Báo động từ cái chết cô độc của nữ diễn viên thắng giải Quả Cầu Vàng
Hiện tượng người già ở Nhật qua đời thiếu vắng người thân bên cạnh (Kodokushi) ngày càng trở thành vấn đề nhức nhối của đất nước mặt trời mọc. Đây cũng trở thành gánh nặng tài chính cho chính quyền địa phương khi phải hỗ trợ thực hiện tang lễ và hỏa táng.
Vào tháng 07/2022, tin tức về Yoko Shimada, nữ diễn viên từng chiến thắng giải Quả Cầu Vàng cho vai diễn trong loạt series truyền hình “Shogun” (1980) qua đời đã gây chấn động toàn nước Nhật. Không chỉ bởi Shimada là ngôi sao tên tuổi một thời, mà còn vì lúc cuối đời, bà đã ra đi trong sự cô độc.
Sự ra đi đầy tiếc nuối của nữ diễn viên gạo cội
Shimada chạm đến đỉnh vinh quang vào năm 1981 khi trở thành người châu Á đầu tiên giành được giải Quả Cầu Vàng cho vai diễn Mariko trong loạt phim truyền hình “Shogun”.
Tuy nhiên, ở tuổi xế chiều, bà gần như rơi vào cảnh túng quẫn và qua đời do biến chứng ung thư trực tràng tại một bệnh viện ở Tokyo ở tuổi 69 tuổi. Chính quyền phường Shibuya, Tokyo – nơi bà Shimada sinh sống đã liên hệ với họ hàng của bà nhưng không một ai đến để nhận thi thể người thân.
Do vậy, họ đã tạm giữ thi thể trong vòng 2 tuần trước khi trả chi phí hỏa táng cho bà vào tháng 8/2022, theo luật hỗ trợ công cộng và luật nghĩa trang, hỏa táng. Luật quy định rằng chính quyền địa phương có nghĩa vụ hỏa táng thi thể người đã khuất khi không ai tổ chức tang lễ cho họ.
Shimada chỉ là một trong số nhiều người qua đời trong cô độc tại Nhật và con số này không ngừng tăng lên trong nhiều năm qua. Với sự ra đi của diễn viên nổi tiếng Shimada, vấn nạn người cao tuổi qua đời không có họ hàng thân thích bên cạnh hoặc không có chi phí để giữ thi thể ngày càng trở nên nổi cộm hơn ở xứ sở hoa anh đào.
Xem thêm: Kodokushi - cái chết cô độc trong xã hội Nhật Bản ngày nay
Cố diễn viên Shimada sinh ra và lớn lên ở tỉnh Kumamoto, bà từng chia sẻ với những người xung quanh rằng sau khi mẹ qua đời, bà dần trở nên xa cách với họ hàng của mình.
“Ever Garden” là cống hiến cuối cùng của bà Shimada cho nền điện ảnh xứ anh đào và chính bà đã sản xuất bộ phim này. Công chiếu vào cuối năm 2022, "Ever Garden" kể về một người phụ nữ chật vật kiếm kế sinh nhai sau khi người chồng cùng bà điều hành một lữ quán đã tự sát, phần vì bệnh nặng, phần vì lữ quán rơi vào cảnh khó khăn khi đại dịch COVID-19 ập tới.
Bà Shimada đã vào vai chính – góa phụ của bộ phim. Bà đã không hề tiết lộ với các diễn viên khác về căn bệnh ung thư giai đoạn cuối mà mình mắc phải, vốn đã được phát hiện cách đó 3 năm.
Trong suốt quá trình ghi hình, bà phải uống nhiều loại thuốc và gặp khó khăn với phần thoại do chứng khó thở, cũng không thể ăn uống như bình thường. Sau khi kết thúc quá trình quay phim, Shimada đã nhập viện tại một bệnh viện ở Tokyo và bày tỏ lo lắng về chi phí điều trị bệnh. Kết thúc lễ hỏa táng, một người quen của Shimada đã đến nhận hũ tro cốt và đặt ở mộ cha mẹ bà.
Vấn nạn trong xã hội già hóa Nhật Bản
Nhiều thống kê chỉ rằng những gì xảy ra với bà Shimada có thể sẽ diễn ra thường xuyên hơn trong những thập kỷ tới.
Kanae Sawamura, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Nhật Bản về vấn đề hậu sự của những người cao tuổi sống một mình cho biết, cô vô cùng sửng sốt khi biết ngay cả diễn viên Shimada nổi tiếng sau khi qua đời cũng được lo hậu sự bởi chính quyền địa phương.
Sawamura chia sẻ: “Trường hợp của bà Shimada đã giúp nâng cao nhận thức cho công chức địa phương về việc cần thiết phải mở rộng hỗ trợ cho người dân chuẩn bị hậu sự của họ”.
Nhật Bản hiện đang ghi nhận số lượng hộ người cao tuổi sống một mình tăng lên và ngày càng nhiều người không thể nhờ vả họ hàng, ngay cả khi có họ hàng để lo hậu sự sau khi người đó qua đời.
