Quốc khánh Nhật Bản: Ngày lễ khơi gợi tinh thần dân tộc
Khác với nhiều quốc gia lựa chọn ngày Quốc khánh là ngày giành độc lập, Nhật Bản lại chọn ngày này dựa trên sự lên ngôi của vị Thiên hoàng đầu tiên, là ngày 11/02 hàng năm theo Dương lịch.
Ngày Quốc khánh Nhật Bản là gì?
Ngày Kỷ niệm Kiến quốc “Kenkoku Kinen No Hi - 建国記念の日”, hay thường được gọi là Quốc khánh Nhật Bản, là một ngày lễ quốc gia hằng năm diễn ra vào ngày 11/02. Đây là một ngày lễ lớn ở Nhật Bản, kỷ niệm sự khởi đầu của lịch sử đất nước.
Sự ra đời của ngày Ngày Kỷ niệm Kiến quốc Nhật Bản
Từ xa xưa, Quốc khánh Nhật Bản không phải là ngày 11/02 như hiện nay mà dựa vào Âm Dương lịch.Nguồn gốc của Ngày Kỷ niệm Kiến quốc gắn liền với cuộc Duy tân Minh Trị - thời kỳ then chốt trong lịch sử Nhật Bản, khi có những thay đổi lớn về chính trị, xã hội và kinh tế, bao gồm nỗ lực của chính phủ trong việc kết nối Thần đạo với Nhà nước.
Trong thời kỳ Minh Trị, chính phủ cố gắng thúc đẩy lòng trung thành của quần chúng với Thiên hoàng. Thêm vào đó, quá trình hiện đại hóa ở Nhật Bản vào thời Minh Trị chỉ nhằm đảm bảo rằng Nhật Bản áp dụng công nghệ, khoa học và mô hình tổ chức xã hội của phương Tây, chứ không phải để các giá trị của phương Tây lấn át tinh thần Nhật Bản.
Đây được xem là mối lo lắng hàng đầu của chính phủ, khi người dân có thể tiếp nhận các giá trị phương Tây như: dân chủ và chủ nghĩa cá nhân, làm thay đổi suy nghĩ, lối sống của họ, xa rời cội nguồn văn hóa dân tộc.
Điều này khiến chính phủ kiên quyết yêu cầu tất cả người Nhật phải giữ các giá trị dân tộc và bất kỳ tư tưởng nào đi ngược với truyền thống sẽ bị coi là mối đe dọa đối với chủ quyền quốc gia. Và một trong những cách để liên kết người dân với văn hóa là tạo nên một ngày lễ gắn liền với Thần đạo và lòng tự hào dân tộc – ngày Kigensetsu, tiền thân của Quốc khánh ngày nay.
Trong quá khứ, Nhật Bản được cai trị bởi Thiên hoàng Jimmu. Vị Thiên hoàng đầu tiên lên ngôi với mục đích mở mang bờ cõi, được người dân Nhật Bản tôn sùng từ xa xưa.
Theo truyền thuyết, Hoàng đế Jimmu lên ngôi vào “ngày đầu tiên của tháng đầu tiên” năm 660 trước Công nguyên, dựa trên Âm Dương lịch. Chính vì thế, năm 1872, chính phủ Minh Trị đã lựa chọn ngày này là "ngày mà lịch sử Nhật Bản bắt đầu" và gọi là “Kigensetsu - 紀元節” (Kỷ Nguyên Tiết).
Cùng năm, Nhật Bản quyết định chính thức áp dụng Dương lịch thay thế cho Âm Dương lịch, và ngày tương ứng của Kigensetsu theo lịch Dương khi đó rơi vào 29/01.
Tuy nhiên, ngày 29/01 lại trùng với Tết Nguyên Đán, điều này khiến người dân coi ngày này chỉ là Tết, thay vì ngày Quốc khánh. Đáp lại, chính phủ đã dời ngày lễ sang ngày 11/02 (Dương lịch) vào năm 1873.
Ngày lễ này kéo dài từ năm 1873 – 1945, sau khi Nhật Bản đầu hàng ở Thế chiến thứ hai thì tạm dừng. Đến năm 1967, do nhận được nhiều yêu cầu của người dân, chính phủ quyết định “hồi sinh” lại ngày Kigensetsu nhưng với một cái tên khác là "Kenkoku Kinen No Hi - 建国記念の日" (Ngày Kỷ niệm Kiến quốc). Với sự ghép lại của các từ:
- “Kenkoku” (建国) có nghĩa là “kiến quốc” hay "thành lập quốc gia"
- “Kinen” (記念) có nghĩa là “kỷ niệm”
- “No” (の) là chỉ sở hữu (ở đây là “của”)
- Và “Hi” (日) có nghĩa là “ngày”
Các hoạt động vào ngày Quốc khánh
Ngày lễ Kigensetsu khi xưa từng là một dịp lễ lớn ở Nhật Bản và được coi là một trong bốn ngày lễ nổi tiếng nhất. Vì vậy ngày này được đánh dấu bằng các lễ kỷ niệm và các cuộc diễu hành lớn. Tuy nhiên, ngày lễ Kenkoku Kinen No Hi sau này lại không có quá nhiều lễ hội lớn được tổ chức. Nhưng vì là ngày lễ theo lịch đỏ của Nhật nên nhiều doanh nghiệp và tòa nhà chính phủ cũng nghỉ làm.Nếu bạn đang ở Tokyo, hãy đến Omotesando Dori vào sáng sớm để tham gia cuộc diễu hành Ngày Kỷ niệm Kiến quốc. Tại đây, bạn có thể xem những người yêu nước vẫy cờ hay khiêng đền thờ di động "Mikoshi”. Điểm đến của cuộc diễu hành là đến Đền Meiji Jingu gần đó.
Cách vài km ở Chiyoda, Cung điện Hoàng gia, nơi ở của Thiên hoàng, cũng tổ chức một lễ kỷ niệm. Buổi lễ thu hút người dân từ khắp Tokyo và rộng hơn là Nhật Bản, tất cả đều đến để bày tỏ lòng kính trọng đối với vị vua của đất nước và ghi nhớ lịch sử của dân tộc.
Hoặc có thể đến thăm đền Kashihara ở tỉnh Nara. Người ta nói rằng ngôi đền này được xây dựng vào năm 1889, nằm trên địa điểm mà Jimmu trở thành Thiên hoàng vào ngày 11/02 năm 660 trước Công nguyên. Nơi đây cũng gần vị trí được cho là lăng mộ của Thiên hoàng Jimmu.
Tại đây, bạn sẽ thấy các cuộc diễu hành và đám rước dành riêng để tôn vinh lòng tự hào dân tộc của Nhật Bản. Tuy nhiên, tốt nhất hãy thật cẩn trọng và tôn trọng buổi lễ, vì sự kiện ở đây được cho là thu hút rất nhiều “Uyoku dantai - 右翼団体”, những người người hoạt động theo chủ nghĩa cực hữu cực đoan của Nhật.
kilala.vn
11/02/2022
Bài: Natsume
Đăng nhập tài khoản để bình luận