Nữ thợ lặn cao tuổi nhất Nhật Bản
Nhanh nhẹn, hoạt bát, hóm hỉnh, dường như các nếp nhăn ở tuổi 86 vẫn không làm phai mờ nét duyên ngầm của cụ Reiko Nomura – nữ thợ lặn (Ama) cao tuổi nhất Nhật Bản - một "di sản sống" đã gắn cả đời với biển, một nhân chứng giới thiệu nét văn hóa Ama ra thế giới.
Từ thập niên 60, nhờ các bối cảnh được ghi hình tại Nhật và nhân vật Kissy Suzuki do nữ diễn viên Mie Hama thể hiện trong bộ phim kinh điển You only live twice, người yêu điện ảnh thế giới mới bắt đầu chú ý đến Ama (Hải Nữ) - những nữ thợ lặn với biệt tài bơi lặn như rái cá.
Vịnh biển trước làng Osatsu, nơi mưu sinh của các Ama mỗi ngày (Ảnh: Nguyễn Đình)
Lặn biển không dùng đến ống thở
Trong đời thực, Ama là những phụ nữ ngày ngày đi lặn biển mà không dùng đến ống thở hay một phương tiện hỗ trợ nào khác để bắt về những loại hải sản gần bờ như tôm hùm, bào ngư, cầu gai, sò quạt, rong biển. Đây là nghề truyền thống của nữ giới lâu đời nhất tại Nhật Bản, được tiếp nối không gián đoạn từ hơn 3.000 năm qua. Điều đặc biệt là chỉ có phụ nữ theo nghề Ama. Tuy nhiên, thực tế là số lượng Ama ngày càng giảm, hiện ước tính chỉ còn khoảng 1.300 người trên toàn nước Nhật, tập trung chủ yếu ở tỉnh Mie, chỉ tính riêng làng Osatsu thuộc thành phố Toba hiện còn khoảng 120 Ama vẫn theo nghề. Và “nàng tiên biển cả” mà tôi cùng rất nhiều lữ khách đã từng đến Osatsu đều mong được gặp gỡ, chính là cụ Reiko Nomura.
Ngay từ năm 14 tuổi, bà Reiko đã ngày ngày theo mẹ ra biển, tập những nhịp thở đầu tiên để bắt đầu lặn biển và dần trở thành một Ama thực thụ. Quả thực nếu chưa từng gặp Reiko, chỉ nhìn qua tác phong và cách bà làm việc hàng ngày ở căn chòi ven biển làng Osatsu, thật khó để hình dung rằng “nàng tiên” ấy nay đã 86 tuổi. Reiko cho biết bà không còn đi lặn biển mỗi ngày để bắt hải sản kể từ khi lên 80, bây giờ thỉnh thoảng mới đi lặn cho đỡ nhớ nghề và cũng để rèn luyện sức khoẻ chứ không nặng về mưu sinh như trước.
Cụ Reiko đã giải thích với tôi rằng bộ đồng phục trắng có tác dụng khắc chế cá mập, vì theo kinh nghiệm của các Ama truyền lại thì cá mập rất sợ màu trắng. (Ảnh: Nguyễn Đình)
"Các ông chỉ chịu lạnh được bằng nửa so với phụ nữ"
Với thắc mắc không rõ nguyên do vì sao Ama chỉ dành cho nữ, cụ Reiko lý giải: “Trời cho chúng tôi một lớp mỡ dưới da dày hơn hẳn đàn ông. Cực khổ nặng nhọc trên cạn chưa biết ai hơn, nhưng xuống nước thì các ông chỉ chịu lạnh được bằng nửa so với phụ nữ, nên từ ngàn xưa, chẳng có quý ông nào làm Ama cả”. Quả thật những ngày ở Osatsu, tiết trời chỉ khoảng 12 độ, gió ở bờ biển lồng lộng, lạnh tê tái chân tay, thế mà mỗi sáng chúng tôi vẫn gặp các Ama với bộ đồ mong manh ôm phao ra biển, bởi ở mùa lạnh, món hải sâm và tôm hùm Ise sẽ béo tốt và ngon nhất.
