
Vì sao người Nhật thời xưa không ăn rau sống?
Nhật Bản có nét văn hóa ăn đồ sống lâu đời, như cá sống trong món sushi, sashimi lừng danh. Tuy nhiên với món rau thì lại có chút khác biệt khi ngày xưa, rau chỉ được ăn sau khi nấu chín.
Người Nhật xưa không ăn rau sống
Có thể bạn sẽ ngạc nhiên nhưng trong quá khứ, người dân xứ Phù Tang không có văn hóa ăn rau sống dưới dạng salad. Dù củ cải bào, khoai mỡ và hành lá đôi khi được ăn sống dưới dạng gia vị, nhưng đây chỉ là một phần nhỏ trong chế độ ăn của người Nhật.
Từ cuối thời Edo đến thời Minh Trị (cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20), khi Nhật Bản mở rộng quan hệ giao thương với các nước phương Tây thì cũng là lúc món salad được du nhập. Salad với nhiều loại rau sống trộn với các nguyên liệu khác là món ăn tươi ngon, bổ sung nhiều chất xơ, tuy nhiên cách người Nhật chế biến lúc đó lại rất khác biệt.

Theo sách hướng dẫn nấu ăn phương Tây xuất bản năm 1872, các nguyên liệu rau củ sử dụng chủ yếu trong món salad ở Nhật là cà chua, củ cải, súp lơ, măng tây và chúng đều được luộc chín rồi mới đem đi trộn. Thực tế là rau xà lách mới chỉ được người Nhật sử dụng cho salad từ thời Showa (1926 - 1989).
Hay bắp cải, được cho là loại rau lâu đời nhất, chỉ xuất hiện tại Nhật vào cuối thời Edo và cũng được luộc chín. Người Nhật chỉ ăn sống nó từ khoảng thời Minh Trị, khi họ thái nhỏ bắp cải để ăn kèm với cốt lết.
Kể từ thập niên 70, việc ăn rau sống mới phổ biến rộng rãi hơn. Còn trước đó, ngoài việc ăn các loại trái cây như cam quýt, dưa lưới, dưa hấu... và thỉnh thoảng sử dụng hành lá hay một ít loại rau củ khác để làm gia vị thì người dân Nhật Bản hầu như không có thói quen ăn rau sống.
Tại sao lại như vậy?
Các chuyên gia đã giải thích lý do cho việc người Nhật xưa không có thói quen ăn rau sống như sau:
Thứ nhất, rau củ thời xưa không ngon như ngày nay. Ở thời hiện đại, các loại rau đã được lai tạo, chọn lọc và có vị ngọt, dễ ăn hơn. Rau xưa thường vẫn còn vị đắng nên phải luộc chín, chế biến để hợp khẩu vị.

Ngoài ra còn có vấn đề về vệ sinh. Trước đây, phân người và các chất thải khác của động vật được dùng làm phân bón cho cây trồng trên đồng ruộng. Thế nên việc ăn rau sống được trồng trên đồng tiềm ẩn nguy cơ nhiễm giun sán.
Sau Thế chiến thứ hai, để cải thiện vấn đề vệ sinh môi trường và sức khỏe, Nhật Bản đã ban hành các chính sách không sử dụng “đất đen” (phân bón từ phân người và động vật) trong việc trồng trọt mà thúc đẩy chuyển sang phân bón hóa học hay phân hữu cơ.

Từ năm 1955, Bộ Y tế và Phúc lợi Nhật đã phổ biến việc trồng rau sạch, đảm bảo vệ sinh và đưa ra danh sách thực phẩm ăn sống có lợi cho sức khỏe. Từ đó việc ăn rau sống được người dân xứ hoa anh đào ưa chuộng hơn. Ngày nay, dĩ nhiên các món rau sống đã trở thành một phần không thể thiếu trong ẩm thực xứ Phù Tang.
kilala.vn
Đăng nhập tài khoản để bình luận