Những tấm bưu thiếp bằng lá cây của người Nhật
Một tài khoản Twitter Nhật Bản đã chia sẻ tấm bưu thiếp từ lá cây được dán tem và đóng dấu bưu điện vô cùng chỉn chu, nhận về hơn 102.300 lượt yêu thích. Thực tế, những bức thư viết trên lá cây đã có nguồn gốc từ thời Heian.
Bài đăng nói trên thuộc về giáo sư Hajime Ishikawa (石川初) của Khoa Môi trường và Nghiên cứu thông tin tại Đại học Keio, tỉnh Kanagawa. Vào ngày 13/5, ông đã đăng lên tài khoản Twitter cá nhân @hajimebs một bức ảnh thú vị về sự chuyên nghiệp và chu đáo của dịch vụ bưu chính Nhật Bản. Một chiếc lá được dán con tem 120 yên (khoảng 25.000 VND), đóng dấu giáp lai và chuyển phát trong tình trạng hoàn hảo đến Ishikawa. Ông đã chụp cả mặt trước, mặt sau của chiếc lá và đăng tải lên Twitter với dòng trạng thái: “Một chiếc lá đã được chuyển đến hộp thư của tôi. Nó được đóng dấu bưu điện”. Bài đăng nhanh chóng lan tỏa trên mạng xã hội Nhật Bản và nhận về 102.300 lượt thích, 16.100 lượt tweet.
Một điểm thú vị là mặt sau chiếc lá ghi tên và địa chỉ của chính giáo sư, có nghĩa là Ishikawa đã tự gửi chiếc lá này cho mình. Thực chất, việc gửi chiếc lá là một phần trong Dự án “多羅葉 – Tarayou” của sinh viên trường Đại học Keio, nhằm quảng bá rộng rãi về cây Tarayou (tên khoa học là Ilex latifolia). Đây là loài cây thuộc chi Ilex (Nhựa ruồi), họ Aquifoliaceae, có nguồn gốc từ miền Nam Nhật Bản (từ tỉnh Shizuoka đến đảo Kyushu) và phía Đông, Nam của Trung Quốc. Thân cây Tarayou có đường kính 60cm và cao từ 7 – 10m. Chúng ra hoa vào mùa xuân và kết những quả nhỏ màu đỏ vào mùa thu.
Điểm nổi bật là lá cây Tarayou có màu xanh đậm, hình bầu dục, dài từ 10 – 18cm và rộng 4 – 7cm, được xếp vào loại cây có lá lớn nhất trong họ Nhựa ruồi. Để viết bưu thiếp trên lá Tarayou, chỉ cần sử dụng một vật nhọn để viết lên mặt sau lá. Chất tannin trong lá khi tiếp xúc với không khí sẽ bị oxy hóa, tạo thành những chữ màu đen và càng để lâu, những nét chữ sẽ càng đậm hơn. Đặc biệt hơn, những lá thư này nếu được bảo quản tốt sẽ lưu giữ được hàng chục năm.
Vào thời Heian (794 – 1185), người Nhật đã sử dụng cành cây để viết chữ lên mặt sau của lá Tarayou, biến chúng thành những tấm bưu thiếp đầu tiên. Đó cũng là lý do từ bưu thiếp trong tiếng Nhật là "葉書 – Hagaki", được tạo thành từ "葉 – Lá cây" và "書 – Viết". Vì vậy, loài cây này thường được gọi là "葉書の木 – Cây bưu thiếp", trở thành biểu tượng và được trồng ở các bưu điện Nhật Bản. Ngoài ra, chúng cũng dễ tìm thấy ở đền chùa xứ Phù Tang.
Cây Tarayou cũng được trồng ở làng Beta thuộc khuôn viên Shonan Fujisawa của Đại học Keio. Dó đó, khi tham gia lớp học "SBC入門 – Nhập môn SBC", nhóm gồm 5 thành viên: Yuri Murakami, Miki Nosue, Maho Omura, Mio Hirose và Risa Kitamura đã khởi động dự án Tarayou và biến cây trở thành biểu tượng của khuôn viên trường SBC (Student Build Campus). Khi phát động dự án này, nhóm mong muốn lan tỏa điều kỳ diệu của lá cây Tarayou với mọi người. Các sinh viên đã lập kênh Instagram sbc_tarayou_ và website sbctarayou.wixsite để truyền thông trực tuyến về loài cây đặc biệt này.
Nhận thấy sự tích cực của dự án, giáo sư Ishikawa đã hưởng ứng chiến dịch này. Ishikawa mong muốn giới thiệu rộng rãi hơn đến sinh viên và nhiều người khác về điều kỳ diệu của cây Tarayou, không chỉ vì lá cây có thể dùng để viết chữ, mà chúng có tiềm năng để thay thay thế các văn phòng phẩm hiện đại, tạo nên loại bưu thiếp thân thiện với môi trường.
Giáo sư Ishikawa nhấn mạnh thêm: "Sẽ thật tuyệt khi chứng kiến lá Tarayou trở thành một trào lưu bưu thiếp mới". Ông cũng lưu ý rằng lá cây tươi dễ bị hỏng và có thể làm ảnh hưởng đến các loại bưu thiếp khác. Nếu muốn gửi qua đường bưu điện, bạn nên tham khảo ý kiến của nhân viên bưu chính trước, bởi chúng nằm ngoài tiêu chuẩn gửi thư thông thường.
kilala.vn
08/06/2021
Bài: Rin
Đăng nhập tài khoản để bình luận