Những sự thật thú vị về núi Phú Sĩ có thể bạn chưa biết
Phụ nữ không được leo núi,từng xuất hiện quái vật tương tự quái vật hồ Loch Ness hay núi Phú Sĩ có phần thuộc tài sản tư nhân… là những điều có thể bạn chưa biết về ngọn núi mang đậm tính biểu tượng này.
Có thể nói núi Phú Sĩ đã trở thành một biểu tượng mỗi khi nhắc đến Nhật Bản. Không chỉ là ngọn núi cao nhất ở xứ Phù Tang, núi Phú Sĩ còn toát lên vẻ đẹp trong sự thâm trầm, tĩnh lặng. Thật vậy, hình thức tráng lệ của Phú Sĩ là vô song ở bất kỳ nơi nào trên thế giới. Từ xa xưa, người Nhật đã tôn kính ngọn núi linh thiêng này, xem núi là ngọn nguồn nuôi dưỡng trái tim trong sáng và cao thượng.
Mỗi năm, thắng cảnh hùng vĩ cao 3.776m này chào đón khoảng 300.000 du khách, là địa danh du lịch không thể bỏ qua khi đến xứ sở hoa anh đào. Từ Shinjuku (Tokyo) hay sân bay Narita, bạn có thể đón xe buýt đến thẳng núi Phú Sĩ, rất thuận tiện. Tuy nhiên, ngọn núi nổi tiếng này ẩn chứa những sự thật mà ít người biết đến.
Có thể kết hôn trên đỉnh núi Phú Sĩ
Còn gì lãng mạn và tuyệt vời hơn khi được cùng nhau thề nguyện trên đỉnh núi linh thiêng nhất Nhật Bản, với đất trời và cảnh sắc tuyệt đẹp bao quanh. Chương trình đặc biệt này do đền Fujisan Hongu Sengen Taisha độc quyền tổ chức và đám cưới sẽ được diễn ra tại đền Okumiya, tọa lạc trên đỉnh núi. Tuy nhiên, thời tiết tại đỉnh núi Phú Sĩ rất khắc nghiệt, nên chương trình này chỉ giới hạn tổ chức từ tháng 7 – tháng 8, thời điểm thời tiết ấm áp nhất và cũng là thời gian mà người Nhật thường tham gia các chuyến leo núi Phú Sĩ.Vì không gian có hạn nên tiệc cưới chỉ được tổ chức với tối đa 10 khách mời. Ngoài ra, bạn cũng có thể lựa chọn những địa điểm khác quanh khu vực núi Phú Sĩ để tổ chức ngày lễ thiêng liêng trong cuộc đời mình.
Konohana Sakuya Hime là nữ thần của núi
Konohana Sakuya Hime (Kono) là một nhân vật trong thần thoại Nhật Bản. Nàng là con gái của thần núi Ohoyamatsumi và là biểu tượng cho nét đẹp thanh nhã của trời đất. Đặc biệt, loài hoa biểu tượng cho nàng là hoa anh đào.Konohana Sakuya Hime gặp và yêu Ninigi, cháu của nữ thần Mặt trời Amaterasu. Họ kết hôn không lâu sau đó, tuy nhiên việc Kono có thai chỉ sau một đêm đã khiến Ninigi nghi ngờ. Nổi giận trước suy đoán của chồng, Kono đã vào trong một túp lều không người, tự sinh nở rồi phóng hỏa. Làm như vậy, nàng chứng minh rằng những đứa trẻ (ba cậu con trai: Hoderi, Hosuseri và Hoori) chính là chắt của nữ thần Mặt trời Nhật Bản, vì nếu không chúng sẽ bị thiêu cháy trong ngọn lửa.
Bên cạnh đó, khi xưa, núi Phú Sĩ thường xuyên phun trào, nhưng khi Konohana Sakuya Hime lên núi, nàng đã dập tắt cơn thịnh nộ và ngăn cho thiên tai không xảy ra. Từ đó, người dân quanh vùng đã xây dựng đền thờ nữ thần Konohana Sakuya Hime tại núi Phú Sĩ để cầu mong bình an.
