Những thuật ngữ được "gắn mác" cho phụ nữ Nhật
Nếu bạn sống tại Nhật hoặc nếu bạn biết tiếng Nhật và thường lướt các trang mạng xã hội, bạn sẽ thường thấy những từ như Himono onna, Minatoku joshi,. Bạn có thắc mắc những cụm từ này có ý nghĩa đặc biệt gì không?
Trước đây, Kilala đã giới thiệu đến các bạn các cách gọi phụ nữ trong tiếng Nhật. Bài viết lần này, Kilala sẽ mang đến những “nhãn dán” dành cho phụ nữ tại quốc gia này.
Vì sao lại có những nhãn dán như vậy? Việc này sinh ra do sự quan trọng trong việc hòa hợp các nhóm người trong xã hội Nhật Bản. Bằng một cách nào đó, mỗi người sẽ luôn thuộc một “nhóm”, phải phụ thuộc và có trách nhiệm với những người “cùng nhóm” đó. Đó cũng là lý do vì sao trong các buổi joshikai (buổi gặp mặt của phụ nữ) hay những dịp tương tự khác người ta thường hay sử dụng những nhãn dán chuyên biệt để nói về người khác.
Age-man và Sage-man
Thuật ngữ Age-man (アゲマン) trở nên thông dụng vào đầu những năm 1990. Từ “age” trong cụm này xuất phát từ động từ “ageru” nghĩa là “mang đến” hoặc “gia tăng”. Còn “sage” xuất phát từ “sageru” mang ý nghĩa ngược lại. Trong khi đó, từ “man” là gì thì vẫn còn nhiều tranh cãi cách. Cách giải thích phổ biến nhất là “man” được viết theo Hán tự "間 - gian" mang nghĩa thời gian hoặc diễn tả các mối quan hệ giữa người với người. Mặc dù từ này đọc là "ma", nhưng có không ít người Nhật phát âm trại thành "man".
Một người phụ nữ được gắn mác “Age-man” tức là trong mắt người khác, cô ấy mang đến động lực, sự may mắn, thành công cho người bạn đời của mình. Tiền tài, danh vọng, mối quan hệ với đồng nghiệp, cấp trên, đối tác,. đều suôn sẻ. Trong khi đó, từ "Sage-man" mang ý nghĩa hoàn toàn ngược lại, tức cô nàng ấy chỉ toàn mang đến vận xui cho người bạn trai/bạn đời.
Bari-kyari & Yuru-kyari
Trước đây, từng có thời gian phụ nữ Nhật Bản được chia thành 2 kiểu: Sengyo shufu (専業主婦 - nội trợ toàn thời gian) và Kyaria women (キャリアウーマン - phụ nữ của công việc). Ngày nay, ngày càng có nhiều phụ nữ lựa chọn tập trung vào công việc, nên đã hình thành thêm 2 thuật ngữ mới là: Barikyari và Yurukyari.
+ Barikyari (バリキャリ) được ghép từ chữ "bari" trong "bari bari - バリバリ" mang ý nghĩa những người làm việc chăm chỉ, năng nổ và "kyari" trong "kyaria" (career - công việc). Cụm từ này ý chỉ người phụ nữ tập trung vào con đường sự nghiệp, chú trọng sự thành công trong sự nghiệp cá nhân hơn là tạo dựng cuộc sống hôn nhân.
+ Yurukyari (ゆるキャリ) được kết hợp từ chữ "yuru" trong từ "yurui - ゆるい" mang ý nghĩa thư giãn, thả lỏng. Kiểu phụ nữ này không quá đặt nặng vào sự nghiệp mà ưu tiên gia đình, sở thích và cuộc sống cá nhân.
Xem thêm Những cách gọi phụ nữ trong tiếng Nhật.
Yochien mama
Một thuật ngữ khác mà phụ nữ bị "gắn mác" là Yochien mama. Trong đó “yochien” có nghĩa là trường mẫu giáo, từ này có thể hiểu là người mẹ có con đang học mẫu giáo. Cụm từ này dùng để chỉ những người phụ nữ (phần lớn) đã có gia đình, người chồng có thu nhập cao, có con và sở hữu một cuộc sống trọn vẹn.
Nikushoku joshi
Lần đầu tiên Nikushoku joshi xuất hiện vào năm 2006 và có ý nghĩa đen là cô gái “ăn thịt”. Từ ý nghĩa cái tên này có thể thấy, từ này để chỉ những người phụ nữ khá “táo bạo”, theo đuổi sự lãng mạn, chủ động trong mối quan hệ tình cảm. Và đôi khi, những người phụ nữ này cũng khá thoáng trong vấn đề tình dục.
Thông thường, đi kèm với những cô gái “ăn thịt” là những anh chàng “ăn cỏ” (Soshoku danshi) bởi những anh chàng này thì trái ngược: nhút nhát, rụt rè và thường không chủ động.
Himono onna
Từ này xuất hiện lần đầu tiên vào những năm cuối 2000, trong bộ manga “Hotaru no Hikari”. Trong truyện, từ này được dùng để miêu tả nhân vật chính, một cô gái không có hứng thú với tình yêu hay những điều lãng mạn mà chỉ thích ở nhà, đọc manga, uống bia hoặc ngủ. Giờ đây Himono onna được dùng để miêu tả những người phụ nữ ở độc thân độ tuổi 30, không có hứng thú quay lại với chuyện yêu đương hẹn hò.
Minatoku joshi
Những nữ sinh viên hoặc những cô gái đầu 20 thích dành thời gian ở quận Minato (Tokyo), nơi có mức sống đắt đỏ nhất Nhật Bản, được gọi là Minatoku joshi (港区女子). Lân cận Minato có những khu phố sang trọng như Roppongi, Azabu Juban, Nishi-Azabu và Aoyama. Những con phố này là nơi tập trung những người đàn ông đẹp trai, có học thức, nhiều tiền, có nghề nghiệp ổn định… hay có thể gọi là những người đàn ông ưu tú. Những người đàn ông này là mục tiêu của các Minatoku joshi. Họ săn đón những người này, dùng sự xinh đẹp, dí dỏm, hài hước của bản thân để “đào” được những món đồ hiệu hay những bữa ăn sang trọng.
Bên trên chỉ là một số “nhãn dán” phổ biến thường xuất hiện. Theo thời gian, những từ ngữ này và ý nghĩa của nó có thể thay đổi theo hướng khác hoặc là biến mất. Hy vọng với những thông tin trên, bạn sẽ không còn quá bối rối khi tình cờ gặp phải những cụm từ này nhé.
kilala.vn
04/06/2020
Bài: Hoàng Thiên
Đăng nhập tài khoản để bình luận