Pien – sự buồn bã đáng yêu
Điều gì khiến cho “Pien” - một từ lóng thịnh hành trong giới trẻ, lại được công nhận là một trong những từ đại diện của năm 2020? Đến nay, từ này vẫn còn được lan truyền thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng.
Pien là gì?
"Pien - ぴえん", vốn rất phổ biến trong giới trẻ Nhật Bản bắt đầu từ năm 2018, đại diện cho tiếng khóc để thể hiện nỗi buồn hoặc sự thất vọng nhẹ. Định nghĩa trong sách giáo khoa về “Pien” là cảm giác khóc do buồn bã hay do hạnh phúc mang lại. Theo nghĩa này, nó tương tự như các từ tiếng Nhật “しくしく – Shikushiku” và “めそめそ – Mesomeso”.
Tại các trang mạng xã hội, nó thường được ghép nối với đôi mắt cún con của biểu tượng cảm xúc “khuôn mặt cầu xin” và còn được người Nhật gọi là “biểu tượng cảm xúc Pien”. Theo Google Trends, Pien đạt mức sử dụng trên Internet cao nhất vào khoảng năm 2020.
Theo nhà nghiên cứu Hirose Ryo của Viện nghiên cứu Nise Kiso, 93% người dùng sử dụng biểu tượng này để bày tỏ khi có điều gì đó đáng tiếc xảy ra, trong khi 89,5% sử dụng để ngầm tha thứ cho điều gì đó. Tuy nhiên, 71% khác cũng sử dụng nó để bày tỏ sự nhẹ nhõm và 55% sử dụng nó để bày tỏ lòng biết ơn.
Cơn sốt mang tên Pien
Biểu tượng cảm xúc khuôn mặt cầu xin có mặt rộng rãi trên mọi nền tảng và ứng dụng nhờ được đưa vào tiêu chuẩn Unicode 11.0 vào năm 2018 (ký tự Unicode U+1F97A).
Đến năm 2019, từ Pien đã có một vài thành công, khi nó lọt vào nhiều danh sách các từ lóng thịnh hành ở Nhật Bản. Công ty AMF – hướng đến các hoạt động marketing cho thiếu niên ở Nhật Bản, đã xếp “Pien” ở vị trí số 1 trong danh sách các từ mới thịnh hành trong giới JC/JK*. Nó cũng đứng số 1 trong bài đánh giá của Petrel về những từ phổ biến nhất trên Instagram trong cùng năm.
* Đây là hai từ viết tắt với JC (女子中学生 - Joshichuugakusei, học sinh cấp hai) và JK (女子高校生 - Joshikoukousei, học sinh trung học).
Vào thời điểm đó, Nhật Bản là quốc gia sử dụng biểu tượng cảm xúc nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào. Nhưng trong một cuộc khảo sát năm 2020 về việc sử dụng biểu tượng cảm xúc trên toàn thế giới, Twitter Nhật Bản (giờ là X) đã phát hiện ra rằng Pien thậm chí không được xếp hạng trong top 10. Tuy nhiên, điều đó đã thay đổi khi biểu tượng này nhanh chóng “gia nhập” top 5 vào năm 2021 và top 7 vào năm 2022, theo một báo cáo của Consumer Search.
Anime và manga cũng góp phần thúc đẩy sự phổ biến của từ này. Khi từ và biểu tượng cảm xúc trở nên phổ biến hơn, nhiều tác giả và hãng phim đã kết hợp “khuôn mặt Pien” vào kho biểu cảm mà họ sử dụng cho nhân vật của mình.
Đối với từ “Pien”, nghiên cứu về thanh thiếu niên của công ty ứng dụng nhắn tin LINE cho thấy khoảng 34,4% trong số họ sử dụng nó hàng ngày.
“Cha đẻ” của Pien là ai?
Mặc dù được sử dụng rộng rãi nhưng không ai biết từ này xuất phát ở đâu. Kataoka Miyu của nhóm nhạc thần tượng Niji Conquistadors từng chia sẻ rằng mình là người nghĩ ra từ đó. Yahoo! Nhật Bản cho biết ghi nhận đầu tiên về tìm kiếm từ này trên Internet có từ tháng 8/2018 tại tỉnh Saitama của Nhật Bản.
Có sự nhất trí rằng Pien là một từ tượng thanh. ITMedia Netlab đưa ra giả thuyết rằng nó dựa trên âm thanh mà em bé tạo ra khi chúng khóc, trong tiếng Nhật là “ぴいぴい - Pii-pii”.
Trong cuốn sách The Pien Malady: Consumption and Validation in the Social Media Generation, tác giả Sasaki Chiwawa đã trích dẫn hai giả thuyết khác. Một là âm thanh này bắt nguồn từ một từ tượng thanh chỉ tiếng khóc, “ひんひん - hin-hin” và từ âm thanh khóc tương tự của tiếng Hàn “힌 – hin”.
Pien có nhiều ý nghĩa hơn thế
Tuy nhiên, Pien không chỉ là một cách thể hiện cảm xúc. Từ này cũng trở thành tiếng lóng để gọi phụ nữ và trẻ em gái (pien-kei joshi – Những cô gái Pien), tạo nên một phần văn hóa Toyoko Kids của Kabukicho vào khoảng năm 2020.
“Toyoko Kids” là thuật ngữ phổ biến dành cho giới trẻ lang thang trên con phố cạnh tòa nhà Shinjuku Toho Building ở Kabukicho (“Toyoko” là từ viết tắt của “cạnh Toho”). Nơi đây từng bị báo chí coi là một khu vực có phần nguy hiểm, nơi thanh niên uống rượu, sử dụng ma túy và tự làm hại bản thân.
Tuy nhiên, đối với nhiều người ở khu vực này, đó là ngôi nhà duy nhất của họ - nơi mà những người chạy trốn khỏi gia đình khi bị ngược đãi về tinh thần và thể chất lựa chọn để trú ngụ.
Đặc điểm ở nhiều cô gái Toyoko Kids là thường mặc các phong cách thời trang như: Ryosan-gata hoặc Jirai, đến từ các thương hiệu như Mars, Liz Lisa, DearMyLove, Secret Honey, Honey Cinnamon…
kilala.vn
Đăng nhập tài khoản để bình luận