Nghi lễ hành lá kỳ lạ tại đền Aruka, tỉnh Kanagawa
Đền Aruka ở thành phố Ebina không chỉ được biết đến là ngôi đền cổ nhất của tỉnh Kanagawa, mà gần đây, nghi lễ một vị sư đội chiếc mũ dài 2m có hình dạng củ hành được lan truyền mạnh mẽ trên mạng xã hội Nhật Bản, gây không ít tò mò.
Đền Aruka (有鹿神社) được xem là nơi khởi nguồn sự sống của Trái đất từ thời cổ đại, hình thành và phát triển nên các loài động thực vật, bao gồm cả con người, hồi sinh sự sống sau các thảm hoạ. Trong thời Muromachi (1336 – 1573), ngôi đền từng bị tàn phá bởi hai cuộc chiến tranh. Nhưng cũng kể từ đó, Aruka được người dân tại Ebina, tỉnh Sagami (tên gọi cũ của tỉnh Kanagawa) tôn sùng như vị thần bảo vệ của vùng thông qua lễ hội Mizuhiki – lễ hội bảo vệ nguồn nước sử dụng cho đất nông nghiệp nơi đây.
Đền Aruka thờ hai vị thần chính là Arukahiko no Mikoto (有鹿比古命) – vị thần nông nghiệp mang phước lành cho nghề nông ở Ebina và Arukahime no Mikoto (有鹿比女命) – vị thần nước mang đến mùa màng bội thu, bảo trợ cho trẻ em. Từ khoảng năm 2017, Negi – vị sư đứng đầu đền Aruka đã bắt đầu thực hiện nghi lễ hành lá với chiếc mũ dài tới 2m. Đến năm 2020, nghi lễ đặc biệt này bắt đầu lan truyền trên mạng xã hội Nhật Bản vì điều này chưa từng được chứng kiến ở bất kỳ ngôi đền nào khác.
Để thực hiện nghi lễ này, vị sư mặc trang phục áo trắng và hakama xanh lá cây cùng tông màu với chiếc mũ hành lá, sau đó cầm một chiếc đàn dương cầm và cây hành trên tay để vừa kéo đàn, vừa cố gắng đi qua vòng tròn được quấn bằng dây thừng. Mục tiêu của nghi lễ là cầu nguyện cho hoà bình và tránh được các thiên tai.
Nghi lễ hành lá được trụ trì thực hiện với mong muốn thu hút nhiều người đến với đền Aruka hơn. Trước đó vài năm, sư Miwako Kojima, 49 tuổi tại đền Aruka cũng đã đội một chiếc mũ hình đầu gấu trúc để biến thành Panda Miyaji – linh vật của đền Aruka nhằm mang đến hình ảnh một ngôi đền thân thiện. Được biết, từ thời cổ đại, người ta cũng thường dùng mặt nạ và mũ đội đầu tại các nghi lễ. Đặc biệt, sư Miwako với cặp kính mắt màu trắng trông giống với gấu trúc nên đã hóa thân thành Panda Miyaji đến chào hỏi và chụp ảnh kỷ niệm với những khách đến cúng viếng tại đền Aruka.
Tiếp nối sáng kiến Panda Miyaji, ông Kojima nảy ra ý tưởng mới từ tên của vị sư trụ trì là “Negi”, có phát âm giống “葱 - Negi - Củ hành” trong tiếng Nhật. Do vậy, nghi lễ hành lá đã ra đời. Chiếc mũ đặc biệt được làm từ bìa cứng màu trắng và xếp thêm nhiều lớp giấy nến, sau cùng cố định bằng băng keo.
Nghi lễ nhanh chóng lan toả trên mạng xã hội và ngày càng có nhiều người biết đến đền Aruka. Các vị sư khác tại đây cũng đã làm những chiếc mũ củ hành riêng cho mình, và khi ghé thăm đền Aruka, du khách sẽ có thể quan sát nghi lễ củ hành nói riêng và các nghi lễ kỳ lạ khác tại ngôi đền trong sự chào đón thân tình từ các vị sư.
kilala.vn
23/07/2021
Bài: Rin
Đăng nhập tài khoản để bình luận