Nhuộm và dệt Kimono

    Kimono thường được làm thủ công theo hai cách: nhuộm và dệt. Về cơ bản, Kimono nhuộm là những chiếc Kimono có hoa văn, họa tiết được nhuộm lên nền vải trắng bằng cách vận dụng các kỹ thuật truyền thống. Lợi thế của loại này là có thể dễ dàng nhuộm màu mới khi bị phai. Trong khi đó, Kimono có họa tiết, hoa văn được dệt bằng các thớ chỉ đã nhuộm màu được gọi là Kimono dệt. Do màu sắc ở cả hai mặt đồng đều nhau nên loại Kimono này có ưu điểm là không cần phân biệt mặt trái và mặt phải.

    Các kĩ thuật nhuộm Kimono phổ biến

    Tegaki Yuzen (手描き友禅)

    kĩ thuật nhuộm Kimono
    (Ảnh minh họa: PIXTA)

    Ra đời vào đầu thế kỷ 18 bởi một họa sĩ có tên là Miyazaki Yuzensai, Tegaki Yuzen là kĩ thuật sơn vẽ hoa văn bằng tay lên nền vải trắng. Đặc trưng của hoa văn được vẽ bằng kĩ thuật Tegaki Yuzen là sự đa dạng, thanh nhã và tinh tế. Tegaki Yuzen có thể dễ dàng áp dụng cho những hoa văn có đường nét mảnh, mũi thêu, mũi móc.

    Bingata (紅型)

    kĩ thuật nhuộm Kimono
    (Ảnh minh họa: PIXTA)

    Là kĩ thuật nhuộm truyền thống ra đời tại Okinawa. Họa tiết được chọn thường có gam màu tươi sáng như vàng, đỏ, tím, lam, xanh. Các họa tiết được ưa chuộng thường là chim én, bướm, mây, hoa xương bồ, mái nhà,… phản ánh vẻ đẹp của thiên nhiên Okinawa.

    Sarasa (更紗)

    kĩ thuật nhuộm Kimono
    (Ảnh minh họa: PIXTA)

    Là kĩ thuật in họa tiết lên nền vải bông – những tấm vải đầy màu sắc được mang về từ Đông Nam Á bởi các con thuyền Nam Man (tàu Tây dương) trong giai đoạn cuối Muromachi – Edo. Họa tiết được sử dụng thường là hình ảnh hoa cỏ, chim muông cách điệu được thể hiện bằng các tông màu đậm đặc thù như đỏ, lam, xanh, đen, vàng.

    Edo Komon (江戸小紋)

    kĩ thuật nhuộm Kimono
    (Ảnh minh họa: PIXTA)

    Là kĩ thuật in họa tiết lên vải bằng cách sử dụng giấy hoa văn, ra đời vào thời kì Edo. Các họa tiết ở đây thường đều và nhỏ, nếu nhìn ở khoảng cách xa sẽ trông giống như Kimono trơn.

    Shibori (絞り)

    kĩ thuật nhuộm Kimono Shibori
    (Ảnh minh họa: PIXTA)

    Chỉ chung các kĩ thuật nhuộm thắt nút truyền thống. Để tạo các khoảng trắng trên vải, người thợ thường buộc túm hoặc khâu vải lại bằng chỉ rồi nhuộm phần còn lại. Độ phức tạp của họa tiết, hoa văn phụ thuộc vào cảm hứng sáng tác của người thợ.

    Bokashizome (ぼかし染め)

    kĩ thuật nhuộm Kimono Bokashizome
    (Ảnh minh họa: PIXTA)

    Là kĩ thuật nhuộm phết sao cho nền vải chuyển từ tông màu đậm đến nhạt dần. Thường được áp dụng cho các Homongi (Kimono mặc khi đi thăm viếng), lớp áo lót Nagajuban hay mặt trong của vạt áo.

    Các kĩ thuật dệt phổ biến

    Tsumugi (紬)

    kĩ thuật dệt Kimono Tsumugi
    (Ảnh minh họa: PIXTA)

    Là kĩ thuật dùng các loại sợi như sợi cotton, tơ tằm đã được nhuộm màu để dệt nên các họa tiết, hoa văn. Tuỳ thuộc vào nơi sản xuất mà nó còn được gắn vào thêm tên địa danh như Yuki Tsumugi (thành phố Yuki, Ibaraki), Shiozawa Tsumugi (phường Shiozawa, Niigata).

