z Nhật Bản lập nên - “Moving Beyond Hate” đang nỗ lực để giải quyết vấn đề phân biệt đối xử thông qua tư vấn cho các trường hợp bị phân biệt, đồng thời hỗ trợ những cá nhân bị xâm phạm nhân quyền. 

    Người thành lập nên “Moving Beyond Hate” là cậu sinh viên năm cuối Tommy Hasegawa, 22 tuổi, có mẹ là người Nhật và cha là người Anh. Sau khi sống tại Anh quốc từ năm 7 tuổi đến 18 tuổi, Hasegawa đã đến Nhật theo học Đại học Tokyo và ngay lập tức cảm thấy vô cùng bất an. 

    tổ chức Moving Beyond Hate
    Tommy Hasegawa (bên trái) và các thành viên của Moving Beyond Hate biểu tình trước hành động vi phạm nhân quyền của Cơ quan Di trú Nhật Bản. Ảnh: Mainichi 

    Hasegawa chia sẻ: “Tôi cảm thấy không thoải mái trong môi trường nơi các bạn học người Nhật, bị ảnh hưởng bởi bầu không khí vào lúc đó, cười đùa trong lúc sử dụng từ ngữ phân biệt với người khuyết tật”. 

    Cậu cảm thấy thật sự phiền muộn khi một số sinh viên nói chuyện bằng ngôn từ đầy tính miệt thị, nhưng lại chẳng có ai chỉ ra đó là điều sai trái. Hasegawa nói thêm: “Tại Anh quốc, những người phân biệt chủng tộc thường xuyên nói lời ác ý sẽ bị phản đối mạnh mẽ. Ngược lại, tại Nhật Bản, có rất ít người cố ý phân biệt đối xử. Tôi cảm thấy rằng họ không chủ ý dùng từ ngữ phân biệt mà chỉ nhằm mục đích vui đùa, và rất nhiều người đã dung túng cho họ”. 

    Tommy Hasegawa
    Tommy Hasegawa, người sáng lập nên tổ chức Moving Beyond Hate. Ảnh: Mainichi 

    Thông qua những trải nghiệm tại Nhật cũng như niềm tin của bản thân, vào năm 2019, Hasegawa đã thành lập tổ chức Moving Beyond Hate tại chi nhánh Komaba của Đại học Tokyo để thực hiện các hoạt động chống lại sự phân biệt đối xử. Một trong những hoạt động chủ chốt của tổ chức này là lên kế hoạch và triển khai đa dạng các buổi hội thảo để giúp người tham dự hiểu rõ, từ đó chung tay phản đối các hành vi phân biệt đối xử. 

    Xem thêm: Phân biệt đối xử với người nước ngoài đã nhập tịch tại các CLB golf Nhật Bản

    Tại một buổi hội thảo của Moving Beyond Hate diễn ra tại khuôn viên Komaba vào tháng 10 vừa qua, người tham dự đã được tiếp thu và thảo luận về phương pháp “tổ chức” để mọi người đoàn kết lại với nhau và hình thành bước chuyển biến sâu rộng trong xã hội. 

    Đặc biệt, Moving Beyond Hate đã trở thành cái tên phổ biến rộng rãi khắp nước Nhật sau khi đưa ra ánh sáng vụ việc một nam giảng viên bán thời gian tại Đại học Nihon đã nói những lời phân biệt chủng tộc với sinh viên người da đen và Trung Quốc vào tháng 6/2020. 

    tổ chức Moving Beyond Hate biểu tình
    Tổ chức Moving Beyond Hate biểu tình chống lại những lời miệt thị, phân biệt đối xử của giáo viên tại Đại học Nihon. Ảnh: Mainichi 

    Sau khi nhận được phản hồi từ một sinh viên quan tâm đến vấn đề phân biệt đối xử lo sợ rằng hành vi này sẽ lặp lại ở các lớp học trực tuyến, Moving Beyond Hate đã lên án mạnh mẽ vụ việc trên và phơi bày chúng trước công chúng.

    Nhờ vào nỗ lực của nhóm, một cuộc họp mặt trực tiếp với đại diện của Đại học Nihon đã được sắp xếp và nhóm yêu cầu trường hành động để đưa ra biện pháp ngăn chặn sự việc đáng buồn trên tái diễn. Đến tháng 9/2020, trường thừa nhận giáo viên này đã có những phát ngôn miệt thị và gửi lời xin lỗi đến sinh viên liên can. 

    Hiện tại, Moving Beyond Hate đang tập trung vào các vấn đề liên quan đến Cơ quan Di trú Nhật Bản, nơi giam giữ những người nước ngoài lưu trú bất hợp pháp trước khi trục xuất họ. Cơ quan này đã bị từng bị các tổ chức quyền con người trong và ngoài nước Nhật nhắc tên. 

    tổ chức Moving Beyond Hate tổ chức cuộc họp
    Tổ chức Moving Beyond Hate thảo luận về sáng kiến cho cộng đồng người da đen. Ảnh: Mainichi

    Hasegawa cho biết: “Vấn đề nằm ở cơ quan di trú là thông tin được giữ kín bưng và chưa có quy định rõ ràng về thời gian giam giữ cũng như cách tiếp cận dịch vụ chăm sóc y tế của người bị bắt giam”. 

    Vào thứ Sáu hàng tuần, cậu sinh viên Hasegawa và các thành viên khác của tổ chức đều ghé đến Cục Quản lý xuất nhập cảnh và lưu trú khu vực Tokyo, đặt tại quận Minato, để hỗ trợ cho những người nước ngoài bị giam giữ.

    Nhóm hỏi thăm họ về tình trạng thế chất hay bất kỳ vấn đề nào họ gặp phải trong giao tiếp hằng ngày. Nhóm dự định tiếp tục các hoạt động này để lên tiếng cho nhu cầu y tế của người bị giam và thúc đẩy các thủ tục với tư cách bên thứ ba để họ được trả tự do tạm thời.

    Hasegawa nhấn mạnh: “Chúng tôi muốn thay đổi một xã hội chấp nhận sự phân biệt đối xử vì thuận theo bầu không khí xung quanh. Chúng tôi muốn thế hệ trẻ đấu tranh chống lại sự phân biệt này và nhận ra rằng chúng ta đang tự tạo nên bước chuyển mới để chống lại sự phân biệt đối xử”. 

    kilala.vn

    06/11/2022

    Bài: Rin
    Nguồn: Mainichi

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!