Triết lý Mottainai và chất lượng Nhật Bản
Không có một đất nước nào trên thế giới chịu nhiều thiên tai, thiếu thốn tài nguyên lại phải hứng chịu thêm hai quả bom nguyên tử thảm khốc như Nhật Bản. Nhưng cũng không có đất nước nào vươn lên từ tro tàn chiến tranh với nỗ lực phục hồi danh dự cho xứ sở trên trường quốc tế sau 1945, tạo đà cho một cuộc chuyển mình thần kỳ trong kinh tế làm cả thế giới kinh ngạc như xứ Phù Tang. Câu chuyện về Sony là minh chứng tiêu biểu cho công thức thành công đó.
Nhà sáng lập hãng Sony Akio Morita trong tác phẩm “Made in Japan” (Chất lượng Nhật Bản) đã thuật lại con đường đầy gian truân của bản thân mình và công ty Sony từ những ngày đầu thành lập trong hoang tàn đổ nát chiến tranh cho đến khi đạt đến vinh quang trên trường quốc tế, khi những sản phẩm của Sony với nhãn mác “made in Japan” trở thành bảo chứng của thiết kế xuất sắc và chất lượng ưu việt. Với gần sáu trăm trang sách, được chia thành chín chương: chiến tranh, hòa bình, bán hàng cho cả thế giới, nghệ thuật quản lý, phong cách Nhật Bản và Mỹ, cạnh tranh, kỹ thuật công nghệ, Nhật Bản với thế giới và nền thương mại toàn cầu, nhà sáng lập hãng Sony Akio Morita đã viết về sự vươn mình Nhật Bản qua hãng Sony cùng những trăn trở của mình về Nhật Bản và thế giới.
Trong đống tro tàn đổ nát của chiến tranh, hai nhà sáng lập Sony là Masaru Ibuka và Akio Morita đã đề ra sứ mệnh cho Sony là nỗ lực đưa Nhật Bản nổi tiếng toàn cầu về chất lượng sản phẩm “công ty mới này phải là công ty sáng chế, luôn năng động tạo ra sản phẩm mới, có trình độ kỹ thuật cao vượt bậc”. Khi đó, Nhật Bản chỉ sản xuất hàng nhái và hàng giá rẻ. Sứ mệnh đó vượt qua ngoài phạm vi của tập đoàn Sony và góp phần đưa Nhật Bản dần dần trở thành cường quốc đứng đầu về chất lượng sản phẩm.
Xuất phát điểm: triết lý Mottainai
Morita cho rằng từ khóa “mottainai” chính là biện pháp để tồn tại của người Nhật từ xưa. “Đây là một khái niệm quan trọng có thể giải thích cho chúng ta rất nhiều về đất nước, con người và cả nền công nghiệp Nhật Bản”
Mottainai (勿体無いlãng phí) bao hàm ý nghĩa tất cả những gì trên trái đất này đều là quà tặng của Tạo hóa, phải trân trọng và không được phép phí phạm. Phí phạm bất cứ thứ gì đều là tội lỗi, cho dù là những thứ nhỏ nhặt như nước và giấy. Người Nhật đã phát triển quan điểm này vượt qua ranh giới của sự căn cơ, tiết kiệm hay duy trì, giữ gìn để trở thành một khái niệm tôn giáo. “Người Nhật Bản cho rằng tất cả mọi vật chỉ được ban phát theo kiểu trao giữ và thực ra chỉ là cho mượn để chúng tôi tìm cách sử dụng hiệu quả nhất”.
Trong chiến tranh thế giới thứ hai, người Nhật đã nhấn mạnh điều này bằng khẩu hiệu “Xa xỉ là kẻ thù” (贅沢は敵だzeitaku wa teki da).
Lấy ví dụ về giấy. Ngoài việc in sách báo, người Nhật sử dụng rất nhiều giấy để chế tạo các vật dụng, từ đồ thờ cúng, mỹ thuật, chao đèn, trang trí cửa sổ, sản xuất bao bì đóng gói và giấy trang trí. Nhật Bản là nước sản xuất giấy lớn thứ hai trên thế giới sau Mỹ với sản lượng hơn 190 triệu tấn giấy một năm. Và Nhật Bản cũng là nước có tỷ lệ giấy tái chế cao nhất thế giới. Năm 1984, khoảng 50% số giấy tiêu thụ ở Nhật đã được thu hồi để tái chế trong khi Mỹ là 27%, Pháp 34%, Hà Lan 46%, Anh 28%. Chính vì hiểu rõ ý nghĩa của từ mottainai, Nhật Bản đã vượt qua cuộc khủng hoảng dầu lửa bằng cách trở thành những nhà sản xuất có hiệu quả nhất.
Con người là tài sản đáng giá nhất
Sản phẩm phải xuất phát từ con người. Và với một xứ sở không có lấy một nguồn tài nguyên nào ngoài nước thì chính con người là thứ tài sản duy nhất và đáng giá nhất. Trong tác phẩm “Made in Japan” Akio Morita cho rằng không có một công thức bí mật nào ẩn sau thành công cả. Nhân tố then chốt nhất chính là vấn đề con người.
