Võ thuật & nghệ thuật đối nhân xử thế

    Trong bối cảnh các chuẩn mực xã hội dần trở nên mong manh như hiện nay, những bộ môn võ thuật dạy con người phải khiêm nhường, trọng lễ, giữ gìn trái tim thuần khiết có lẽ là quá đỗi hiếm hoi và quý báu. Chính vì vậy những điều mà võ thuật Nhật Bản truyền dạy có thể được tôn lên hàng nghệ thuật sống.  

    Triết lý “Lấy nhu chế cương”

    Một triết lý cũng như đặc trưng cơ bản nhất mà võ thuật Nhật Bản đề cao là tinh thần “Lấy nhu chế cương”. Vốn xuất phát từ tư tưởng của triết gia vĩ đại Trung Quốc - Lão Tử: “Mềm thắng cứng, yếu thắng mạnh”, triết lý này được phổ cập mạnh mẽ tại Nhật vào khoảng thế kỷ 17, khi võ thuật Nhật Bản vốn thiên về “cương thuật” (chú trọng sức mạnh) đã không còn bị đặt vào bối cảnh chiến tranh với những trận đánh sống còn đặt cược cả sinh mạng. Lão Tử dùng nước để diễn đạt “nhu”: “Trong thiên hạ không gì mềm yếu hơn nước. Thế mà nó lại công phá được tất cả những gì cứng rắn. Chẳng chi hơn nó, chẳng chi thay thế được nó”.

    Theo đó, võ thuật Nhật Bản dần chú trọng việc mượn sức đối phương để hạ gục đối phương, nên ngay cả những người có thể trạng nhỏ bé, yếu ớt cũng có thể đối phó với những đối thủ to lớn. Càng mềm mỏng bao nhiêu càng dễ thắng lợi bấy nhiêu. Đại diện tiêu biểu nhất cho triết lý võ thuật này chính là Nhu đạo – bộ môn võ thuật tự vệ không đặt nặng mạnh hay yếu, nặng hay nhẹ, cao hay thấp, mà chỉ thuần túy áp dụng những kỹ thuật về thăng bằng.

    võ thuật & nghệ thuật đối nhân xử thế
    Triết lý "lấy nhu chế cương" trong võ thuật.

    Bắt đầu từ lễ, kết thúc bằng lễ

    “Lễ” này được biểu hiện nhất quán thông qua cả nghi thức lẫn tinh thần. Về hình thức, có muôn vàn kiểu chào trong quá trình tập: chào đầu giờ, chào trước khi tập hoặc trước khi đấu, chào khi tập xong hoặc đấu xong… Về mặt tinh thần, người Nhật quan niệm rằng, nếu không có đối thủ thì bản thân cũng không thể tiến bộ và thành thục, do vậy sự tồn tại của đối thủ là một điều đáng kính và ta cần phải thể hiện sự tôn trọng của ta bằng cả tấm lòng. Tác giả Shinji Nakabayashi trong cuốn “Budo no susume” (Nhà sách Shimazu-shobo) nhận định: “Khi rèn luyện võ thuật, người ta thường cư xử lễ phép hơn, không phải chỉ về mặt hình thức mà còn có ý nghĩa thực thi trật tự trong cuộc sống như một con đường tu dưỡng bản thân”. Ông kết luận: “Cảnh giới cao nhất trong việc rèn luyện võ thuật là nhận ra được giới hạn của bản thân và đối thủ ngay cả trong hoàn cảnh ngặt nghèo. Lúc nào cũng giữ một trái tim nhất mực thuần khiết - không sợ hãi, không thù hận, không coi thường”.

    lễ trong võ thuật
    Lễ được biểu hiện thông qua nghi thức lẫn tinh thần. 

    Võ thuật rèn luyện nhân cách

    Võ thuật Nhật Bản cũng tham gia vào môi trường giáo dục nhằm hoàn thiện nhân cách cho con người. Với tôn chỉ “Tôn sư trọng đạo”, người học võ thuật được giáo dục rằng phải luôn kính trọng người thầy, thấm nhuần các giáo lý của môn học. Đồng thời thông qua các buổi tập khắc nghiệt, người học rèn luyện được tinh thần chịu đựng nghịch cảnh, thứ sẽ nâng đỡ cho cuộc sống của mỗi người khi trưởng thành và bước ra trường đời.

    Cụ thể hơn, trong Kiếm đạo có một thuật ngữ gọi là “zanshin” (残心), nghĩa là vẫn giữ được tâm trí tỉnh táo sau khi hạ đòn, không được chủ quan sơ suất để chắc chắn rằng đối thủ đã bị hạ. Bên cạnh đó, cần phải biểu thị sự kính trọng với đối phương, không được phép thực hiện động tác ăn mừng dù là người thắng cuộc. Tinh thần này cũng được thể hiện trong các môn võ thuật truyền thống khác như Nhu đạo, nghệ thuật dùng kích (naginata)…

    Trong Cung đạo lại có hai thuật ngữ thông dụng khác là “tâm bất động” (不動心) và “tâm bình thường” (平常心). Tâm không vì điều gì mà dao động, có thể bắn trúng đích bằng sự bình lặng trong tâm hồn là điều quan trọng hơn cả. Người luyện cung đạo không coi trọng thành tích mà luôn xem Chân – Thiện – Mỹ là mục tiêu cao nhất của mình. 

    Ngoài ra, võ thuật Nhật Bản còn nhắc nhở mỗi người tập phải giữ vững tình yêu với võ thuật, tự nâng cao sở trường và khắc phục điểm yếu, tự trải nghiệm và giác ngộ chân lý nhằm hoàn thiện phẩm chất bản thân bằng chính khả năng của mình.

    võ thuật rèn luyện nhân cách
    Zanshin trong kiếm đạo nghĩa là vẫn giữ được tâm trí tỉnh táo sau khi hạ đòn.

    Do đó, không phải ngẫu nhiên mà người Nhật dùng chữ “đạo” (nghĩa đen là “con đường”) để gọi tên các bộ môn võ thuật. “Thuật” chỉ dùng để chỉ về mặt võ, còn “đạo” là phạm trù nơi mọi thứ được nâng lên tầm nghệ thuật một cách cao độ. Theo đó, võ thuật không phải là những trận đấu thuần về phô trương sức mạnh, “mạnh được yếu thua”, mà mỗi một lĩnh vực đều là con đường để truy tầm kiến thức, lĩnh hội những tư tưởng thâm sâu và tôn vinh những giá trị tốt đẹp về tinh thần. Đó cũng là đẳng cấp cao nhất mà người luyện võ chân chính phải hướng đến.

    kilala.vn

    25/06/2020

    Bài: Inako
    Ảnh: Pixta

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!