Bar exam khó đến mức nào mà chồng cựu công chúa 2 lần thi tr
Những ngày vừa qua, thông tin Kei Komuro, chồng cựu công chúa Nhật Bản Mako, không xuất hiện trong danh sách các ứng viên đậu kỳ thi bar exam tại tiểu bang New York một lần nữa làm xôn xao cộng đồng mạng. Vậy kỳ thi này có độ khó ra sao? Việc trượt bar exam có nói lên được năng lực của Kei Komuro?
Ngay từ khi vừa có thông tin công chúa Mako hẹn hò cùng chàng trai thường dân Kei Komuro, những thông tin xoay quanh tính cách, đặc biệt là học vấn của anh đã được điều tra. Trước khi scandal liên quan đến tài chính gia đình bị phát giác, Komuro trong mắt người dân Nhật là một phò mã hoàn hảo với học vấn đáng nể.
Anh được nhận xét là một chàng trai tài năng với tương lai xán lạn khi đã tốt nghiệp trường Luật của Đại học Fordham - một trong tám trường luật được ABA (Hiệp hội Luật sư Hoa Kỳ) phê duyệt tại New York và bắt đầu làm việc tại văn phòng Manhattan của công ty luật Lowenstein Sandler.
Tuy nhiên, vấn đề tài chính phức tạp của gia đình Komuro đã khiến cuộc hôn nhân chịu sự phản đối mạnh mẽ từ dân chúng. Tuy vậy, cuối cùng công chúa và Kei Komuro vẫn vượt qua dư luận để kết hôn, bắt đầu cuộc sống mới tại New York.
Những tưởng mọi chuyện sẽ dừng ở đây, thông tin 2 lần rớt bar exam đã khiến nhiều người nghi ngờ trình độ học vấn của Komuro và quay sang chỉ trích chàng rể không xứng đáng với những gì mà cựu công chúa Mako đã hi sinh.
Vậy rốt cuộc bar exam là gì? Và liệu có quá vội vàng khi mọi người chỉ trích Kei Komuro vì trượt kỳ thi này hay không?
Bar exam là gì?
Tại Mỹ, để trở thành luật sư chính thức sẽ phải vượt qua một kỳ thi gọi là “bar examination” hay thường được gọi tắt là “bar exam” - kỳ thi lấy chứng chỉ hành nghề luật sư. Đây là một hình thức sát hạch nổi tiếng nhất trong ngành luật ở nhiều quốc gia nhằm cấp phép hành nghề luật sư tại các tòa án, chính vì thế không lạ khi bar exam nổi tiếng với độ khó cực kỳ cao.Theo thống kê của Adaptibar, tỉ lệ đậu kỳ thi tại Hoa Kỳ vào năm 2018 là 54% và 2019 là 58%, còn riêng tại New York lần lượt là 56% và 59%. Kỳ thi được tổ chức 2 lần/năm, độ khó bài thi sẽ khác nhau tùy từng bang và các thí sinh sẽ trải qua 2 ngày thi vô cùng căng thẳng.
Kỳ thi luật tại Thành phố New York có khó không?
Kỳ thi sát hạch luật sư không giống như bất kỳ môn học hay kỳ thi cuối khóa nào ở các trường luật. Nói về độ khó của kỳ thi luật sư tại Mỹ, nổi tiếng khó đậu nhất chính là kỳ thi của bang California.
Nhiều người lý giải rằng, các bang lớn với dân số đông đồng nghĩa với tỷ lệ chọi ở các ngành nghề cơ bản đã cao, bên cạnh đó số lượng luật sư đang hành nghề đông, nên việc cố tình đẩy nội dung kỳ thi khó hơn mức bình thường là điều dễ hiểu.
Và kỳ thi luật sư tại Thành phố New York - nơi Kei Komuro đăng ký thi cũng luôn nằm trong top những kỳ thi “gây khó dễ” cho các thí sinh. Vào đợt thi tháng 7/2021 (Kei Komuro lần đầu tham dự), trong 9.227 thí sinh dự thi có 5.791 người đậu, chiếm tỷ lệ 63%.
Cần chú ý một điểm, tỷ lệ đậu kỳ thi đối với ứng viên là luật sư được đào tạo ở nước ngoài chỉ chiếm 31%. Mặc dù Komuro đã bắt đầu học luật tại Đại học Fordham từ năm 2018 và không được coi là luật sư được đào tạo ở nước ngoài, Lisa Young - Giám đốc điều hành mảng học thuật và sản phẩm tại Kaplan Test Prep, cho biết chồng của cựu công chúa Mako cũng phải đối mặt với những thử thách tương tự.
“Đây là một bài kiểm tra cực kỳ khó đối với bất kỳ ai tham gia, nhưng thậm chí còn khó hơn đối với những người không phải là người bản ngữ”, bà cho hay.
Đợt thi tháng 2/2022 mới đây, cũng là lần thứ 2 Komuro tham dự, tỷ lệ đậu tại New York thậm chí còn thấp hơn: chỉ 45%, và đối với những thí sinh thi lại thì chỉ 30% trong số họ có thể vượt qua kỳ thi. Không may, Komuro không nằm trong số đó.