Người Nhật biết hy sinh lợi ích cá nhân mình cho lợi ích tập thể để đạt đến mục tiêu chung. Hơn nữa mỗi người Nhật trong hoạt động thường ngày đều cố gắng vươn lên sự hoàn hảo. Đạo đức cá nhân chủ yếu được đánh giá qua chất lượng công việc.
“Chỉ có con người mới tạo nên thành công mà thôi. Nhiệm vụ quan trọng nhất của một nhà quản lý Nhật Bản là phải phát triển mối quan hệ thân thiết với nhân viên, phải tạo dựng trong tập đoàn cảm giác gần gũi như trong gia đình, cả nhân viên và người quản lý đều có cảm giác như đang chia sẻ vận mệnh chung”. Vì thế việc chọn đúng người, trao quyền và tin tưởng là vô cùng quan trọng. Trong mối quan hệ lao động, người Nhật hẩu như không có sự phân biệt đối xử giữa nhân viên văn phòng và công nhân. Mọi người trong công ty trân trọng hòa thuận với nhau như trong một gia đình lớn.
Chế độ làm việc thâm niên, xem công ty như một đại gia đình, kêu gọi mọi người sáng tạo và nỗ lực hết mình rất phù hợp với một xã hội chiều dọc, coi trọng tập thể như Nhật Bản. Theo Morita, một trong những điều khác biệt lớn nhất giữa văn hóa kinh doanh Nhật và Mỹ là đối với ủy viên quản trị Nhật Bản, trách nhiệm lớn nhất là đảm bảo việc làm và cải thiện đời sống cho người lao động, lợi nhuận đứng hàng thứ hai. Nhưng đối với ủy viên quản trị của Mỹ, ưu tiên cao nhất là lợi tức cho các nhà đầu tư hay lợi nhuận trong năm. Điều này trở thành sự khác biệt lớn trong phong cách quản lý và văn hóa kinh doanh.
Cải tiến không ngừng
Chính sự cạnh tranh đã tạo động lực cho các doanh nghiệp Nhật Bản. Đó là sự cạnh tranh lành mạnh chứ không phải phá hoại. “Ở Nhật Bản mọi người đều hiểu là không nên hủy diệt một đối thủ cạnh tranh xứng đáng mà cần phải để cho đối thủ đó giữ được thể diện và danh dự”. Sự cạnh tranh gay gắt từ trong nước khiến các doanh nghiệp Nhật Bản phải luôn đổi mới sáng tạo và tạo lợi thế cạnh tranh rất hiệu quả khi ở nước ngoài.
Việc nhắm đến sự hoàn hảo khiến người Nhật luôn cải tiến sản phẩm. “Tôi cho rằng sẽ không khôn ngoan khi muốn làm một thứ gì đó mới lạ và sau đó lại thỏa mãn với thành tích của mình. Ta nên làm một thứ gì để từ đó tiến hành kinh doanh trên cơ sở một sự phát triển mới và điều này đòi hỏi phải luôn nâng cấp sản phẩm để chiếm lĩnh thị trường”.
Morita cho biết: “Chính tôi cũng chẳng vui gì với việc chúng tôi trở thành nhà cung cấp duy nhất”. Ông viết tiếp: “Kế hoạch của chúng tôi là tạo ra nhu cầu của người tiêu dùng bằng sản phẩm mới của công ty thay vì hỏi xem họ ưa thích loại sản phẩm gì. Người tiêu dùng không biết cái gì là có thể, nhưng chúng tôi lại biết”. Một ví dụ tiêu biểu cho điều này là máy nghe nhạc Walkman. Chiếc máy này đã làm thay đổi hoàn toàn thói quen nghe nhạc của hàng triệu người trên thế giới.
Sau khi hoàn thành sứ mệnh đưa chất lượng sản phẩm “made in Japan” lên một tầm cao mới, và dành cả đời để kinh doanh khắp thế giới, Morita tin rằng thế giới tương lai sẽ “tràn trề hàng hóa và dịch vụ thượng hạng, ở đó chứng nhận xuất xứ hàng hóa của mọi quốc gia đều là một biểu tượng của chất lượng và ai cũng phải cạnh tranh với nhau để giành được những đồng tiền khó kiếm của người tiêu dùng bằng hàng hóa với giá phải chăng và thể hiện được những tỷ giá hối đoái hợp lý”. Thế giới đó tùy thuộc vào ý chí của chúng ta.
1. Phân loại rác để tái chế được thực hiện nghiêm ngặt ở Nhật Bản
2. Nhật Bản là nước có tỷ lệ tái chế giấy hàng đầu thế giới
3. Ở Nhật Bản, đạo đức cá nhân chủ yếu được đánh giá qua chất lượng công việc
4. Hai thế hệ máy nghe nhạc cá nhân Walkman, sản phẩm làm thay đổi thói quen nghe nhạc của hàng triệu người trên thế giới.
kilala.vn
25/02/2020
Bài: Hoàng Long
Ảnh: Pixta
Đăng nhập tài khoản để bình luận