Tìm hiểu cấu trúc thành Shuri và hành trình đi lên từ đống hoang tàn

    Như Kilala đã từng giới thiệu, thành Shuri tại Okinawa được xem là tòa thành "đen đủi" nhất khi bị cháy đến 5 lần trong suốt chiều dài lịch sử của mình. Trong bài viết này, hãy cùng Kilala nhìn lại quá trình thành Shuri vực dậy từ đống hoang tàn như thế nào, cũng như khám phá những điều thú vị về tòa thành này nhé!

    Quá trình khôi phục thành Shuri sau chiến tranh

    - Sau vụ cháy lần thứ 4 vào ngày 27/5/1945, mãi đến năm 1958, quá trình phục dựng lại thành Shuri mới bắt đầu với việc xây dựng lại Shureimon (守礼門) và các công trình xung quanh như cổng chùa Engaku (円覚寺).
    - Ngày 15/5/1972, thành Shuri được chỉ định là Di tích Lịch sử, sau khi Okinawa được trao trả cho Nhật Bản.
    - Những năm 1979 - 1980, khi đại học Ryukyu được di dời từ đống hoang tàn của thành Shuri thì thành đã được lên kế hoặc xây dựng lại bởi chính phủ nhà nước và tỉnh Okinawa. Vào thời gian này, thành Shuri chính thức bắt đầu được trùng tu trên quy mô toàn diện.

    cấu trúc thành Shuri
    Chùa Engaku.

    - Từ tháng 11/1989, các thợ thủ công đã được triệu tập để bắt đầu tiến hành trùng tu chính điện và những nơi khác dựa trên khảo sát khai quật di tích, các bản vẽ và tư liệu hình ảnh tu sửa chính điện thời Chiêu Hòa và ký ức của những người ở thế hệ đi trước bằng kỹ thuật xây dựng đương thời.
    - Ngày 2/11/1992, các toà nhà xung quanh Chính điện và các cổng dẫn đến khu vực này đã được xây dựng lại và mở cửa với tư cách là Công viên thành Shuri. Hiện nay, công viên này vẫn đang được phát triển và mở cửa cho công chúng, các toà nhà phía sau Chính điện vẫn đang được tiến hành tu sửa lại.
    - Công việc phục dựng trong khoảng 30 năm đã hoàn thành vào tháng 1/2019. Ouchibara (御内原) – nơi nhà vua sống cùng với gia đình và nữ quan cũng được mở cửa vào tháng 2.

    Cấu trúc thành Shuri

    Không giống như các toà thành khác của Nhật Bản, kiến trúc thành Shuri chịu sự ảnh hưởng lớn từ các toà thành Trung Quốc. Các cổng và toà nhà đều được sơn đỏ theo kỹ thuật sơn mài, mái ngói ban đầu là ngói Cao Ly, sau này là ngói Ryukyu và hình ảnh liên quan đến rồng (cũng là biểu tượng của nhà vua) được sử dụng để trang trí rất nhiều.

    mô hình thành Shuri
    Mô hình thành Shuri.

    Cấu trúc tổng quát

    Thành Shuri được bao quanh bởi tường thành kép gồm Nội thành được xây dựng vào khoảng nửa đầu thế kỷ 15 trong triều đại nhà Shou đệ nhất và Ngoại thành được xây dựng từ nửa cuối thế kỷ 15 đến nửa đầu thế kỷ 16 trong triều đại nhà Shou. Các công trình Chính Điện, Bắc Điện hay Nam Điện đều tập trung ở Nội thành.

    Ngoại thành gồm có 4 cổng vòm như cổng Kankaimon (歓会門), cổng Kyukeimon (久慶門). Trong khi đó, 9 cổng khác nằm ở Nội thành như cổng Zuisenmon (瑞泉門 ) hay cổng Roukokumon (漏刻門). Nếu bạn bước vào bên trong Ngoại thành qua cổng Kankaimon - cổng chính của thành hay cổng thông dụng Kyukeimon, bạn sẽ đi đến cổng Zuisenmon dẫn vào trong Nội thành.

    kankaimon
    Kankaimon.