Theo điều tra dân số năm 2020 ở Nhật, số hộ gia đình một người chiếm 38% tổng số hộ gia đình trên toàn quốc. Số hộ gia đình một người ở độ tuổi từ 65 trở lên rơi vào khoảng 6,71 triệu hộ, tăng khoảng 800.000 hộ so với cuộc điều tra dân số 5 năm trước.
Chính quyền địa phương cũng ghi nhận sự tăng lên của số lượng các vụ việc mà họ phải gánh chịu phí hỏa táng và tang lễ cho những cư dân nghèo khó không có họ hàng.
Trong năm tài chính 2021, những trường hợp như trên đạt con số kỷ lục 48.622 trên toàn quốc, tăng hơn 10.000 trường hợp so với 10 năm trước đó, theo số liệu sơ bộ của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi.
Số lượng thi thể người đã khuất không có người nhận dự báo sẽ tăng lên trong những thập kỷ tới khi dân số Nhật tiếp tục già hóa với ít con cái, anh chị em so với thế hệ trước, cũng như liên kết xã hội dần yếu đi.
Gánh nặng tài chính với chính quyền địa phương
Theo Luật hỗ trợ công cộng, các chính quyền địa phương có nghĩa vụ hỗ trợ tang lễ cho những gia quyến không đủ sức chi trả. Đồng thời, chính quyền cũng phải chi trả mức chi phí tối thiểu về hỏa táng và tang lễ cho người nghèo không họ hàng, nếu bên thứ ba như chủ nhà hoặc nhân viên công tác xã hội đề nghị.
Trong năm tài chính 2020, đã có 46.677 yêu cầu được đưa ra trên khắp nước Nhật, tiêu tốn của chính quyền địa phương tổng cộng hơn 9,7 tỷ yên. Một công chức thuộc Phòng Hỗ trợ công cộng của Cục Phúc lợi Xã hội và Cứu trợ nạn nhân chiến tranh thuộc Bộ cho biết: “Số lượng người nhận trợ cấp phúc lợi đang giảm mặc dù số ca cần sự hỗ trợ của quỹ tang lễ và hỏa táng lại đang tăng lên. Nguyên do lớn nhất cho sự gia tăng này có thể là vì tăng số lượng người không có họ hàng thân thích".
Theo một nghiên cứu, trong năm tài chính 2020, đã có 8.338 yêu cầu được gửi đến các chính quyền địa phương ở Tokyo nhờ trang trải chi phí hỏa táng và tang lễ, tăng 1.721 trường hợp so với số liệu cách đây 5 năm. Đây là con số cao nhất trong số 47 tỉnh thành và 20 thành phố được Chính phủ chỉ định của Nhật Bản.
Theo luật ban hành, khoản thanh toán hỗ trợ cho mỗi tang lễ ở các đô thị là vào khoảng 200.000 yên và trong năm tài chính 2020, chính quyền Tokyo đã chi trả đến 1,72 tỷ yên chi phí này.
Một công chức ở Cục Phúc lợi Xã hội và Y tế Công cộng của chính quyền Tokyo cho biết: “Chi phí hỗ trợ tang lễ công cộng tăng lên vì số lượng người cao tuổi sống một mình ở Tokyo gia tăng”.
Xu hướng trên cũng diễn ra tương tự ở Yokosuka, gần tỉnh Kanagawa. Kazuyuki Kitami, cán bộ phúc lợi ở trung tâm kế hoạch về hậu sự thuộc chính quyền thành phố Yokosuka bày tỏ: “Trước kia, những thi thể vô danh chiếm phần lớn trong số các trường hợp không được ai đến nhận tro cốt về. Còn hiện tại, hơn 90% người đã khuất được xác định danh tính nhưng lại không có người thân đến nhận tro cốt”.
Luật Dân sự đưa ra một điều khoản rằng các dịch vụ tang lễ sẽ được tiến hành dựa theo truyền thống. Theo thông lệ, các thành viên trong gia đình sẽ tiến hành tang lễ cho người thân của họ. Nhưng Midori Kotani, nhà nghiên cứu về Tử vong học (Thanatology), người đại diện của một trung tâm nghiên cứu về cuộc sống và văn hóa của cư dân lớn tuổi tại Tokyo lại cho biết, quan niệm truyền thống xem tang lễ là một phần việc của gia đình đã không còn giá trị trong xã hội ngày nay với quá nhiều hộ gia đình chỉ có một thành viên.
Bà Kotani nhận định: “Xã hội cần đưa ra một thiết lập mới cho phép người không phải thân nhân nhanh chóng hoàn thành thủ tục giấy tờ sau khi một ai đó qua đời, dưới sự giám sát của một tổ chức công”.
kilala.vn
18/01/2023
Bài: Rin
Nguồn: Asahi
Đăng nhập tài khoản để bình luận