Là một ngọn núi lửa đang hoạt động
Mặc dù có rất nhiều giả thuyết hư cấu xen lẫn thực tế trong câu chuyện về nữ thần Konohana Sakuya Hime, nhưng sự thật là núi Phú Sĩ đã hoạt động hơn 100.000 năm cho đến cuối thời Heian (794-1185). Nhiều nhà khoa học dự báo rằng núi Phú Sĩ vẫn đang hoạt động và việc nó phun trào trở lại chỉ là vấn đề thời gian.Lần phun trào cuối cùng của núi Phú Sĩ là trong thời kỳ Edo (1603-1867), bắt đầu vào ngày 16/12/1707 và kéo dài đến ngày 01/01/1708. Trong hai tuần đó, hầu hết khu vực xung quanh ngọn núi bị bao phủ bởi tro bụi, tạo nên những hố sâu đến 3m, phá hủy mùa màng và gây ra nạn đói. Tro tích tụ gây ra lở đất và lũ lụt kéo dài sau vụ phun trào ban đầu. Ngay cả Edo (hiện nay là Tokyo) cũng bị bao phủ trong vài cm tro bụi và tephra (mảnh vụn núi lửa).
Phụ nữ từng bị cấm leo núi Phú Sĩ
Mặc dù núi Phú Sĩ có mối liên hệ tâm linh với phụ nữ và được coi là “linh khí của mẹ thiên nhiên” nhưng phụ nữ từng bị nghiêm cấm leo núi trong nhiều thế kỷ. Đây là quy định của hầu hết các ngọn núi thiêng trên khắp Nhật Bản. Lệnh cấm cũng mở rộng đối với những người đang để tang và bất kỳ ai bị coi là “không phù hợp” vì bất cứ lý do gì.Ngày xưa, tại núi Phú Sĩ, người ta cho rằng phụ nữ, đặc biệt là những người đẹp có thể khiến Konohana Sakuya Hime tức giận và khiến núi Phú Sĩ phun trào lần nữa. Để tránh cơn thịnh nộ của bà, phụ nữ chỉ được phép lên núi đến chặng thứ hai.
Thay vào đó, họ được đến đền Omuro Sengen và các hang động ở chân núi, được gọi là "tainai - 胎内", hay “bên trong tử cung”. Các hang động trong văn học dân gian Nhật Bản có mối liên hệ chặt chẽ với tử cung và được dùng như một phép ẩn dụ, đi qua hang động được coi là một hình thức tái sinh. Phụ nữ được phép vào những không gian này và họ trở thành người kết nối tâm linh trực tiếp quan trọng với những nơi linh thiêng như núi Phú Sĩ và các ngọn núi khác.
Tatsu Takayama là người phụ nữ đầu tiên chinh phục ngọn núi này
Trước khi lệnh cấm phụ nữ leo núi được gỡ bỏ vào năm 1872, Tatsu Takayama, con gái của một nông dân, đã leo lên vị trí cao nhất trước đó 40 năm, vào năm 1832. Để làm được điều đó, bà đã cắt tóc, mặc quần áo nam giới và tham gia cùng một nhóm năm người đàn ông để thực hiện cuộc hành trình gian khổ lên đỉnh núi Phú Sĩ.Một ngoại lệ khác được biết đến là Fanny Parkes, vợ của một nhà ngoại giao người Anh, bà đã leo lên đỉnh núi vào năm 1867 và có thể là người phụ nữ nước ngoài đầu tiên đặt chân lên đỉnh núi.
