Vì sao trường học ở Nhật lại phải trộn lớp mỗi năm?

    Với học sinh Nhật Bản, việc trộn lớp dường như đã trở nên quen thuộc khi bước vào năm học mới. Vì sao lại có sự thay đổi trong việc phân chia lớp học? Điều này tác động như thế nào đến học sinh?

    Nếu là người biết đến văn hóa Nhật qua các bộ manga, anime, phim truyện thì hẳn bạn cũng biết đến việc thay đổi lớp học mỗi năm. Với học sinh, khoảng thời gian tháng 2 – tháng 3 khá quan trọng vì các em sẽ phải đổi sang một lớp học khác, có thể không được gắn bó với những người bạn đã quen trong suốt một năm qua. Thông thường, việc trộn lớp sẽ được hoàn thành trước khi năm học mới được bắt đầu vào tháng 04.

    Vì sao phải trộn lớp?

    Có nhiều mục đích khác nhau trong việc trộn lớp, nhưng chủ yếu là để giúp những đứa trẻ có thể phát triển các mối quan hệ mới, không bị cố định và lệ thuộc vào những người đã quen biết. Nếu đã hòa nhập tốt với môi trường cũ, đứa trẻ sẽ có cơ hội kết giao với những người bạn mới khi thay đổi lớp học. 
    học sinh
    Việc trộn lớp ở Nhật giúp trẻ em có thêm nhiều mối quan hệ. Ảnh: tuberculin

    Nhưng nếu gặp khó khăn với những người bạn cũ thì những đứa trẻ cũng có thể được “giải thoát” để có những người bạn phù hợp hơn. Ngoài ra, về khía cạnh xã hội, khi bước ra thế giới của người trưởng thành sau này, trẻ sẽ cần có khả năng tương tác với những người mới, mở rộng vòng tròn kết nối.

    Việc trộn lớp dựa trên yếu tố nào?

    Điểm số

    Khoảng 80% sự thay đổi của lớp học sẽ do điểm số quyết định. Điểm ở đây đề cập đến các bài kiểm tra cuối năm; học sinh giỏi, khá, trung bình sẽ được chia đều trong các lớp. Điều này tránh việc một lớp học tập trung quá nhiều học sinh giỏi, hay một lớp lại chỉ toàn học sinh cá biệt.
    học sinh
    Điểm số sẽ là yếu tổ quyết định cách chia lớp. Ảnh: istock

    Khả năng lãnh đạo

    Lớp học sẽ đóng vai trò như một xã hội thu nhỏ, và để duy trì trật tự trong xã hội ấy thì cần những người có khả năng điều phối, lãnh đạo được các học sinh trong lớp, và đó không ai khác là một học sinh có thành tích nổi bật. 

    Có thể không phải một cá nhân có năng lực học tập xuất sắc, nhưng nhất định phải là người có tiếng nói, công bằng, được bạn bè tín nhiệm. Những học sinh này được phân công ở các lớp để đảm bảo rằng khi cần thiết, chúng sẽ "lèo lái" lớp học cùng đi lên, trở thành một đầu tàu vững chãi cho các học sinh khác.

    [subscribe]

    Thể thao hoặc năng khiếu

    Các trường học sẽ có rất nhiều hoạt động thi đua ngoại khóa dành cho học sinh, từ thể thao cho đến âm nhạc. Chính vì thế, để có sự cạnh tranh công bằng cho các lớp học thì việc chia đều các học sinh có năng khiếu đặc biệt về thể thao và nghệ thuật là điều cần thiết. Tuy nhiên đây cũng chỉ là một ưu tiên nhỏ trong việc chia lớp.

    thể thao học đường

    Yếu tố thể thao hoặc năng khiếu cũng rất được quan tâm ở môi trường học đường. Ảnh: istock

    Mối quan hệ giữa học sinh

    Việc đánh giá mối quan hệ nào tích cực hoặc ngược lại sẽ do giáo viên dạy học năm trước đảm trách. Vai trò của giáo viên là xem xét các học sinh có xích mích với nhau hoặc có tình trạng bị bắt nạt. hay không để từ đó tránh xếp các học sinh này trong cùng một lớp.

    Ngoài ra, những anh chị em sẽ khó có thể được xếp cùng lớp, trừ một số trường hợp đặc biệt (trường chỉ có một lớp cho mỗi khối lớp). Điều này giúp hạn chế việc so sánh giữa các anh chị em với nhau. Về cơ bản, mỗi người nên có một nơi để họ được công nhận mà không bị ảnh hưởng bởi người khác. 

    Xem thêmLiệu có sự đồng bộ trong việc bố trí phòng học của Nhật?

    kilala.vn

    20/04/2022

    Bài: Natsume

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!