Món ăn ngày Tết ở xứ Phù Tang

    Osechi

    Có nhiều món ăn được chế biến trong ngày Tết vì đây là dịp để nghênh đón các vị Thần. Tiêu biểu nhất là món “Osechi”. Trong tiếng Nhật, “Sechi” có nghĩa là “Chuyển giao giữa từng mùa”. Trước đây, Osechi là món ăn được chế biến vào ngày 1/1, 3/3, 5/5, 7/7, 9/9 nhưng bắt đầu từ thời Edo, món ăn này được chỉ định cho dịp long trọng nhất trong một năm - ngày 1/1. Với ý nghĩa “Hạnh phúc chồng hạnh phúc”, Osechi gồm các khay chồng lên nhau, bên trong xếp đầy các món ăn mang ý nghĩa phúc lành. Trước khi dùng Osechi, người Nhật sẽ chúc Tết rồi cùng uống rượu “Otoso” để cầu mong một năm đầy sức khỏe cho cả gia đình.

    món ăn ngày Tết ở Nhật

    Trước đây, do quan niệm Thần linh cũng ghé thăm nhà bếp, nên xuất hiện phong tục không nấu nướng từ ngày 1 đến ngày 3. Vì vậy, Osechi phải được hoàn thành trước khi kết thúc ngày 31 và sẽ được dùng trong 3 ngày Tết. Do đó, các món ăn trong Osechi đa phần là những món bảo quản được lâu. Người nội trợ không cần phải nấu nướng nên có thể thảnh thơi tận hưởng năm mới.

    Osechi trước đây là một món ăn tự làm, nhưng do có nhiều món chế biến rất công phu và tốn thời gian, nên càng ngày càng có nhiều người đặt mua ở những nơi chuyên cung cấp Osechi đặc trưng của riêng họ như nhà hàng, khách sạn. Không chỉ có món Nhật, ngày nay còn có cả Osechi Âu hóa với thịt bò nướng, tôm càng, Osechi Trung hoa với tôm chua cay, xíu mại và rất nhiều loại Osechi khác.

    Ozouni

    Gồm có bánh dày được ninh chung với thịt gà, rau củ và nước dùng Dashi, thường ăn kèm với Osechi và được xem là món ăn của những dịp chúc mừng. Tùy theo từng địa phương mà khẩu vị và nguyên liệu sẽ khác nhau, như vùng xung quanh Tokyo chuộng bánh dày hình vuông và nước dùng trong, trong khi vùng xung quanh Osaka lại chuộng bánh dày tròn và nước dùng Miso trắng. Cũng có những nhà dùng súp đậu đỏ Azuki jiru để làm nước dùng. Phần cái bên trong cũng khác nhau, tùy theo từng gia đình mà sẽ có thịt, cá, sò, nấm, rau củ, bí đỏ… Sau khi kết hôn, học nấu Ozouni theo khẩu vị của nhà chồng là một trong những việc quan trọng của nàng dâu Nhật Bản.

    bánh dày Ozouni ngày Tết

    Bánh dày - Mochi

    Người Nhật ăn Mochi vào những dịp chúc mừng hoặc sự kiện đặc biệt. Ngày Tết, ngoài món Ozouni, có nhiều cách ăn Mochi khác nhau, như Mochi nướng chấm với Shoyu rồi cuộn rong biển bên ngoài, Mochi chấm đường hay Mochi nhào với đậu đỏ, bột đậu nành và củ cải bào. Ngày Tết, có nhiều người vì mải ăn bánh dày mà béo lên lúc nào không hay.

    Bánh dày Mochi ngày Tết

    Mì trường thọ - Toshikoshi soba

    Phong tục ăn mì soba vào đêm giao thừa bắt nguồn từ thời Edo. Sợi mì dài tượng trưng cho mong muốn trường thọ nên là món ăn mang ý nghĩa may mắn. Ngoài ra, so với các loại mì khác, soba dễ cắn đứt hơn nên còn tượng trưng cho việc “cắt đứt vận hạn của một năm”. Tùy vào mỗi địa phương mà người ta sẽ ăn mì kèm với Tempura tôm, cá trích, tàu hủ chiên Aburaage…

    mì trường thọ toshikoshi soba

    Cháo Thất thái - Nanakusagayu

    Vào ngày 7/1, người Nhật thường nấu cháo cùng với 7 loại rau được mệnh danh là “7 thảo dược mùa xuân”: Seri - cần ta, Nazuna - cây rau tề, Gogyo và Hotokezona - 1 loại cải cúc, Hakobera - cây tinh thảo và Suzuna - củ cải tròn. 7 biểu tượng quan trọng báo hiệu mùa xuân này còn được người Nhật phổ thành bài hát để dễ nhớ hơn. Món ăn này dùng để làm dịu bụng sau khi ăn quá nhiều món ăn ngày Tết, cung cấp cho cơ thể dưỡng chất của rau xanh và mang ý nghĩa cầu mong một năm đầy sức khỏe.

    cháo Thất thái Nanakusa Gayu ngày Tết

    02/01/2018

    Bài: Mayu Senda/ Biên dịch: Lê Mai. Minh hoạ: Ryoko Endo

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!