“Đừng quẹt, hãy viết”: Chiến dịch nâng cao sự lãng mạn qua việc viết thư tình
Chiến dịch viết thư của Nhật Bản để giải quyết tình trạng suy giảm dân số và xu hướng kết hôn muộn, với việc các nhà chức trách khuyến khích những người mong muốn tìm kiếm một nửa của mình hãy đặt bút viết và kiên nhẫn chờ đợi câu trả lời, thay vì chỉ đơn giản là “vuốt sang phải”.
Với sự phát triển của thời đại số, tất cả mọi thứ đều có thể thực hiện dễ dàng, bao gồm cả việc tìm kiếm tình yêu. Những ứng dụng hẹn hò trực tuyến mà đi đầu là Tinder đã khiến việc gặp gỡ, trò chuyện với người khác một cách dễ dàng thông qua hành động “Swipe” – quẹt trái (nếu từ chối), quẹt phải (nếu muốn tìm hiểu thêm về đối phương). Nhưng việc này đã khiến tình yêu trở nên chóng vánh, thiếu tính gắn kết và lãng mạn.
Dự án Miyazaki Koibumi (Bức thư tình của Miyazaki) kéo dài hai năm bắt đầu vào tháng 04/2020 ra đời như một cách để giải quyết tình trạng suy giảm dân số và xu hướng kết hôn muộn. Những người độc thân sống ở thành phố Miyazaki hoặc hai thị trấn lân cận Kumitomi và Aya, cũng như cư dân tỉnh Miyazaki từ 20 tuổi trở lên đều đủ điều kiện tham gia dự án.
Tính đến nay có khoảng 450 người đã đăng ký, cao gấp đôi so với ước tính ban đầu của thành phố, với độ tuổi 20 hoặc 30 chiếm khoảng 70%.
Rie Miyata, người đứng đầu một công ty tư vấn địa phương được ủy nhiệm điều hành chương trình này, chia sẻ với Agence France-Presse: “Việc này (viết thư) sẽ mất nhiều thời gian hơn so với hẹn hò trực tuyến, nhưng lại truyền cảm hứng cho bạn tưởng tượng về người mà bạn đang giao tiếp. Điều quan trọng không phải là bạn viết thư hay như thế nào mà nhiều hơn là việc bạn viết từng nét chữ một cách chân thành và cẩn thận, suy nghĩ sâu sắc về người mà bạn đang viết thư. Đó là điều khiến những bức thư trở nên có giá trị”.
Để tham gia, trước tiên các thành viên phải đăng ký trên một trang web chính thức với email của họ cùng với thông tin bao gồm: sở thích; độ tuổi của người mà họ muốn trao đổi thư từ. Sau đó, văn phòng quản lý sẽ chọn và ghép hai người có vẻ hợp nhau dựa trên thông tin đã đăng ký. Tuy nhiên, để đảm bảo rằng ứng viên sẽ không chọn dựa trên ngoại hình, hình ảnh cá nhân sẽ không được cung cấp.
Nếu cả hai bên đồng ý, họ có thể giao tiếp thông qua văn phòng. Quá trình cho đến thời điểm này không khác nhiều so với các trang web hẹn hò thông thường khác.
Điểm đặc biệt của dự án Miyazaki Koibumi là những bức thư viết tay của các thành viên được đặt trong hộp thư màu vàng ở quận Aoshima của thành phố, nơi được cho là mang lại hạnh phúc. Hộp thư được thiết lập với cảm hứng từ thần thoại về Công chúa Toyotama và Yamasachihiko trao đổi những bức thư tình ở Aoshima.
Quy tắc duy nhất là các thành viên chỉ được viết thư tối đa hai tờ trên giấy được chỉ định. Hai người sau khi kết đôi có thể gửi và nhận thư tối đa năm lần mà không cần tiết lộ tên hoặc địa chỉ nhà của họ. Sau đó, nếu cả hai bên muốn gặp mặt trực tiếp, những người quản lý sẽ cung cấp thông tin liên lạc. Diễn biến về sau sẽ phụ thuộc vào hai người.
Dự án viết thư là một trong những nỗ lực nhằm khuyến khích những người độc thân của Nhật Bản gặp gỡ nhau, hướng đến việc kết hôn khi đất nước này phải đối mặt với tình trạng tỷ lệ sinh thấp và dân số ngày càng thu hẹp.
Dự án được đề xuất bởi một quan chức thành phố trẻ tuổi, lấy cảm hứng từ câu chuyện của cha mẹ anh, khi họ có một mối tình sâu sắc đến tận bây giờ nhờ vào việc viết thư tình cho nhau. Điều khác biệt của dự án với các dịch vụ hẹn hò khác là việc đi ngược lại với xu hướng hiện đại trong thời đại truyền thông xã hội, nơi các tin nhắn có thể được gửi tức thì.
Một nhân viên văn phòng 32 tuổi đã trao đổi thông tin liên lạc với đối phương của cô ấy 3 lá thư trong hai tháng, trong đó họ chia sẻ với nhau về công việc và sở thích của mỗi người. Cô tưởng tượng đối phương là một người biết quan tâm đến người khác. Vì đại dịch, cô gặp anh trên mạng. Sau đó, họ trao đổi thông tin liên lạc và hẹn đi ăn cùng nhau.
Anh Asuka Togo, phụ trách công việc tại Miyazaki Koibumi, cho biết: "Nếu bạn cảm thấy mệt mỏi với việc đánh giá mọi người bằng ngoại hình hoặc hồ sơ của họ, hoặc nếu bạn muốn gặp một người có tính cách hấp dẫn, hãy thay đổi phương pháp hẹn hò của mình, bằng cách đăng ký tham gia dự án này".
Một người đàn ông 25 tuổi tham gia dự án cho biết ý tưởng này đã gợi lại những kỷ niệm đẹp đẽ về thời đi học của anh. “Khi còn bé, tôi đã từng viết thư cho cô gái mà tôi phải lòng”, anh nói. “Tôi thích cách viết chữ cổ điển. Điều đó khiến tôi muốn tham gia”.
Số trẻ sơ sinh được sinh ra ở Nhật Bản đã giảm xuống mức thấp kỷ lục 811.604 vào năm 2021. Phản ánh xu hướng xã hội tương tự như các nền kinh tế phát triển khác, ngày càng có nhiều người chọn kết hôn muộn hơn hoặc không kết hôn. Một cuộc khảo sát gần đây của chính phủ cho thấy cứ bốn người độc thân ở độ tuổi 30 thì có một người nói rằng họ không muốn bị ràng buộc, trong đó nhiều người nói rằng họ sợ cuộc sống hôn nhân sẽ tốn nhiều chi phí đắt đỏ và tước đi sự tự do, cơ hội thăng tiến nghề nghiệp của họ.
kilala.vn
18/08/2022
Nguồn: The Guardian, Mainichi
Đăng nhập tài khoản để bình luận