Thiên nhiên và các sự kiện trong tiết Tiểu Mãn xứ Phù Tang
Tiểu Mãn (小満/Shoman) là tiết khí thứ 8 trong 24 tiết khí trong lịch của các nước phương Đông như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam. Tiết Tiểu Mãn bắt đầu vào khoảng ngày 21 tháng 5 theo lịch hiện đại, và kéo dài đến mùng 5 tháng 6.
Tiết Tiểu Mãn là thời điểm đánh dấu nhiều sự thay đổi về thời tiết, là giai đoạn vô cùng quan trọng đối với nông nghiệp. Vào khoảng thời gian này, mùa màng phát triển mạnh và mọi thứ đều căn tràn sức sống.
Thiên nhiên trong tiết Tiểu Mãn
Hoa diên vĩ
Từ đầu tháng 5 đến cuối tháng 6 là mùa cao điểm của hoa diên vĩ. Ở Nhật Bản, có nhiều giống hoa diên vĩ với những tên gọi khác nhau, chẳng hạn như ayame, kakitsubata và hanashobu.
Có thể phân biệt bằng các giống diên vĩ bằng hoa văn trên cánh hoa của chúng: ayame với hoa văn giống như tấm lưới, kakitsubata có vệt trắng và hanashobu có vệt màu vàng. Trong đó, hanashobu là loài thường được trưng bày vào Ngày Thiếu Nhi Nhật Bản (5 tháng 5).
Vào thời điểm này trong năm, Bảo tàng Nezu ở Tokyo trưng bày các tác phẩm nổi tiếng về giống hoa kakitsubata của họa sĩ sơn mài Ogata Korin (1658-1716).
Hồng hoa
Hồng hoa hay hoa rum là loài thực vật thuộc họ Cúc, có màu vàng tươi hay màu da cam hoặc đỏ. Loài hoa này được đề cập trong cả tuyển tập thơ cổ Vạn Diệp Tập và Truyện kể Genji. Màu đỏ thẫm của Nhật Bản được cho là có nguồn gốc từ hồng hoa. Từ thời Heian (794-1185), người Nhật đã trồng và sử dụng hoa để nhuộm. Ngoài ra, những bông hoa rum cũng được sử dụng trong son môi và má hồng.
Hashirizuyu – những cơn mưa thoáng qua
Trong tiếng Nhật có một cụm từ là “走り梅雨 – Hashirizuyu”, đề cập đến một đợt mưa rào kéo dài, thưởng xảy ra vào những ngày thời tiết bất ổn trong tháng 5, trước khi mùa mưa thật sự đến.
Chim bạc má Nhật Bản
Tiết Tiểu Mãn cũng là mùa sinh sản của loài chim bạc má Nhật Bản (cũng được gọi là chim bạc má phương Đông) trên khắp xứ sở hoa anh đào. Loài chim này có khuôn mặt đen, má trắng và sọc đen đặc trưng từ cổ, dưới thân đến đuôi. Từ đầu mùa hè, chúng đẻ trứng và chăm sóc chim non.
Các hoạt động diễn ra
Lễ hội Tenjin tại đền Yushima Tenmangu (25 tháng 5)
Vào thời điểm này hàng năm, tại ngôi đền Yushima Tenmangu ở Tokyo sẽ diễn ra Tenjin Matsuri, một trong những lễ hội lâu đời và đặc sắc nhất xứ Phù Tang. Đền Yushima Tenmangu thờ phụng Sugawara no Michizane, vị thần thông thái được tôn kính trong Thần đạo. Vì vậy, rất nhiều sinh viên đến thăm ngôi đền trước mùa thi cử để cầu nguyện.
Tương truyền rằng, Michizane sống vào thời Heian là một nhà thơ xuất sắc, đặc biệt là với thể loại thơ kanshi (Hán thi), đồng thời là một học giả nổi tiếng. Sau khi Michizane qua đời vào năm 903, người ta đã tổ chức lễ hội Tenjin để tưởng nhớ ông.
Trồng lúa
Nghi thức đón các vị thần giáng trần vào đầu vụ cấy lúa được gọi là “saori - さおり”, trong đó "sa" ám chỉ các vị thần và “ori” có nghĩa là “hạ xuống, đáp xuống”. Có một lễ hội gọi là “Onda Matsuri” thường được tổ chức ở một số vùng, ở đó mọi người sẽ ăn món cơm đậu đỏ sekihan và cầu nguyện cho một vụ mùa bội thu, dồi dào sức khỏe.
Thay đổi trang phục
Tại Nhật Bản, phong tục thay đổi trang phục mùa hè và mùa đông vào tháng 6 và tháng 10 trở nên phổ biến từ thời Minh Trị (1868-1912) khi quy định về đồng phục học sinh và công chức được đưa ra. Ngày nay, truyền thống này vẫn tiếp tục tại các trường học và một số công ty.
Xem thêm: Tiết Cốc Vũ của Nhật Bản có gì?
kilala.vn
25/05/2023
Bài: Ciro
Nguồn: Nippon
Đăng nhập tài khoản để bình luận