Koromogae: Người Nhật và phong tục thay đổi trang phục theo mùa
Việc thay đổi trang phục theo mùa không chỉ để giữ ấm khi mùa đông tới hay mát mẻ khi hè sang, nó còn thể hiện tinh thần trân trọng thiên nhiên bốn mùa trong văn hóa Nhật Bản.
Đất nước mặt trời mọc từ lâu đã được biết đến là nơi hội tụ của những thương hiệu thời trang nổi tiếng với đa dạng phong cách khác nhau. Không khó để bắt gặp từ những cô gái tuổi đôi mươi đến những cô bác trung niên xúng xính váy áo đi bộ trên đường.
Đối với người Nhật, trang phục khoác lên người rất được lưu ý vì không chỉ đơn thuần là thứ để mặc, chúng còn làm toát lên phong cách cá nhân. Vì vậy, một mối quan tâm được đặt ra, nên mặc gì mỗi khi chuyển mùa, khi nhiệt độ dao động thay đổi thất thường trong một ngày.
Và để xóa tan mối lo ngại này, người Nhật đã tuân theo một quy tắc được gọi là “Koromogae”. Vậy cụ thể Koromogae là gì nhỉ, hãy cùng Kilala tìm hiểu trong bài viết này nhé!
Koromogae là gì?
Koromogae (衣替え) là phong tục thay quần áo theo mùa của Nhật, thường được tiến hành hai lần trong một năm, vào ngày đầu tháng Sáu và đầu tháng Mười. Người dân, đặc biệt là những người cần phải mặc đồng phục hằng ngày như công chức, nhân viên bán hàng hay học sinh sẽ thay đồng phục thu đông thành đồng phục xuân hè vào đầu tháng Sáu, và trở lại đồng phục cũ vào đầu tháng Mười.
Người Nhật làm gì khi “Koromogae” đến?
Koromogae không liên quan đến việc mua quần áo mới, nó chỉ đơn giản là việc chuyển quần áo đã được cất trong hộp từ mùa trước vào tủ quần áo để sử dụng hàng ngày, và ngược lại.
Tuy nhiên, trước khi chuyển hai loại với nhau, người Nhật luôn giặt quần áo sạch sẽ bằng chất tẩy rửa phù hợp với trang phục, phơi khô rồi cất quần áo mùa trước vào hộp chống mốc. Sau đó, họ lấy quần áo mùa này ra khỏi hộp và cất trong tủ để mặc hàng ngày.
Người Nhật thời xưa thậm chí sẽ thay đổi cả những đồ vật trong nhà như nội thất, tranh ảnh và đồ dùng nhỏ hơn như cốc và bát để đón chào mùa mới đến như một phần của Koromogae, mặc dù giờ đây điều này giờ đã trở nên thật hiếm hoi.
Bằng cách thay đổi trang phục, mỗi mùa lại mang một màu sắc khác biệt và tươi mới, với tâm trạng hứng khởi chào đón một mùa mới tràn về.
Nguồn gốc của phong tục thay đổi trang phục theo mùa
Theo ghi chép lịch sử, phong tục Koromogae bắt đầu vào khoảng thế kỷ thứ 8 trong thời kỳ Heian, khi nó được du nhập từ Trung Quốc vào triều đình Nhật Bản. Trong thời kỳ đó, quần áo của họ vốn được thay đổi bốn lần trong một năm theo bốn mùa khác nhau, và không chỉ triều đình, những người bình thường cũng đã dần dần bắt đầu tuân theo phong tục này.
Năm 1873, với sự xuất hiện của trang phục phương Tây ở Nhật Bản, chính phủ Minh Trị đã thay đổi quy định về Koromogae – tiến hành hai lần một năm vào tháng Sáu và tháng Mười.
Lý do cho phong tục Koromogae
Koromoae được hình thành phần lớn là do sự thay đổi khí hậu. Nhật Bản là đất nước có khí hậu khá khắc nghiệt với sự chênh lệch nhiệt độ lớn theo mùa và theo khu vực. Nhiệt độ Nhật Bản trung bình từ -10 độ C vào mùa đông đến 35 độ C vào mùa hè, với độ ẩm khoảng 50-80%. Do đó việc thay đổi quần áo theo mùa là hợp lý và cần thiết.
Không chỉ vậy, đây còn là một cách có thể khiến họ tận hưởng sự chuyển biến của mỗi mùa, bằng cách mặc những bộ quần áo khác nhau, khung cảnh xung quanh cũng đổi khác. Bằng cách này, người Nhật cảm thấy tâm hồn mình gần gũi với thiên nhiên hơn bao giờ hết.
Koromogae thời hiện đại
Với sự phát triển ngày nay, Koromogae được sử dụng ít hơn vì người Nhật cho rằng nó không còn quá cần thiết, do các yếu tố bên ngoài như sự xuất hiện của máy sưởi, máy điều hòa, sự nóng lên toàn cầu., hay do cuộc sống quá bận rộn. Tuy nhiên, trong trường học và một số công ty của Nhật Bản vẫn giữ lại phong tục này. Mỗi khi thời tiết chuyển mùa, họ lại cùng nhau khoác lên mình những bộ cánh khác, như nhuộm một màu sắc tươi mới chào đón mùa sang.
Dù đây là một phong tục lâu đời của Nhật Bản, nhưng cách bảo quản cũng như sắp xếp, lưu trữ quần áo khi thời tiết thay đổi cũng rất đáng để chúng ta học tập phải không nào!
kilala.vn
17/02/2023
Bài: Mai Hà Linh
Ảnh bìa: Mainichi, japan-forward.com
Đăng nhập tài khoản để bình luận