Chỉ trích gia tăng về việc lạm dụng động vật trong các lễ hội ở Nhật Bản
Làn sóng phản đối đang gia tăng ở Nhật Bản về cách đối xử với động vật trong các lễ hội truyền thống, trong đó bao gồm cả việc cố tình sát hại một số động vật.
Là một phần của lễ hội, những con vịt sẽ được thả xuống biển và sau đó bị một nhóm người bơi đuổi theo bắt giữ.
Vào tháng 7/2023, một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Tokyo đã tổ chức họp báo về cuộc đua bắt vịt trên. Bà Chihiro Okada, Giám đốc đại diện Trung tâm Quyền lợi Động vật, cho biết: "Vịt có thể bị gãy xương, ngạt thở hoặc suy yếu". Tổ chức phi lợi nhuận này đã đệ đơn khiếu nại chủ tịch sự kiện và 3 người tham gia.
Vụ việc đã làm dấy lên một cuộc tranh luận trong tỉnh Okinawa về việc liệu những truyền thống như vậy nên được bảo tồn hay cần phải thay đổi để thích ứng với các tiêu chuẩn hiện đại về phúc lợi động vật.
Trong khi một số cư dân xem sự kiện như một sự kết nối quan trọng với di sản văn hóa của họ, thì những người khác lại cho rằng nên sửa đổi hoặc chấm dứt hoạt động này theo các tiêu chuẩn đạo đức đương thời.
Những ý kiến trái chiều trên phản ánh một vấn đề rộng hơn về cách đối xử với động vật trong các tập tục truyền thống, nổi bật là đã có những chỉ trích tương tự đối với một lễ hội ở tỉnh Mie.
Vào tháng 5/2023, hơn 50.000 chữ ký trực tuyến đã được gửi tới chính quyền tỉnh Mie, kêu gọi bãi bỏ Lễ hội Ageuma Shinji 700 năm tuổi tại đền Tado ở Kuwana. Đây là một nghi lễ Thần đạo, trong đó những người trẻ tuổi mặc trang phục truyền thống, đội mũ chiến binh jingasa rồi cưỡi lên lưng ngựa và leo lên một con dốc lớn, cuối cùng là cố gắng nhảy qua bức tường cao 1,5 mét trên đỉnh dốc.
Một con ngựa đã bị ngã và gãy chân khi đang leo dốc vào năm 2023. Chú ngựa đã được tiêm thuốc giảm đau nhưng cuối cùng lại bị giết theo quyết định của chủ nhân và bác sĩ thú y. Các tổ chức bảo vệ quyền động vật đã bắt đầu phản đối lễ hội này từ cuối những năm 90, và vào các năm 2010 và 2014, ba con ngựa đã mất mạng (bị giết bỏ) sau khi gãy chân.
Trả lời về vấn đề sử dụng vịt tại lễ hội ở Okinawa, một quan chức của Bộ Môi trường - cơ quan giám sát Đạo luật Phúc lợi Động vật, cho rằng nếu là truyền thống bắt nguồn từ cộng đồng thì việc sử dụng động vật là hợp lý. Tuy nhiên, nếu hành vi đó không được xã hội chấp nhận thì vẫn có khả năng bị buộc tội ngược đãi động vật.
Những cáo buộc nói trên khơi gợi suy ngẫm về cách các cộng đồng nên bảo vệ truyền thống của họ như thế nào trong khi cân nhắc đến quan niệm đạo đức thời hiện đại. Liệu điều này có thực sự dẫn đến những thay đổi trong Itoman Hare và các sự kiện tương tự hay không sẽ vẫn còn phải chờ thêm, nhưng chắc chắn nó sẽ thúc đẩy một cuộc tranh luận rộng hơn về sự phát triển của các thực hành văn hóa trong một xã hội toàn cầu ngày càng đề cao vấn đề đạo đức.
kilala.vn
Nguồn: ANN, Vegan FTA
Đăng nhập tài khoản để bình luận