Góc trưng bày ngư cụ và túp lều tránh gió của các Ama ở Bảo tàng Dân gian biển (Ảnh: Nguyễn Đình)
Ama xuất hiện với hình ảnh quen thuộc trong bộ đồng phục trắng, đội chiếc mũ mang hình ngôi sao ngay phía trên trán. Từ lần gặp trước, cụ Reiko đã giải thích với tôi rằng bộ đồng phục trắng có tác dụng khắc chế cá mập, vì theo kinh nghiệm của các Ama truyền lại thì cá mập rất sợ màu trắng. Riêng chuyện ngôi sao, cụ Reiko từng vui đùa khi biết tôi là người Việt, rằng ngôi sao lấy từ lá cờ của Việt Nam. Đến lần gặp này bà mới tiết lộ: “Để vẽ được hình ngôi sao, chỉ cần một nét bút vẽ ra và quay lại điểm khởi đầu. Nó có ý nghĩa cầu chúc cho các Ama khi ra đi sẽ bình an trở về. Ngôi sao được xem như một thứ bùa hộ mệnh cho các hành trình đi biển của Ama”.
Đền thờ Ishigami - linh thần của các Ama ở Ise (Ảnh: Nguyễn Đình)
Từ xa xưa đến tận thập niên 40 – 50 của thế kỷ trước, các Ama ra biển chỉ để ngực trần, hoặc mặc trang phục mong manh như thời cụ bà Reiko, mỗi ngày chỉ lặn biển khoảng 30 – 40 phút, nay Ama có thêm bộ đồ lặn giữ ấm nên có thể lặn được 90 phút mỗi ngày. Khi lên bờ, các Ama sẽ tập hợp lại trong căn chòi ven biển để đốt lửa sưởi ấm, những thứ thu hoạch được đem đến bán cho Hợp tác xã ngư nghiệp. Một ngày làm việc của Ama nghe qua khá đơn giản, nhưng kỳ thực đầy vất vả và cơ cực.
Không biết lặn là ế chồng ngay!
Hỏi cụ bà Reiko sao phụ nữ làng Osatsu ngày xưa phải làm Ama chứ không theo nghề khác, bà hóm hỉnh trả lời: “Không biết lặn là ế chồng ngay, ở vùng này nhà chồng khi chọn con dâu, chắc chắn sẽ chọn Ama”. Có lẽ sự cần cù, chịu thương chịu khó, đem số phận mình đánh đổi mưu sinh của Ama khiến người ta tin rằng họ luôn là người phụ nữ đảm đang, có thể bao bọc, vun đắp cho đời sống gia đình hoàn thiện, hạnh phúc.
Chiếc thùng gỗ đựng sản vật đánh bắt là bạn đồng hành của các Ama trong mỗi ngày đi biển (Ảnh: Nguyễn Đình)
Bà tâm sự: "Một lần khi vừa lặn xuống biển, thấy có quá nhiều bào ngư nên mừng đến quên cả nhịp thở, thay vì chỉ lặn một phút rồi trồi lên lấy hơi, bà lại lặn đến gần 2 phút khiến lúc ngoi lên bị thiếu ô-xy, quay cuồng đầu óc suýt ngất. Cũng có lần bà từng gặp cá mập nhưng chúng khá hiền lành, vẫn để bà theo nghiệp biển bình an."
Ama là một biểu tượng của Mie. Hình ảnh của họ xuất hiện từ tượng đài ngay bến tàu chính của Toba, đến các quảng cáo phim ảnh, và trên cả đồ thủ công mĩ nghệ, Ama có bảo tàng nghề riêng và thậm chí có cả ngôi đền Thần đạo dành riêng cho Ama (đền Ishigami). Tại Bảo tàng Dân gian biển của tỉnh Mie, các phương cách đánh bắt, ngư cụ của Ama được tái hiện cụ thể, chi tiết và rất rõ nét để người xem hiểu rõ hơn về nghề độc đáo này. Được biết Nhật Bản đang tiến hành vận động để Ama được công nhận là Di sản Văn hoá thế giới.
Nguyễn Đình/ kilala.vn
30/03/2017
Bài và ảnh: Nguyễn Đình
Đăng nhập tài khoản để bình luận