Omotenashi: sự hiếu khách của người Nhật

    Khi đặt chân du lịch đến Nhật Bản, dù là khu đô thị lớn hay vùng thôn quê, thứ tình cảm quý giá nhất bạn nhận được từ những con người nơi đây chính là sự nhiệt tình, hiếu khách và hết lòng thết đãi. Có lẽ điều đó bởi vì tại đất nước này, người ta xem đó là một nét văn hóa truyền thống được lưu giữ đến hiện tại. Sự hiếu khách nhiệt tình, toàn tâm toàn ý đó còn có một cái tên riêng, gọi là Omotenashi.

    Omotenashi bắt nguồn từ đâu?

    omotenashi bắt nguồn từ thời xưa
    Ảnh: nippon.com

    Nhiều câu chuyện truyền lại rằng, văn hóa “omotenashi” xuất hiện từ thời cổ xưa, khi những hành động tiếp đón tiếp đãi, cách cư xử hết mình được hình thành.

    Có chuyện kể rằng vào thế kỷ 13, Hojo Tokiyori - nhiếp chính cho chính quyền Mạc phủ Kamakura, trong chuyến vi hành, ông đã được một người samurai nghèo cho ở nhờ vào một đêm trời bão tuyết. Khi củi trong lò sưởi đã cháy hết, người samurai nọ đã chặt cả cây quý mình trồng để nhóm lửa tiếp khách.

    Bên cạnh đó, Omotenashi còn phản ánh rõ nét nhất qua nghệ thuật Trà đạo - nền văn hóa xuất hiện vào thời Muromachi (thế kỷ 14 - 16). Trong văn hóa Trà đạo, từ bước chuẩn bị trà cụ cho đến bước pha trà và mời khách thường sẽ có rất nhiều bước. Thoạt nhìn sẽ có nhiều người cho rằng đó là những bước rườm rà và không cần thiết, tuy nhiên tất cả các bước trong văn hóa Trà đạo đều nhằm mang đến cho người thưởng trà một tách trà có hương vị tuyệt hảo nhất. Chẳng hạn có thể kể đến những yêu cầu khắt khe về nhiệt độ nước dùng để pha trà và lượng lá trà nhất định, hay việc người pha trà sẽ xoay mặt trang trí đẹp nhất của chiếc cốc về đúng hướng nhìn của người thưởng trà, hoặc việc chọn loại bánh ngọt ăn kèm sao cho phù hợp với từng loại trà và từng mùa trong năm. Tất cả sự công phu và tỉ mỉ trong từng chi tiết nhỏ nhất trong nghệ thuật Trà đạo đó được xem là những khởi điểm đầu tiên của tinh thần "Omotenashi".

    omotenashi bắt nguồn từ trà đạo
    Ảnh: Matador Network.

    Hiểu đúng về Omotenashi

    Trong tiếng Nhật, “Omotenashi” được viết là "お持て成し", tạm hiểu là "tấm lòng hiếu khách" hay "sự tiếp đón nồng hậu". Trong đó, chữ "O" được thêm vào đầu để thể hiện sự trang nghiêm.

    Xuất hiện trong quyển sử thi "The tale of Genji" của Murasaki Shikibu, cụm từ “motenashi” xuất hiện khi miêu tả nhân vật nữ Suetsumuhana: “Ito warokarishi katachizamanaredo, motenashini kakusarete.” (Ngoại hình của cô ấy khá tệ, nhưng ấn tượng về cô thì không hề bởi vì cách cư xử của cô rất lịch thiệp.) Ở đây có thể hiểu được “motenashi” chính là cách hành xử lịch thiệp của cô gái.

    Trong văn học cổ điển thời Heian, “motenashi” được dùng để miêu tả cách cư xử, hành động và đức tính khiêm tốn, nhã nhặn. Thời gian sau đó, tiền tố “o” được thêm vào, từ đó ta có cụm từ “omotenashi”.

    Ngày nay, người ta dùng “omotenashi” (お持て成し) để chỉ lòng hiếu khách và sự tiếp đón chân thành. Trong bài viết của Japan Today, Omotenashi được miêu tả là: sự khuất phục của bản thân để phục vụ khách hàng nhưng không phải là phục dịch. Điều quan trọng nhất là có thể dự đoán được ý muốn của khách. Tại Nhật, việc thực hiện theo ý khách hàng mà không cần phải hỏi ý khách được xem là đỉnh cao của sự hiểu biết và chu đáo.

    cách hành xử omotenashi
    Ảnh: medium.com

    Ứng dụng Omotenashi trong đời sống

    Ngày nay, “Omotenashi” được xem là từ khóa quan trọng trong ngành dịch vụ - khách sạn tại Nhật. Sự tiếp đãi của người Nhật dành cho khách thông qua 3 yếu tố chính sau:

    - Dự đoán những nhu cầu của khách
    - Linh hoạt tùy theo tình huống
    - Thấu hiểu khách hàng

    sự tiếp đãi tại ryokan
    Ảnh: CNN.com

    Chẳng hạn, thông thường, cách phục vụ tại các ryokan (dạng quán trọ truyền thống kiểu Nhật) sẽ mang đến cho khách lưu trú cảm giác rõ rệt của từng mùa trong năm thông qua món ăn hoặc cách trang trí phòng ốc. Sự chu đáo tỉ mỉ của họ sẽ thể hiện trong những món ăn phục vụ hằng ngày với nguyên liệu đặc trưng của từng mùa kết hợp cùng dụng cụ ăn uống bằng sứ. “Cảm giác mùa” này cũng được ứng dụng trong cách bày trí phòng ở của khách và trang phục của okami khi tiếp đón (chủ của các ryokan). Cách tiếp đón này phát sinh từ sự tôn trọng thiên nhiên của người Nhật, luôn trân trọng các khía cạnh đa dạng của bốn mùa trong năm. Và cách phục vụ tiếp đãi này là một cách để người Nhật thể hiện tấm lòng omotenashi của họ đến với khách hàng.

    kilala.vn

    05/03/2020

    Bài: Hoàng Thiên
    Nguồn tham khảo: The Japan News, The Midori press, Nghiên cứu của Kerstin Blanchy

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!