Phần lớn ngọn núi thuộc sở hữu của tư nhân
Hầu hết núi Phú Sĩ là tài sản của chính phủ. Tuy nhiên, Fujisan Hongu Sengen Taisha và các đền thờ sở hữu ngọn núi từ chặng tám trở lên. Vì vậy, từ 3.360m đến đỉnh ở độ cao 3.776m, về luật pháp, bạn đang đi trên tài sản tư nhân.Nghe có vẻ phức tạp, nhưng quyền sở hữu đã là một vấn đề gây tranh cãi kể từ thời Minh Trị (1868-1912). Chính phủ Minh Trị đã trưng dụng và quốc hữu hóa ngọn núi vào năm 1871 như một phần của kế hoạch bảo vệ di sản, nhưng họ đã trả lại đất cho nhiều đền thờ sau Thế chiến thứ hai. Fujisan Hongu Sengen Taisha khởi kiện và đấu tranh cho quyền sở hữu đỉnh núi Phú Sĩ tại tòa án vào năm 1974, cuối cùng giành lại quyền sở hữu vào năm 2004.
Nơi từng thấy Mossie – phiên bản Nhật của quái vật hồ Loch Ness
Fujigoko, hay vùng ngũ hồ quanh núi Phú Sĩ, là các điểm đến tham quan nổi tiếng với vườn nho, những khách sạn sang trọng ven hồ và quang cảnh tuyệt vời của ngọn núi biểu tượng… Tuy nhiên, bạn có thể muốn suy nghĩ lại trước khi chạm vào nước ở hồ Motosu, vì đó là nơi mà Nessie (quái vật hồ Loch Ness) của Nhật Bản, gọi là Mossie, được phát hiện nhiều lần.Lần đầu tiên là vào năm 1970, khi một nhóm du khách tuyên bố đã nhìn thấy bóng đen lớn dưới nước. Tin tức này đã trở thành một cơn sốt trên toàn quốc và các ngư dân địa phương ở Shizuoka đã giăng lưới đánh cá trong hồ để bắt sinh vật bí ẩn. Khi kéo lưới lên, họ bất ngờ khi thấy nó đã bị xé toạc. Đến tháng 10/1987, một người đàn ông ở Tokyo đã phát hiện ra một con cá lưng đen dài khoảng 30m nhô lên khỏi vùng nước của hồ Motosu. Ông khẳng định phần lưng sần sùi “giống như một con cá sấu”.
Một số người khác tuyên bố đã nhìn thấy những cảnh tượng tương tự ở cả hồ Motosu và các hồ khác trong khu vực, nhưng không có sự nhất trí nào về hình dạng của Mossie.
Xem thêm: Những ngọn núi tên "Phú Sĩ" nhưng không phải núi Phú Sĩ (P1)
Là nơi tổ chức một trong ba lễ hội kì lạ ở Nhật Bản
Một trong ba lễ hội kỳ lạ lớn của Nhật Bản được tổ chức dưới chân núi Phú Sĩ vào ngày 26 và 27/08 hàng năm. Lễ hội lửa Yoshida diễn ra vào khoảng cuối mùa leo núi và được cho là có thể giúp dập tắt cơn thịnh nộ của núi Phú Sĩ bằng cách dâng lửa và lời cảm tạ thông qua lễ hội. Một đoạn đường dài 2km được thắp sáng bởi 70 ngọn đuốc cao 3m, tạo nên một đại lộ ánh sáng rực lửa khắp thành phố Fujiyoshida.Núi Phú Sĩ nằm trên đường Mặt trời mọc
Ley line này có tên là "Goraikou no michi - ご来光の道", nằm trên một đường thẳng kết nối núi Phú Sĩ với các địa danh theo thứ tự từ Đông sang Tây bao gồm: đền Izumo Taisha (tỉnh Shimane), đền Ogamiyama (tỉnh Tottori), đền Moto Ise (Kyoto), đảo Chikubu (tỉnh Shiga), núi Shichimen (tỉnh Yamanashi ), Núi Phú Sĩ, đền Samukawa (tỉnh Kanagawa), đền Tamamae (tỉnh Chiba). Các địa danh này nằm trên một đường thẳng, vào ngày Xuân Phân hàng năm, mặt trời sẽ lần lượt soi rọi từng nơi theo thứ tự.Xem thêm: Bí ẩn kết giới linh thiêng tại Nhật Bản
kilala.vn
11/08/2021
Bài: Natsume
Đăng nhập tài khoản để bình luận