    Tại Zuisenmon có một đài phun nước tên là Ryuhi (龍樋) với dòng nước chảy ra từ một rặng núi bằng đồng có hình đầu rồng. Ở nơi đó có một bia đá với dòng chữ “中山第一甘露” (Nakayama daiichi kanro - Trung Sơn Đệ Nhất Cam Lộ) và một bản khắc do sứ thần Trung Quốc để lại tử nửa đầu thế kỷ 18 đến nửa sau thế kỷ 19. Dòng chữ này mang ý nghĩa tôn vinh nguồn nước ở đây ngọt lành như sương mưa. Sau khi đi qua cổng Zuisenmon và Roukokumon, nơi dùng để đo thời gian bằng đồng hồ mặt trời, sẽ đến Koufukumon (広福門).

    Ở phía trước Chính Điện là quảng trường nơi các chư hầu đón tiếp sứ giả đến từ Trung Quốc. Bao quanh quảng trường là cơ sở hành chính (Bắc Điện), nơi thực hiện các nghi lễ (Nam Điện),. Ngoài ra, quảng trường còn được bao bọc bởi nhiều cổng và tường thành khác nhau. Có người cho rằng cấu trúc này tương tự với Tử Cấm thành của Trung Quốc. Tuy nhiên, vì Nam Điện là nơi dùng để tiếp đãi gia tộc Satsuma nên chỉ riêng nơi đây được xây dựng theo phong cách Nhật Bản.

    bắc điện
    Bên ngoài Bắc Điện.

    Nơi vua ở được gọi là Seiden (Chính Điện) hay còn được gọi là Karafafu (唐破風). Trong Chính Điện có ngai vàng Usasuka (御差床) được xây ở cả tầng 1 và tầng 2. Tại Usasuka tầng 2 có trưng bày một bảng hiệu do Hoàng đế nhà Thanh ban tặng. Chúng đều đã bị mất trong trận chiến Okinawa nhưng “Trung Sơn Thế Thổ” (中山世土) do vua Khang Hi tặng, “Tập Thuỵ Cầu Dương” (輯瑞球陽) nhận từ vua Ung Chính và “Vĩnh Tộ Doanh Nhuyên” (永祚瀛壖) của vua Càn Long đã được trưng bày sau khi được phục hồi nét chữ và con dấu. Tầng 1 của Chính Điện gọi là Shichagui (下庫理) nơi làm việc của vua và Ufugui (大庫理) tầng 2 được sử dụng bởi các phi tần hay nữ quan. Ngai vàng Usasuka của tầng 2 sử dụng cho các lễ nghi quan trọng và căn phòng ở góc đông nam (Osenmikocha) là nơi dành cho các lễ nghi của vua và nữ quan.

    Phía Nam

    Phía nam của Nam Điện là thư phòng, đây cũng là nơi nhà vua làm việc hằng ngày và Sasunoma (鎖之間) (ngày nay là nơi cho du khách thưởng thức trà và bánh truyền thống). Tàn tích của thư phòng và Sasunoma được giữ gìn rất tốt, chúng được tu sửa và mở cửa vào tháng 8/2008. Vào tháng 7/2009, cả hai được chỉ định là danh lam thắng cảnh của Nhật Bản. 

    Đằng sau Chính Điện là không gian sinh hoạt riêng tư Uchibaru (御内原), gồm nhiều toà nhà xung quanh quảng trường Kushinu-una (後之御庭), từ nửa sau những năm 1990, kế hoạch khai quật và phục dựng những toà nhà này đã được tiến hành và ngày 1/2/2019, toàn bộ Uchibaru đã được mở cửa cho khách du lịch tham quan. Hơn nữa, Kuganiuduun (黄金御殿) - phòng ngủ của các phi tần, Yuinchi (寄満) - phòng bếp, Kinjyutsumesho (近習詰所) - nơi chờ đợi của các cận thần bên cạnh vua và nơi vua nghỉ ngơi Okushoin (奥書院) cũng được tu sửa và mở cửa vào năm 2014.

    Phía Đông

    Các toà nhà được khôi phục lại như kiến trúc bàng gỗ ban đầu chỉ có Chính Điện, thư phòng và Sasunoma. Tuy nhiên, khi xây dựng lại Chính Điện, các nghi lễ như “Kihiki” (木曳式) đã được tổ chức để mang về những cây lớn từ vùng núi ở phía bắc của hòn đảo chính Okinawa nhưng phần lớn vật liệu xây dựng thực tế là gỗ cây bách từ Đài Loan hoặc từ hòn đảo chính của Nhật Bản. Vật liệu truyền thống cao cấp của Okinawa như cây La hán tùng được sử dụng lúc trước, sau này do nguồn tài nguyên cạn kiệt nên phải sử dụng một phần gỗ nhập từ đảo chính của Nhật Bản.

