Binh đoàn chính trị cực đoan đầy tai tiếng trong lịch sử nướ

    Sự xuất hiện của các nhóm cực hữu Uyoku dantai khiến lịch sử nước Nhật trải qua những biến cố rối ren, gây nhiễu loạn sự yên bình trong cuộc sống của người dân.

    Ngày 05/11/1970 là một ngày chấn động trong lịch sử văn học Nhật Bản, khi nhà văn Yukio Mishima đã tự sát bằng cách mổ bụng theo nghi thức seppuku tại Cục phòng vệ Nhật Bản ở thủ đô Tokyo.

    Cái chết của ông vẫn để lại nhiều tranh cãi rằng liệu đó là lòng yêu nước ngây thơ hay tinh thần Võ sĩ đạo. Mishima vốn là người tôn sùng nền quân chủ phong kiến, ông đã thành lập nên Hiệp hội Shield (Tate no Kai - Hội lá chắn), tổ chức bán quân sự để thiết lập lại sức mạnh của Thiên hoàng, đưa nước Nhật trở về thời huy hoàng trước Thế chiến 2.
    nhà văn mishima yukio
    Nhà văn Mishima Yukio từng tham gia vào các hoạt động chính trị bảo thủ.
    Lúc ấy, tư tưởng của ông có khuynh hướng của Uyoku dantai, tổ chức theo tư tưởng bảo thủ bài ngoại và ủng hộ sự trỗi dậy của chế độ phong kiến cũ. Vậy Uyoku dantai là gì? Tại sao hiệp hội này lại khiến lịch sử nước Nhật trải qua nhiều biến cố kinh hoàng?

    Uyoku dantai là gì?

    Uyoku dantai (右翼団体) được hiểu là các đoàn thể cánh hữu tại Nhật, gồm những thành phần hoạt động chính trị cực đoan, những kẻ khiêu khích, chuyên chế nhạo trên internet (netto-uyoku) và thường được tổ chức theo nhóm.

    Từ năm 1996 - 2013, Cơ quan Cảnh sát Quốc gia ước tính có hơn 1.000 nhóm cực hữu ở Nhật Bản với tổng số khoảng 100.000 thành viên. Uyoku dantai thường xuất hiện với các phương tiện tuyên truyền rất dễ nhận biết, được gọi là gaisensha, kiểu xe tải hay xe buýt màu đen, xám có gắn loa và được trang trí nổi bật với các khẩu hiệu, tên băng nhóm cùng con dấu Hoàng gia, quốc kỳ và quân kỳ Nhật Bản.

    nhóm cực hữu nhật bản
    Uyoku dantai thường xuất hiện với chiếc xe tải gắn loa, mang theo biểu ngữ, cờ hiệu. Ảnh: camaracivica

    Hội này thường tổ chức biểu tình trước đại sứ quán của các nước để truyền bá tư tưởng chính trị cực đoan như: phủ nhận tội ác chiến tranh của Nhật, bài ngoại, chống lại chủ nghĩa cộng sản với các nước Nga, Trung Quốc, Triều Tiên hoặc ủng hộ liên minh Hoa Kỳ - Nhật Bản - Hàn Quốc.

    Đông đảo, tự do tư tưởng và bảo thủ theo chính kiến riêng nên Uyoku dantai dần trở thành một tổ chức tai tiếng mà các nhóm Yakuza (băng đảng xã hội đen) sử dụng để ngụy trang tiến hành những hoạt động trong thế giới ngầm

    biểu tình trên đường phố nhật
    Biểu tình của Uyoku dantai trên đường phố Nhật. Ảnh: historica.fandom.com
    [subscribe]

    Nguồn gốc ra đời của tổ chức chính trị khét tiếng

    Chủ nghĩa cực đoan của Nhật Bản bắt nguồn từ những năm 80 của thế kỷ 19 ở Kyushu, khi đó là một vùng đánh cá và khai thác than nghèo. Kyushu là nơi sinh sống của một cộng đồng lớn các cựu samurai có thái độ bất mãn và tham gia vào các cuộc nổi dậy chống lại trật tự xã hội mới.

