Yobai: Hủ tục lẻn vào nhà phụ nữ trẻ lúc nửa đêm dẫn đến thảm sát kinh hoàng
Yobai là một tập tục truyền thống có từ xa xưa tại xứ Phù Tang với mục đích tạo điều kiện cho tình yêu đôi lứa nhưng lại gây ra hệ quả nguy hiểm khôn lường.
Vào thời đại phong kiến, khi con người sống theo quan niệm “nam nữ thụ thụ bất thân”, dựng vợ gả chồng phải theo sự sắp đặt của gia đình thì việc hẹn hò, gặp gỡ giữa các cặp tình nhân là một chuyện khó khăn. Vì vậy, tục lệ Yobai đã ra đời để dẫn lối cho những người yêu nhau tìm thấy hạnh phúc. Thế nhưng, phong tục này đã đem đến đau khổ, bi kịch, trong đó có vụ thảm sát 30 mạng người gây ám ảnh trong lịch sử Nhật Bản.
Hủ tục kỳ lạ và những hệ lụy
Khoảng hơn 1400 năm trước tại Nhật Bản, tục lệ Yobai (夜這い) đã ra đời và phổ biến ở các vùng nông thôn. Phong tục này được thực hiện bởi trai chưa vợ và gái chưa chồng. Khi đêm xuống, chàng trai sẽ lặng lẽ lẻn vào khuê phòng của cô gái, đến tận giường của nàng và nói lời tán tỉnh mật ngọt. Sau đó, đôi tình nhân sẽ trải qua một đêm mặn nồng và đến khi trời sáng, chàng trai sẽ rời đi. Khi nào cô gái mang thai, hai người sẽ thành vợ chồng.
Theo quy định, tục lệ diễn ra trong bí mật, không ai hay biết mà chỉ có đôi tình nhân là hiểu rõ sự tình. Tuy nhiên, bản chất thực sự của sự việc lại không như vậy. Thực ra Yobai thường được sự đồng ý của gia đình nhà gái, phụ huynh đều biết việc con cái làm gì trong chính ngôi nhà của mình.
Theo giáo sư Yagi Tooru (八木 透) của Đại học Bukkyou, “Yobai mang nặng tư duy làng xã và được thực hiện ở những nơi không có sự khác biệt quá lớn về xuất thân hay giàu nghèo. Những người trẻ tuổi đã được tự do thực hiện hoạt động Yobai.” Tục lệ này bắt đầu ngay khi những đứa trẻ trong làng bước vào độ tuổi 13-15 và trở thành người trưởng thành.
Người Nhật xưa quan niệm Yobai là hình thức giúp họ lựa chọn bạn tình phù hợp, cung cấp nhân lực cho sản xuất nông nghiệp tại nông thôn, thúc đẩy gia tăng dân số. Thế nên ở các vùng địa phương, Yobai được thực hiện và có những quy tắc, tập tục riêng tạo nên bản sắc đa dạng trong văn hóa đời sống. Có vùng thì quy định chỉ người dân trong làng mới được thực hiện Yobai, cấm kỵ đối với cư dân ngoài hoặc người mới đến định cư. Lệ làng yêu cầu người tham gia là thiếu nữ đến tuổi cập kê. Làng khác thì lại cấm thiếu nữ hay phụ nữ còn độc thân mà chỉ cho phép góa phụ mới được tiếp nam giới tại khuê phòng. Cũng có địa phương mang tư tưởng khá "thoáng" khi ai cũng đều được tham gia, bất kể là người ở đâu đến và có tình trạng hôn nhân ra sao. Yobai không chỉ thực hiện tại phòng riêng của nữ giới mà vào một vài thời điểm quan trọng trong năm như dịp lễ hội, nó còn được tiến hành tại đền thờ địa phương.
Việc thành công hay thất bại khi diễn ra Yobai đều phụ thuộc vào quyết định của người nữ. Nếu đằng gái đồng ý thì mọi chuyện sẽ diễn ra êm đẹp, còn từ chối thì đằng trai phải ra đi trong sự xấu hổ. Trường hợp phía chàng trai vẫn cố chấp tiến tới thì cô gái sẽ la lên và người nhà, hàng xóm sẽ đến trừng phạt anh ta.
