Áp lực xã hội ảnh hưởng thế nào đến quan điểm thành công ở Nhật Bản?
Những áp lực và chuẩn mực xung quanh việc trở thành người thành công đã ảnh hưởng đến nhiều khía cạnh trong cuộc sống của người Nhật.
Mỗi xã hội sẽ có những đặc thù riêng khi nói về những quy chuẩn này. Và tại Nhật Bản, một quốc gia nổi tiếng khắt khe và nguyên tắc, liệu những áp lực đó sẽ là gì?
Doucho atsuryoku - Áp lực cộng đồng
Tại xứ hoa anh đào tồn tại một khái niệm gọi là "doucho atsuryoku - 同調圧力" (tiếng Anh: Peer pressure), mang nghĩa là áp lực cộng đồng, áp lực đồng trang lứa. Thuật ngữ này chỉ việc con người phải sống tuân theo những chuẩn mực lý tưởng trong xã hội, dù đôi khi không mong muốn hay đồng tình nhưng vẫn phải làm theo để hòa nhập.
Peer pressure phổ biến ở nhiều quốc gia, đặc biệt là các nước Á Đông. Tuy nhiên tại xứ mặt trời mọc, áp lực này càng nặng nề hơn bởi nó bắt nguồn từ tính cách dân tộc.
Người Nhật có tinh thần đoàn kết cao, ngay từ nhỏ họ đã được giáo dục và rèn luyện về tính đoàn kết. Vì vậy việc gắn kết với cộng đồng, được xã hội chấp nhận là quan điểm sống phổ biến tại đất nước mặt trời mọc. Tính đoàn kết này khiến người Nhật thường dẹp bỏ cái tôi cá nhân và đồng tình với ý kiến đám đông để có thể hòa nhập.
Giáo sư Takashi Maeno tại Đại học Keio chia sẻ với Japan Times rằng người Nhật có thói quen lo lắng và bị ám ảnh bởi những chi tiết nhỏ trong đời sống thường ngày. Những phẩm chất này giúp quốc gia của họ xây dựng một xã hội tiên tiến, phát triển vượt bậc nhưng cũng khiến người dân bị ám ảnh quá mức về những chuẩn mực xã hội và cách người khác nhìn nhận mình.
Tiêu chuẩn về một người Nhật thành công
Ở Nhật quan điểm về “người thành đạt” phần lớn gắn liền với hình ảnh “người làm công ăn lương”. Ý tưởng về một người chăm chỉ với công việc, ổn định lâu dài ở công ty được coi là đáng mơ ước. Đây là chuẩn mực để đánh giá thành công của nam giới ở Nhật, những người sẽ là trụ cột về kinh tế khi họ lập gia đình.
Từ nhỏ học sinh ở Nhật đã được giáo dục rằng phải thông qua áp lực thi cử để trở thành người giỏi nhất, thi đỗ vào các trường đại học danh giá, kiếm việc làm. Họ cố gắng gia nhập và cống hiến trong hệ thống làm việc trọn đời "shuushin koyou – 終身雇用".
Mỗi năm bắt đầu vào đầu tháng tư, hàng ngàn sinh viên sắp tốt nghiệp sẽ mặc trang phục công sở màu đen, mang theo chiếc cặp chứa tài liệu, lý lịch cá nhân để ứng tuyển vào các công ty danh tiếng.
Nếu họ được tuyển dụng và gắn bó lâu dài với công ty thì được nhìn nhận là một người thành công. Sau đó khi kết hôn, họ sẽ phải gánh lấy áp lực trở thành trụ cột của gia đình. Nếu một người đàn ông không thể chu cấp cho gia đình mình, anh ta sẽ cảm thấy xấu hổ và dần rơi vào trạng thái mặc cảm, tự ti.
Quan niệm "người làm công ăn lương là thành công" đã thấm nhuần trong đời sống của người Nhật. Điều này tạo ra áp lực khiến nhiều người không dám lựa chọn theo đuổi đam mê cá nhân, như trở thành nghệ sĩ hay một nghề nghiệp độc đáo nào khác.
Mặt trái từ sự thành công theo quan điểm xã hội
Lợi ích từ áp lực xã hội là khiến mọi người tuân thủ theo nguyên tắc, quy định của cộng đồng, ảnh hưởng tích cực lẫn nhau và thuận lợi cho việc hợp tác vì mục tiêu chung. Tuy nhiên áp lực từ những quan điểm xã hội cũng tạo ra hệ lụy tiêu cực.
Văn hóa làm việc gắn bó cả đời với công ty của những người làm công ăn lương khiến nhiều công dân Nhật đã gạt bỏ đam mê, ước mơ của bản thân để được xã hội công nhận. Họ như bị cầm tù cả đời trong chốn công sở, kiên nhẫn chịu đựng mặc dù chán nản, mệt mỏi với việc mà bản thân đang làm. Cái kết của những trường hợp này là họ dần kiệt quệ về thể chất lẫn tinh thần, sức khỏe tâm thần bị ảnh hưởng trầm trọng.
Nhiều người cũng phải kìm hãm việc bộc lộ bản thân, như việc cộng đồng LGBTQ+ ở Nhật thường khá ái ngại việc công khai, chia sẻ với bạn bè, gia đình hay đồng nghiệp.
Áp lực xã hội khiến nhiều người phải chịu nỗi xấu hổ vì thất bại và khi sự xấu hổ trở nên quá lớn, nó có thể tàn phá cuộc đời một con người. Có những người mang trong mình nỗi sợ xã hội đến mức họ dần “biến mất”, tự cô lập bản thân với cộng đồng, thu mình trong “chiếc vỏ ốc” mà sống qua ngày.
Họ tạo nên một hiện tượng xã hội là hikikomori - cách sống thoát ly khỏi xã hội, đoạn tuyệt quan hệ với thế giới xung quanh, chỉ ở trong nhà và không có bất cứ liên hệ nào với mọi người trừ người thân trong gia đình, đối với một số trường hợp sống cùng cha mẹ.
Hiện nay xu hướng sống theo kiểu hikikomori ngày càng lan rộng trong giới trẻ ở độ tuổi 20 – 30, đa phần là giới tính nam. Theo thống kê, ở Nhật có đến 1,5 triệu người trong độ tuổi lao động là hikikomori, nghĩa là cứ 50 người thì sẽ có 1.
Hoặc một trường hợp khác là Jouhatsu - đột ngột biến mất mà không để lại dấu vết. Thay vì tự kết liễu cuộc đời, họ chọn từ bỏ danh tính cũ để làm lại cuộc đời ở một nơi không ai biết họ là ai.
Và chắc chắn phải nhắc đến vấn nạn tự tử tại Nhật Bản. Áp lực chính là kẻ sát nhân vô hình khiến nhiều người rơi vào trầm cảm, có những người đã tìm đến cái chết để giải thoát. Mặc dù số vụ tự tử đã giảm đáng kể trong thập kỷ qua, Nhật Bản vẫn là một trong những quốc gia có tỷ lệ tự tử cao nhất trong số các quốc gia OECD có thu nhập cao.
kilala.vn
Đăng nhập tài khoản để bình luận