    Oshima Tsumugi (大島紬) và một số loại khác

    kĩ thuật dệt Kimono Oshima Tsumugi
    (Ảnh minh họa: PIXTA)

    Có một số loại Kimono được dệt từ tơ lụa, trong đó nổi bật nhất là Oshima Tsumugi và Kihachijo. Trong các kĩ thuật dệt Oshima Tsumugi mà chủ yếu được sử dụng tại thành phố Seto, đảo Amami Oshima và thành phố Kagoshima (tỉnh Kagoshima), nổi tiếng nhất là kĩ thuật Dorozome (nhuộm màu bằng bùn). Họa tiết tỉ mỉ, sợi tơ bóng và chắc khoẻ là đặc trưng của loại vải dệt theo kĩ thuật này.

    Jobu (上布)

    kĩ thuật dệt Kimono Jobu
    (Ảnh minh họa: PIXTA)

    Là loại vải thượng hạng được dệt nên bởi những sợi gai dài và mảnh. Bởi chất liệu gai dễ hấp thụ và thoát hơi nước nên vải không bám dính, tạo cảm giác mát lạnh, rất thích hợp để mặc vào những ngày hè nóng bức. Trong các loại vải dệt Jobu, nổi tiếng nhất có vải Echigo Jobu (Niigata), Noto Jobu (Ishikawa), Omi Jobu (Shiga) và Miyako Jobu (Okinawa).

    Muôn màu các loại hoa văn Kimono

    Hoa văn dùng để trang trí cho áo Kimono vô cùng đa dạng và phong phú. Tuỳ theo ý đồ sáng tạo của người thợ mà mỗi chiếc Kimono có thể chỉ dùng một mẫu hoa văn hay kết hợp nhiều mẫu hoa văn với nhau. Nhìn chung, nếu xét theo hình thái hoa văn, có thể chia hoa văn thành 4 loại lớn: hoa văn thực vật, động vật, đồ vật và hình học.

    các loại hoa văn Kimono
    (Ảnh minh họa: PIXTA)

    Hoa văn thực vật 

    Là bộ sưu tập hình ảnh hoa lá, phản ánh nét đẹp muôn màu muôn vẻ của thiên nhiên Nhật Bản. Đặc biệt, cũng giống như các món ăn truyền thống, hoa văn Kimono cũng được phân chia theo mùa.

    Hoa văn động vật

    Bên cạnh hoa cỏ, người Nhật cũng yêu thích những động vật nhỏ như thỏ, bướm, cú. Nếu hoa văn hình thỏ thu hút các cô gái trẻ bởi sự đáng yêu, thì hoa văn hình bướm gợi nên nét duyên dáng, mỹ lệ, còn hình cú phản ánh cá tính của người mặc,.

    Hoa văn đồ vật

    Những tờ giấy nhỏ ghi điều ước (Tansaku), phiến quạt (Ogi), trống cơm (Tsuzumi), Genjiko (biểu thị trò chơi đoán mùi hương dựa trên 52 tựa đề chương trong “Truyện Genji”) đều là những hoa văn đồ vật quen thuộc. Bên cạnh đó, có những hoa văn cũng được xếp vào nhóm “hoa văn cát tường” như cỗ xe Goshoguruma (xe ngựa dành cho quý tộc cung đình, thường được in trên các áo Furisode, Tomesode dành cho hôn lễ),. 

    Hoa văn hình học

    Hoa văn hình học chỉ chung các loại hoa văn được cách điệu một cách trừu tượng bằng các đường thẳng, gấp khúc, chấm điểm. Sự kết hợp của các hoa văn ấy với nhau tạo nên những họa tiết hình học lạ mắt. Các họa tiết hình học phổ biến thường có: họa tiết lá rừng, họa tiết vảy cá, họa tiết mai rùa, họa tiết ca rô, họa tiết đan chéo, họa tiết đan nong cốt, họa tiết chữ卍nghiêng, họa tiết mắt lưới,…

    Inako / kilala.vn

    29/01/2016

    Bài: Inako / Ảnh: PIXTA

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!