1000 tên tuổi lớn của Nhật có tên trong Hồ sơ Pandora
Hơn 1000 công ty và nhân vật lớn của Nhật Bản, bao gồm Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành SoftBank Group, Masayoshi Son, có tên trong vụ rò rỉ tài chính lớn nhất toàn cầu.
Hồ sơ Pandora là vụ rò rỉ 11,9 triệu tài liệu mật (với dung lượng 2,9 terabyte) về việc chuyển tài sản của giới siêu giàu đến các thiên đường thuế, nơi không đánh thuế hoặc tính thuế rất thấp trên thu nhập/tài sản, trải dài từ Panama, Quần đảo Virgin của Anh quốc tới Singapore, thông qua mạng lưới các công ty offshore. Hồ sơ này do Hiệp hội Nhà báo điều tra quốc tế (International Consortium of Investigative – ICIJ) có trụ sở tại Washington, Mỹ công bố ngày 03/10 vừa qua, với sự hợp tác điều tra của 600 nhà báo thuộc 150 đơn vị truyền thông tại 117 quốc gia trên thế giới.
Theo ICIJ, đây là vụ rò rỉ bí mật tài chính lớn nhất từ trước tới nay mà họ điều tra được. Hồ sơ tiết lộ danh tính của 35 lãnh đạo quốc gia, bao gồm cả tổng thống, thủ tướng, cựu tổng thống, nổi bật như cựu Thủ tướng Anh Tony Blair, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, Vua Abdullah II của Jordan, cùng với hơn 400 quan chức nhà nước khác như các bộ trưởng, thẩm phán ở hơn 100 quốc gia, hơn 100 tỷ phú, 29.000 công ty offshore… Trước đó, vào năm 2016 cũng có một vụ rò rỉ tài liệu mật tương tự được gọi là “Hồ sơ Panama” gây chấn động toàn cầu.
Tại Nhật Bản, Kyodo News - một trong những đơn vị truyền thông tham gia Hiệp hội ICJJ đã đưa tin có hơn 1.000 công ty và các nhân vật tên tuổi của Nhật Bản xuất hiện trong “Hồ sơ Pandora”. Theo tài liệu được công bố, Tỷ phú Masayoshi Son, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của tập đoàn công nghệ hàng đầu Nhật Bản SoftBank Group đã mua một máy bay phản lực tư nhân vào năm 2014 thông qua một công ty offshore được thành lập vào năm 2009 tại thiên đường thuế Đảo Cayman, thuộc lãnh thổ hải ngoại Anh Quốc. Quyền sở hữu máy bay đã được chuyển sang cho một công ty quản lý các tài sản uỷ thác của Mỹ và ông Masayoshi chỉ trả phí khi sử dụng máy bay dựa trên hợp đồng cho thuê.
Theo các chuyên gia pháp lý và tài chính, bằng việc chuyển đổi quyền sở hữu máy bay sang trả phí thuê sẽ giúp cá nhân đó giảm thuế bị đánh trên tài sản. Tuy nhiên, người phát ngôn của SoftBank đã phủ nhận cách ông Masayoshi xử lý khoản phí mua máy bay như trên và nói rằng công ty tại Đảo Cayman là công ty con thuộc một công ty có trụ sở tại Nhật do ông Masayoshi đứng tên. Vì vậy, hợp đồng cho thuê máy bay trên không cấu thành hành vi trốn thuế.
Ngoài ra, “Hồ sơ Pandora” cũng tiết lộ thêm một nhân vật tên tuổi khác của Nhật Bản là ông Takeo Hirata, cựu quan chức của Bộ Thương mại Quốc tế và Công nghiệp, cựu Trưởng ban Thư ký Nội các phụ trách quảng bá Olympic Tokyo 2020. Nhưng vào ngày 13/8, Hirata đã từ chức khi có thông tin sử dụng xe của Chính phủ để nhận được những buổi học chơi golf miễn phí tại Rizap Golf ở Roppongi trong khoảng 3 năm. Thông thường, các buổi học chơi golf tại đây có tổng chi phí ít nhất là 4 triệu yên (khoảng 800 triệu đồng).
