Yusanbako: chiếc “cặp lồng” truyền thống của người dân Tokushima
Bạn có biết rằng, người Nhật thời xưa từng sử dụng một loại hộp đựng có chức năng tương tự như cặp lồng của người Việt Nam? Và hiện nay, chính quyền Nhật Bản vẫn đang nỗ lực để khôi phục lại nét văn hóa truyền thống này.
Yusanbako là một loại hộp sơn mài 3 tầng truyền thống của tỉnh Tokushima, có hình dáng tương tự như một chiếc cặp lồng vuông vức. Trong tiếng Nhật, “Yusanbako –遊山箱” có nghĩa là “hộp đựng cơm dành cho chuyến đi dã ngoại trên núi”. Vào thời xưa, trẻ con của vùng Tokushima thường mang theo Yusanbako cho các chuyến đi leo núi, cắm trại hoặc sử dụng trong ngày Lễ Búp bê (Hinamatsuri) được tổ chức vào ngày 3 tháng 3 hằng năm. Ngày nay, Yusanbako không chỉ gói gọn trong việc đựng thức ăn mà còn được dùng để làm quà tặng cho cô dâu và em bé, hoặc dùng để đựng và trưng bày các mặt hàng như bánh kẹo và phụ kiện. Dù không còn xuất hiện nhiều như trước đây nhưng Yusanbako vẫn được xem là một vật dụng đầy thân thương trong ký ức của những người dân vùng Tokushima nói riêng và cả Nhật Bản nói chung.
Nguồn gốc của Yusanbako
Yusanbako được xem là có nguồn gốc từ những hộp đựng cơm có kích thước lớn, vốn được dùng để mang theo bữa trưa đủ cho cả gia đình. “Phiên bản” dành cho trẻ em được cho là đã xuất hiện vào cuối thời Edo (1603 – 1868) và dần dần trở nên phổ biến hơn trong thời đại Minh Trị (1868-1912) với những thiết kế bắt mắt, sặc sỡ để thu hút trẻ em.
Tuy nhiên, sau Chiến tranh thế giới thứ hai, nhu cầu về Yusanbako đã giảm, một phần do thiếu hụt số lượng thợ thủ công lành nghề để làm ra một sản phẩm đúng chất lượng, mặt khác, mọi người đã dần chuyển sang lối sống thành thị và hướng đến những sản phẩm mang tính ứng dụng cao hơn. Ngày nay, thật hiếm để có thể bắt gặp Yusanbako trong đời sống thường nhật, thế nhưng, Yusanbako vẫn là một ký ức tuyệt vời đối với những người thuộc thế hệ trước. Chính điều này đã thôi thúc chính quyền tỉnh Tokushima cũng như những người yêu mến một Nhật Bản thời quá vãng tìm mọi cách khôi phục lại nét văn hóa lâu đời này. Và Takako Ichikawa là một người có tâm huyết như thế.
Takako Ichikawa và những nỗ lực gìn giữ nét văn hóa Yusanbako
Takako Ichikawa là chủ một doanh nghiệp tại thành phố Tokushima, đồng thời là người sưu tập Yusanbako truyền thống. Cô hiện lưu giữ khoảng 80 mẫu Yusanbako, trong đó Yusanbanko cổ nhất có tuổi đời lên đến hơn 100 năm. Được thúc đẩy bởi những kỷ niệm đẹp đẽ từ thời thơ ấu của mình, Ichikawa đã tìm đến một doanh nghiệp ở tỉnh Fukui để sản xuất Yusanbako.
Theo lời giới thiệu từ một hiệp hội kinh doanh chế biến gỗ, Ichikawa đã tiếp cận nhà sản xuất đồ nội thất địa phương Tatsuhito Ebuchi. Tuy nhiên, Ebuchi lại là một người biết rất ít về Yusanbako, ông cho biết: “Tôi thật sự khá ngạc nhiên về lời đề nghị này vì chúng tôi không làm ra những món đồ có kích thước nhỏ và phức tạp như vậy”. Nhưng nhờ vậy, họ đã tìm ra hướng đi mới cho Yusanbako hiện đại, đó là phiên bản bằng gỗ. Thực tế đã chứng minh, phiên bản đơn giản hơn này đã phổ biến và thu hút nhiều người từ đủ mọi lứa tuổi. Đặc biệt hơn, họ cũng có thể tự tay vẽ và tạo nên bộ Yusanbako độc đáo của riêng mình. Bằng cách thu hút nhiều người tham gia vào các hoạt động trải nghiệm Yusanbako, Ichikawa hi vọng cộng đồng sẽ quan tâm hơn đến nét văn hóa truyền thống này, cũng như dành sự chú ý đến các phiên bản sơn mài được trang trí công phu.
kilala.vn
22/03/2021
Bài: Phương Thảo
Đăng nhập tài khoản để bình luận