    Những chính trị gia đã lợi dụng họ để châm ngòi cho cuộc chiến với chính phủ của chế độ mới. Các phong trào của chủ nghĩa quân phiệt tập hợp những kẻ tự xưng yêu nước Nhật, đả đảo chính quyền mới đã nở rộ và phát triển mạnh mẽ tại thành phố Fukuoka.

    Năm 1881, Mitsuru Toyama thành lập nên Genyosha, quy tụ các samurai bất mãn và tổ chức ám sát các chính trị gia theo chủ nghĩa tự do, đàn áp tình trạng bất ổn lao động ở Kyushu. Tổ chức này đã phát động nên sự kiện quấy rối, sát hại các nhà hoạt động dân chủ trong cuộc bầu cử quốc gia đầu tiên và cũng là đẫm máu nhất của Nhật Bản vào năm 1892.

    Sau này Genyosha và Yakuza xây dựng mối quan hệ tương trợ, liên kết và bắt đầu một đế chế thông qua các hoạt động tội phạm để xây dựng quyền lực tối cao trong xã hội Nhật Bản.

    tổ chức genyosha
    Tổ chức Genyosha. Ảnh: jaa2100.org

    Các hội nhóm trong Uyoku dantai

    Uyoku dantai có rất nhiều nhóm khác nhau với quy mô, cách thức hoạt động riêng. Những hội nhóm nổi danh và gây ảnh hưởng đến lịch sử cũng như chính trị xã hội nước Nhật gồm:

    • Aikokusha: Thành lập vào năm 1928 với các hoạt động tổ chức biểu tình, khơi dậy phong trào sinh viên chống cộng sản tại nhiều trường đại học. Sự kiện tai tiếng nhất của hội này là vào ngày 14/11/1930, một thành viên có tên Tomeo Sagoya đã ám sát Thủ tướng Hamaguchi Osachi tại ga Tokyo.
    • Genyosha: Có nguồn gốc từ một hội kín của các cựu samurai, với mục đích khôi phục chế độ phong kiến, do Mitsuru Toyama lập ra vào năm 1881. Hội này đã tham gia vào nhiều hoạt động khủng bố như âm mưu ám sát Okuma Shigenobu vào năm 1889. Hội còn hình thành mạng lưới tội phạm có tổ chức, liên kết với Yakuza để kích động sự xâm lược của quân đội Nhật Bản. Hội bị buộc giải tán sau chiến tranh.
    • Kokuryukai: Được xây dựng từ năm 1901, nhằm điều hành mạng lưới gián điệp chống cộng sản ở Hàn Quốc, Trung Quốc, Mãn Châu và Nga. Kokuryukai bị buộc phải giải tán vào năm 1946.
    • Sakurakai: Một hội kín theo chủ nghĩa cực đoan được thành lập bởi các sĩ quan trẻ trong Quân đội Đế quốc Nhật Bản vào tháng 9 năm 1930. Mục tiêu của hội là tổ chức lại chính quyền cai quản theo đường lối quân phiệt toàn trị, thông qua đảo chính quân sự.

    Ngoài ra còn có vô số hội nhóm khác. Điển hình như hội liên kết với các tổ chức Yakuza như: Nihon Seinensha, tổ chức lớn với 2000 thành viên, thành lập năm 1961; Nihon Kominto, trực thuộc hiệp hội Inagawa-kai. Còn có Taikosha, đặt trụ sở tại Tokyo, trực thuộc hiệp hội Inagawa-kai hay nhóm Shokon Juku. Hoạt động chính của các nhóm này là tạo nên các vụ bê bối chính trị, bôi nhọ danh tiếng của chính trị gia.

    uyoku dantai

    Biểu tượng chính thức của nhóm. Ảnh: Japan Today

    Kể từ khi Genyosha của Mitsuru Toyama xuất hiện, sự phân biệt giữa xã hội đen và cánh hữu vào cuối thế kỷ 19 đã bị xóa bỏ dần. Với Uyoku dantai, Yakuza đã tổ chức các băng nhóm của họ thành các đảng phái chính trị. Những băng nhóm cực hữu với sự “bảo kê” của xã hội đen dần xâm chiếm và tạo ra một thế lực khiến nền chính trị cùng xã hội nước Nhật trải qua nhiều sự kiện gây chấn động.

    kilala.vn

    25/06/2022

    Bài: Ái Thương

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!