Trong tình yêu, bạn đã bao giờ trải qua “Hiệu ứng cầu treo”?
Bạn đã bao giờ nghe đến thuật ngữ “hiệu ứng cầu treo”? Đây là một hiệu ứng thường được dùng để giải thích các mối quan hệ của con người, trong đó có tình yêu.
Hiệu ứng cầu treo là gì?
Hiệu ứng cầu treo trong tiếng Nhật được gọi là “Tsuribashi-kouka - 吊り橋効果”. Đây là hiệu ứng tâm lý khi hai người cùng trải qua khoảnh khắc lo lắng, sợ hãi sẽ dễ dàng đồng cảm, nảy sinh tình cảm với nhau. Trong tâm lý học gọi đây là “hiệu ứng lẫn lộn kích thích”.
Chính vì thế, trong tình yêu, nhiều người đã sử dụng phương pháp này để giúp hai người nhanh chóng đến với nhau. Còn nếu đã là một đôi, thì đây cũng là chất xúc tác giúp mối quan hệ bền chặt hơn.
Hiệu ứng này ra đời như thế nào?
Donald Dutton và Arthur Aron vào năm 1974 đã thực hiện thí nghiệm với những người đàn ông độc thân trong độ tuổi từ 18 đến 35 tại hai địa điểm ở Vancouver: một cây cầu treo cao 70m và một cây cầu bê tông chắc chắn.
Từng người đàn ông được yêu cầu đi qua một cây cầu, ở giữa cầu họ sẽ gặp một người phụ nữ trẻ đến nhờ họ làm một bài kiểm tra. Sau đó, cô gái rời đi với lời nhắn “Nếu bạn muốn biết đáp án, hãy gọi cho tôi nhé!”.
Kết quả, sau khi đi hết cây cầu, 9/18 người đàn ông đi trên cầu treo đã liên hệ với cô gái, trong khi chỉ có 2 người trong 16 người đi cầu bê tông gọi lại.
Từ thí nghiệm trên, Donald Dutton và Arthur Aron đã suy luận rằng cảm giác lo lắng khi đi qua cầu treo bị nhầm lẫn với cảm giác rung động và kết quả là người phụ nữ có nhiều khả năng nhận được các cuộc điện thoại hơn.
Hiệu ứng cầu treo có tác dụng trong tình yêu hay không?
Có lẽ bạn thấy thuật ngữ này khá xa lạ, nhưng đôi lần bạn đã trải qua tình huống này trong quá khứ. Ví dụ, khi đang gặp khó khăn trong công việc và phải làm thêm giờ, đột nhiên có một người đồng nghiệp đưa đồ uống và hỏi thăm rằng: “Bạn có ổn không?”, thì hảo cảm của bạn đối với người đó cũng tăng cao dù trước đây hai người không có sự tương tác.
Cảm giác này xảy đến do bạn đang trải qua sự lo lắng khiến bạn nhầm lẫn cảm xúc.
Hoặc dễ hiểu hơn là những cặp đôi thường sẽ chọn trải nghiệm ở nhà ma, tàu lượn siêu tốc. Khi cảm xúc phấn khích và sợ hãi xuất hiện, thì sự đồng hành và chở che sẽ khiến mức độ yêu thích tăng vọt.
Tuy nhiên, vài năm sau, một nhóm nghiên cứu do Giáo sư Gregory White thuộc Đại học Maryland đã phát hiện ra rằng “hiệu ứng cầu treo” chỉ xảy ra với những người có cảm tình với nhau. Điều này còn có thể gây ra phản ứng ngược đối với những người không có ấn tượng tốt với bạn. Chính vì thế nên cân nhắc khi sử dụng phương pháp này.
Bên cạnh đó, với những người đã đến được với nhau nhờ xúc tác của hiệu ứng cầu treo, thì cảm xúc đó cũng có thể phai nhạt (tùy theo mỗi người). Chính vì thế, để mối quan hệ đôi lứa được bền chặt hơn, mỗi người cần mang lại những cảm xúc tích cực, những quan tâm thật lòng với đối phương và thường xuyên chia sẻ những câu chuyện để hai người hiểu nhau hơn.
Những cách để thực hiện hiệu ứng cầu treo
Khen ngợi đối phương tại buổi gặp mặt
Bữa tiệc mai mối là nơi gặp gỡ những người mới nên hầu hết những người tham gia đều cảm thấy hồi hộp. Khen ngợi trong tình huống này sẽ làm tăng khả năng được yêu thích. Vì vậy nếu bạn tìm được người mà mình có cảm tình, đừng tiết kiệm lời khen và cho họ thấy được sự quan tâm của bạn.
Cùng tham gia vào một dự án
Nếu bạn có người mình thích ở công ty, việc có thể làm chung trong một dự án là một ý tưởng hay. Trong quá trình thực hiện, có nhiều vấn đề nảy sinh và cần phải cùng nhau tìm ra giải pháp.
Khi con người gặp khó khăn, họ trở nên lo lắng, và sự căng thẳng này giống hệt như việc đi qua một cây cầu treo. Ngoài ra, kinh nghiệm cùng nhau vượt qua khó khăn còn mang lại cảm giác đoàn kết, khiến mọi người dễ dàng trở nên gần gũi hơn.
Tuy nhiên đây cũng là con dao hai lưỡi vì sự căng thằng sẽ dễ dẫn đến tranh cãi. Kết quả là có thể bạn sẽ không còn sự yêu thích với đối phương nữa.
Cùng đi du lịch đến một địa điểm mới
Mọi người vô thức sợ hãi những điều họ không biết. Đặc biệt khi đi du lịch đến một nơi xa lạ, bạn không chỉ có cảm giác sợ hãi mà còn phấn khích, mong đợi. Khi trải qua thời gian đồng hành cùng nhau, hai người có thể nhìn thấy những khía cạnh của người kia mà bạn chưa biết.
Chơi những trò chơi cảm giác mạnh
Những trò chơi thách thức sự can đảm như tàu lượn siêu tốc sẽ làm tăng mức độ phấn khích do căng thẳng, lo lắng và sợ hãi. Việc có người đồng cảm với cảm xúc đang diễn ra càng làm thu hẹp khoảng cách tình cảm.
Cùng nhau tham gia một hoạt động thể thao
Nếu bạn muốn tiếp cận những người thích thể thao thì nên sử dụng phương pháp này vì khi vận động, nhịp tim sẽ tăng lên. Bên cạnh đó, cảm giác đạt được thành tựu khi hướng dẫn ai làm được điều gì đó, cùng với cảm giác ngưỡng mộ của người được hướng dẫn, sẽ là chất xúc tác cho việc phát triển tình cảm.
Những địa điểm tại Nhật giúp bạn trải qua “hiệu ứng cầu treo”
Theo đúng nghĩa đen, những địa điểm này sẽ giúp bạn trải nghiệm cảm giác thót tim khi đi qua, đừng quên rủ crush đi cùng nhé!
- Đường sắt Oigawa
- Cầu Kazura
- Yume no Tsuribashi
- Kokonoe Yume Otsurihashi
- Thung lũng Iya
kilala.vn
Đăng nhập tài khoản để bình luận