Nhưng với tục lệ này, nếu có hệ quả nghiêm trọng xảy ra, nữ giới đều phải gánh chịu. Từng có rất nhiều phụ nữ là nạn nhân và phải chịu đựng sự tổn thương về mặt thể xác lẫn tinh thần. Yobai đã tạo cơ hội cho những tên “yêu râu xanh” thực hiện hành vi phạm pháp. Những kẻ biến thái sẽ lợi dụng tập tục này để lẻn vào nhà đối tượng mà chúng yêu thích sau đó tấn công và cưỡng hiếp nạn nhân. Chúng hành động vào đêm muộn, trói chặt, bịt miệng nạn nhân rồi “hành sự” và ra đi trong yên lặng.
Theo thời gian, Yobai dần trở thành một tục lệ lạc hậu, cổ hủ với hậu quả để lại rất nghiêm trọng, nên vào thời Minh Trị, một đạo luật cấm Yobai đã được ban hành. Tuy nhiên, Yobai vẫn chưa hoàn toàn chấm dứt, nó vẫn tồn tại ở các làng quê cho đến khi vụ thảm sát Tsuyama diễn ra. Đây là một vụ án mạng kinh hoàng chấn động cả nước Nhật vào thời điểm đó.
Vụ thảm sát Tsuyama
Ngày 21/5/1938, tại làng Kamo, thành phố Tsuyama, tỉnh Okayama đã xảy ra một vụ án mạng liên hoàn. Hung thủ là Toi Mutsuo, 21 tuổi đã sát hại hàng chục người trong đó có bà ngoại của hắn. Giới điều tra gắn mác cho vụ án này là hành vi "trả thù man rợ" và Toi Mutsuo (都井 睦雄) được liệt vào danh sách những tên sát nhân nguy hiểm nhất lịch sử Nhật Bản.
Toi vốn sinh ra trong một gia đình khá giả, tuổi thơ của hắn trôi qua êm đềm cho đến khi bi kịch ập đến, là lúc cha mẹ hắn qua đời vì bệnh lao. Hắn và người chị được bà ngoại nuôi dưỡng. Ở tuổi trưởng thành, Toi mắc bệnh lao, chị gái thì xuất giá khiến hắn trở nên trầm uất, đau khổ và sống tách biệt với cộng đồng.
Lúc ấy, ngôi làng mà Toi sinh sống vẫn còn áp dụng hủ tục Yobai. Vì khao khát được yêu thương nên hắn đã thực hiện phong tục này để tìm kiếm đối tượng kết hôn, nhưng do mắc bệnh lao, Toi luôn bị các cô gái miệt thị, xua đuổi.
Mối cô đơn, uất hận ngày một lớn dần, ăn mòn lý trí và tâm hồn của Toi khiến hắn hóa thành quỷ dữ. Toi cắt dây điện vào tối ngày 20 tháng 3 khiến ngôi làng Kamo chìm trong bóng tối. Vào khoảng 1 giờ 30 phút rạng sáng ngày 21/03/1938, hắn đã thực kế hoạch báo thù đẫm máu.
Toi đã ra tay sát hại người bà 76 tuổi của mình bằng rìu, sau đó buộc hai cây đèn pin vào đầu lang thang khắp nơi như một người trẻ tuổi đang trên đường thực hiện Yobai. Hắn đã dùng hung khí gồm súng, kiếm và rìu tàn sát 29 người (trong đó 27 người chết tại chỗ còn hai người bị thương nặng sau đó qua đời), làm ba người bị trọng thương trong thời điểm gây án là khoảng một tiếng rưỡi.
Làng Kamo chìm trong tang thương với tiếng người la hét cầu xin tha mạng, mùi máu tanh nồng với xác người nằm la liệt ở những nơi mà Toi đi qua. 5 giờ sáng, Toi dùng súng bắn vào đầu tự tử sau khi viết một bức thư tuyệt mệnh kể về nỗi đau khổ mà hắn phải chịu đựng khi bị xã hội ruồng bỏ, giải thích về nỗi hận thù và hành động tàn nhẫn của bản thân.
Thảm sát Tsuyama đã gây chấn động toàn xã hội Nhật Bản lúc bấy giờ. Sau án mạng này, chính phủ đã thực hành các biện pháp để xóa bỏ hoàn toàn hủ tục Yobai, tránh gây ra những hậu quả đau lòng có thể xảy đến.
kilala.vn
20/07/2021
Bài: Ái Thương
Đăng nhập tài khoản để bình luận