Theo “Hồ sơ Pandora”, ông Hirata đã thành lập một công ty offshore ở Quần đảo Virgin thuộc Anh Quốc, cũng là một thiên đường thuế vào năm 2004, trong nhiệm kỳ làm Tổng thư ký của Hiệp hội Bóng đá Nhật Bản và thanh lý công ty vào năm 2008. Nói về việc thành lập công ty này, ông Hirata chia sẻ từng nghe về các thiên đường thuế từ các đối tác đàm phán khi ông làm việc với họ về các vấn đề liên quan đến bóng đá và dầu mỏ. Hirata cho biết: “Tôi muốn tìm hiểu cách thức hoạt động ra sao và đã không chuyển bất kỳ khoản tiền nào vào công ty đó dù chỉ một lần”.
Hồ sơ Pandora cũng ghi nhận các tài liệu tài chính của George Hara, một nhà đầu tư mạo hiểm về công nghệ, từng là cố vấn đặc biệt cho Văn phòng Nội các Nhật Bản cho thấy ông sở hữu một công ty offshore ở Quần đảo Virgin. Ông Hara nói rằng công ty này cần được thành lập để đáp ứng những quy định, yêu cầu khi thành lập các doanh nghiệp mới ở những nước khác nhau. Tuy nhiên, theo Hồ sơ Pandora, công ty này được thành lập để đầu tư tại Nhật và có giá trị tài sản khoảng 31 triệu USD vào năm 2017. Phía ông Hara đã bác bỏ thông tin này.
Vào năm 2013, chuỗi cửa hàng giảm giá Don Quijote nổi tiếng ở Nhật Bản, hay còn gọi là Don Don Donki ra thông cáo rằng nhà sáng lập Takao Yasuda sẽ bán cổ phần mà ông đang nắm giữ cho một công ty ở Singapore không thuộc quyền sở hữu của mình, nhưng theo các tài liệu bị rò rỉ, công ty quản lý tài sản này lại thuộc sở hữu của ông Yasuda. Thực tế, thuế doanh nghiệp và thuế đánh vào thu nhập từ cổ tức ở Singapore thấp hơn so với ở Nhật Bản. Nhưng người phát ngôn của Don Quijote cho biết họ đã xử lý thuế theo đúng quy định.
kilala.vn
Công ty offshore được định nghĩa là một công ty được thành lập ở bên ngoài lãnh thổ của chủ sở hữu, nhưng thông thường được dùng để chỉ những công ty lập ở các thiên đường thuế trên thế giới nhằm hưởng được mức thuế suất siêu ưu đãi, có khi bằng 0 như tại Quần đảo Jersey thuộc Anh quốc. Theo tờ The Guardian, để có thể thành lập một công ty offshore, giới siêu giàu sẽ liên hệ với bên cung cấp dịch vụ hoặc đơn vị quản lý tài sản ở các thiên đường thuế, họ sẽ mua một công ty offshore nhưng không đứng tên chính chủ. Sau khi sở hữu công ty offshore, người này có thể mở tài khoản không mang tên mình, mà mang tên của công ty offshore. Do vậy, tính bảo mật thông tin vô cùng cao. Rồi sau đó, dùng tài khoản này để mua nhiều thứ như máy bay tư nhân, du thuyền, bất động sản… Chính vì vậy, rất nhiều người quyền lực, giàu có như tổng thống, các quan chức cấp cao, tỷ phú chọn hướng thành lập các công ty offshore để quản lý tài sản.
Tuy nhiên, việc thành lập các công ty
offshore là hoàn toàn hợp pháp để hưởng được mức thuế suất có lợi nhất
cho hoạt động kinh doanh hay quản lý tài sản. Chúng chỉ bị xem là phi
pháp khi các cá nhân lợi dụng mô hình này để thực hiện các hoạt động
như rửa tiền, trốn thuế. Do vậy, không phải nhân vật nào xuất hiện trong
hồ sơ Pandora cũng là vi phạm pháp luật.
08/10/2021
Bài: Rin
Nguồn: kyodonews
Đăng nhập tài khoản để bình luận