Chia sẻ về điều này, Komuro cho biết: “Thật không may, tôi đã trượt kỳ thi. Tôi cần năm điểm nữa để vượt qua. Tôi sẽ tham gia kỳ thi tiếp theo vào tháng 7 và sẽ nỗ lực hết sức.”
Mặc cho độ khó của kỳ thi, việc không thể đậu bar exam có khả năng sẽ khiến Komuro mất việc tại công ty luật ở New York. Theo Nikkan Sports, nếu anh đang làm việc với visa du học, nó có thể hết hạn sớm nhất là vào tháng 5.
Về phần cựu công chúa Mako, cô đã được bổ nhiệm một vai trò mới tại Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan, và theo những gì được đưa tin, đây là “công việc tình nguyện” hoặc “thực tập không lương”.
Theo People, cô đang làm việc với BST nghệ thuật Châu Á của The Met và được giao nhiệm vụ chuẩn bị triển lãm những bức tranh lấy cảm hứng từ một nhà sư thế kỷ 13 cùng hành trình của ông đến Nhật Bản để truyền bá Phật giáo.
Về bài thi UBE
Vào tháng 07/2016, New York bắt đầu sử dụng Bài kiểm tra luật sư thống nhất (Uniform Bar Examination - UBE) cho kỳ thi luật sư tại tiểu bang này. UBE được đồng thuận sử dụng ở hơn 30 tiểu bang, cho phép các luật sư ở New York chuyển điểm của mình sang các tiểu bang khác cũng sử dụng UBE thay vì làm lại bài kiểm tra luật, nếu muốn đăng ký hành nghề luật sư ở nơi này.
Kỳ thi UBE kéo dài hai ngày, gồm 3 bài test. Vào ngày đầu tiên, thí sinh sẽ làm bài thi MEE và MPT, còn ngày thi thứ hai là bài thi MBE.
- MEE là bài thi viết luận, kéo dài 3 tiếng với 6 câu hỏi tự luận, mỗi câu 30 phút. Mục tiêu của bài thi là kiểm tra khả năng xác định các vấn đề pháp lý, thông tin liên quan và diễn đạt phân tích về vấn đề nột cách hợp lý dưới dạng văn bản. MEE chiếm 30% tổng điểm kỳ thi.
- MPT bao gồm 2 câu giải quyết tình huống thực tế, mỗi câu 90 phút. Mục tiêu của bài thi là xác định việc áp dụng kỹ năng lập pháp trong các tình huống thực tế. Thay vì một bài kiểm tra kiến thức chung, nó được thiết kế để đánh giá các kỹ năng cơ bản và việc áp dụng các kỹ năng đó không riêng ở một lĩnh vực luật cụ thể nào. MPT chiếm 20% số điểm.
- MBE là phần thi gồm 200 câu hỏi trắc nghiệm trong vòng 6 tiếng, được sử dụng để xác định năng lực hành nghề luật sư. Cụ thể, nó đánh giá khả năng của thí sinh trong việc áp dụng các nguyên tắc pháp lý cơ bản, thực hiện lý luận pháp lý và phân tích các vụ việc thực tế. MBE chiếm 50% số điểm.
Thông thường sẽ có nhiều hơn một câu trả lời đúng trong các câu hỏi trắc nghiệm, buộc thí sinh phải đào sâu để xác định câu trả lời đúng nhất. Việc giới hạn thời gian làm bài buộc thí sinh phải có kỹ năng quản lý thời gian. Cuối cùng, kiến thức thôi vẫn chưa đủ, thí sinh cần có khả năng phân tích và vận dụng những kiến thức đó, diễn đạt hợp lý trong câu trả lời của mình.
Những người nổi tiếng từng rớt bar exam
Trong quá khứ, cũng có nhiều người nổi tiếng đã đỗ kỳ thi luật ở các bang khác nhưng vẫn trượt ở những nơi có kỳ thi khó hơn. Tuy nhiên, họ vẫn đạt được những thành tựu đáng nể trọng.- Tổng thống Franklin D. Roosevelt: ông rớt kỳ thi luật ở New York trong lần đầu tiên và đậu ở lần thi tiếp theo vào năm 1907. Sau cùng, ông trở thành tổng thống lỗi lạc nhất trong lịch sử Hoa Kỳ.
- Cựu đệ nhất phu nhân Hillary Clinton: tuy đã thi đỗ kỳ thi tại bang Arkansas, nhưng bà không thể vượt qua kỳ thi tại Washington D.C
- Cựu đệ nhất phu nhân Michelle Obama: cựu sinh viên ngành Luật của Đại học Harvard cũng từng trượt kỳ thi bar tại bang Illinois trong lần thi đầu tiên.
- Con trai của Tổng thống John F. Kennedy - Kennedy Jr đã 2 lần trượt kỳ thi luật ở New York, sau thời gian làm luật sư, ông rẽ hướng sang làm báo và cho ra đời tạp chí George.
kilala.vn
16/04/2022
Bài: Thư Võ
Đăng nhập tài khoản để bình luận