    Có thể nói rằng chỉ phía ngoài của những toà nhà khác được tu sửa lại bằng bê tông. Tường thành cũ ngày xưa vẫn còn tồn lại một phần, vì chúng được khai quật để sử dụng khi xây tường thành mới nên chúng ta có thể nhìn thấy phần tường thành cũ gần mặt đất. Đây là phần sót lại suy nhất của thành Shuri ban đầu. Các toà nhà được xây dựng lại sau này của thành Shuri không thuộc tài sản văn hoá cũng như di sản thế giới.

    Tham quan thành Shuri

    Trước khi thành Shuri xảy ra hoả hoạn vào ngày 31/10/2019, nơi đây vẫn mở cửa cho khách vào tham quan. Ngoại thành là nơi du khách có thể ra vào miễn phí, chỉ khi vào Nội thành để tham quan các toà bên trong như Chính Điện mới cần mua vé. Và khi vào trong điện, du khách hoàn toàn bị cấm việc chụp hình hay quay phim. Tất cả đều có mũi tên hướng dẫn đường đi và chỉ khi đến nơi đặt ngai vàng du khách mới được phép chụp hình.

    tham quan thành Shuri
    Hoạt động thu thâp con dấu để đổi quà tại thành Shuri.

    Không chỉ là tham quan, nơi đây còn tạo ra một trò chơi thu thập con dấu nho nhỏ dành cho du khách. Theo đó, du khách chỉ cần nhận tờ bản đồ ở quầy trước khi vào trong điện, sau đó đi đến các nơi được đánh dấu trên bản đồ để tìm chỗ đóng dấu. Cuối cùng, nếu đã thu thập đủ, du khách có thể đổi quà tại quầy ở phía ngoài. Món quà chính là một bìa đựng hồ sơ và các hình dán đặc trưng của Okinawa. Hơn nữa, phía bên trong điện còn có một nơi phục vụ trà và bánh, du khách hoàn toàn có thể ghé vào để thưởng thức hương vị truyền thống nơi đây.

    Những sự thật thú vị về thành Shuri

    - Việc phục dựng mái ngói của thành thật sự rất gian truân. Do màu sắc của mái ngói không được tư liệu nào ghi chép lại, dù tập hợp các cụ già có hiểu biết về thời xưa để tham khảo thì cũng có rất nhiều ý kiến khác nhau từ màu đỏ cho đến màu đen. Nhưng nơi sản xuất ngói Ryukyu chỉ có một nơi là chỗ sản xuất đồ gốm Okuhara nên dưới sự nỗ lực của người chủ đời thứ tư - Okuhara Takanori, cuối cùng mái ngói của thành Shuri cũng được phục dựng lại.
    - Thành Shuri đã được chọn làm một trong 100 toà thành nổi tiếng của Nhật Bản vào ngày 6/4/2006.
    - Ở cuối phía đông của thành Shuri có một đài quan sát gọi là “Azana của phương Đông”. Tại đây, bạn có thể nhìn thấy cả Biển Hoa Đông và Thái Bình Dương từ điểm cao nhất trong thành với độ cao 140m. Đó cũng là nơi phát tín hiệu thông báo thời gian cùng với cổng Roukokumon và “Azana của phương Tây”.
    - Trong lịch sử, tòa thành này đã bị cháy đến 5 lần. Ngày 31/10 vừa qua chính là tròn một năm thành Shuri được người dân nơi đây phát hiện đang đắm chìm trong biển lửa. Ngọn lửa ác liệt đã thiêu rụi hoàn toàn Chính Điện, gây tổn hại nặng nề cho Bắc Điện và Nam Điện (Nanden – 南殿). Tất cả người dân Okinawa đều cảm thấy vô cùng tiếc nuối và buồn bã khi biểu tượng của hòn đảo xinh đẹp này đã không còn nữa.

    shureimon
    Shureimon.

    kilala.vn

    18/11/2020

    Bài và ảnh: Hạ Thanh

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!