Mayu Ino: “Tâm nguyện của tôi là giúp nông nghiệp Việt phát triển"
Chỉ một câu nói mà đã gắn bó chị Mayu với đất nước và con người Việt Nam, tính đến nay “mối lương duyên” này đã trải qua hơn 20 năm.
Lần đầu tiên Mayu Ino đến Việt Nam là vào năm 1995, khi chị còn là một cô sinh viên năm 2 đầy nhiệt huyết, và lần ghé thăm ấy chỉ đơn giản cho mục đích du lịch. Đến năm 3, khi các sinh viên Nhật Bản bắt đầu định hướng cho tương lai của mình, Mayu quyết định học tiếp lên cao học. Đề tài lúc bấy giờ chị chọn là “Quan hệ hợp tác quốc tế” nên Mayu được thầy cô khuyên nên đến nhiều nước để tìm hiểu sự khác nhau giữa mô hình nông nghiệp ở từng vùng đất. Tình cờ có một người thầy đã giới thiệu về Việt Nam cho Mayu, các thủ tục về visa cũng như xin giấy phép học tập diễn ra khá suôn sẻ như hứa hẹn một khởi đầu thuận lợi đã khiến chị Mayu quyết định chọn Việt Nam là điểm đến của mình. Hết thời hạn học tập 3 năm tại Việt Nam, Mayu dự tính sẽ quay lại Nhật học tiếp để chuẩn bị cho việc đi Mỹ du học, vốn là ước mơ của chị. Tuy nhiên, quãng thời gian 3 năm không dài cũng chẳng ngắn đã tạo cho chị tình cảm gắn bó, quyến luyến với người dân nơi đây, thôi thúc chị ở lại và làm việc tại các tổ chức phi chính phủ.
Trong thời gian tại Việt Nam, để dễ dàng hòa nhập cùng văn hóa và con người bản địa, Mayu đã đăng ký học tiếng Việt và hiện tại có thể nói tiếng Việt hệt như người bản xứ. Chị cũng theo học ngành “Xã hội nông thôn” và “Dân tộc học” tại Đại học KHXH&NV Hà Nội. Mayu hiện là Trưởng đại diện tổ chức Seed to Table – một tổ chức phi chính phủ do chị sáng lập với mục đích đẩy mạnh nền nông nghiệp thân thiện với môi trường sinh thái và hỗ trợ phát triển cộng đồng ở Việt Nam.
Để hiểu hơn về tâm huyết cũng như hành trình Mayu thực hiện thành công dự án này, Kilala đã có một buổi trò chuyện cùng chị.
1. Chào chị Mayu, chị có thể chia sẻ về các dự án mà chị cùng Seed to Table đã triển khai tại Việt Nam?
Sau thời gian hoạt động tại phía Bắc, hiện nay, dự án Seed to Table đang được thực hiện tại các tỉnh thành phía Tây Nam Bộ. Hiện các hoạt động tại Bến Tre đã kết thúc và chúng tôi đang tiếp tục ở tỉnh Đồng Tháp với các nội dung:
- Nhóm nông dân quy mô nhỏ áp dụng nông nghiệp hữu cơ và PGS (Participatory Guarantee System) nhằm cải tiến thu nhập thông qua hướng tiếp cận thị trường mới mẻ và khoa học hơn.
- Nhóm học sinh: giảng dạy các em về nông nghiệp hữu cơ và hệ sinh thái để nâng cao ý thức cũng như kiến thức bảo vệ môi trường, thông qua các hoạt động trồng rau tại vườn trường.
2. Vậy tại Đồng Tháp, chị có những hoạt động cụ thể như thế nào để giúp đỡ bà con?
Khi thực hiện dự án về nông nghiệp hữu cơ tại Bến Tre, chúng tôi đã nhận được những phản hồi rất tích cực. Chính vì vậy, ban lãnh đạo và một số anh chị nông dân tại Đồng Tháp đã gửi lời mời để tôi có thể đến khảo sát. Đặc biệt, người dân Đồng Tháp cũng tin tưởng và đồng hành cùng dự án của chúng tôi, đây là điều quan trọng để có thể quyết định sự thành công.
Tuy nhiên, giống như các tỉnh thành trước đây mà chúng tôi triển khai, bước đầu rất khó khăn do đa phần người nông dân không tin tưởng vào việc trồng cây không sử dụng hóa chất. Nếu có sâu bệnh thì phòng trừ thế nào? Điều này khiến họ e ngại. Nhưng may mắn rằng một số ít người dân lại là những người dám làm, dám thực hiện, họ là người tiên phong, đồng hành và hỗ trợ chúng tôi xây dựng hệ thống để cung cấp chứng nhận, hơn nữa là kết nối thị trường để đảm bảo đầu ra cho bà con.
3. Nếu vậy thì các sản phẩm hữu cơ sẽ được kiểm định chất lượng như thế nào, thưa chị?
Đối với các sản phẩm hữu cơ, người sản xuất phải cần có bên thứ ba là đơn vị kiểm định chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, chi phí đó đối với một hộ gia đình sản xuất quy mô nhỏ là quá lớn. Chính vì thế, PGS ra đời để hỗ trợ nông dân sản xuất quy mô nhỏ có thể tiếp cận thị trường tốt hơn và nâng cao năng lực của bà con để đảm bảo chất lượng sản phẩm. Quan trọng nhất là sự minh bạch, rõ ràng và tạo ra chuỗi giá trị cho nông sản hữu cơ. Có thể hiểu PGS - Participatory Guarantee System, là chứng nhận đảm bảo sản phẩm được sản xuất theo đúng quy trình cũng như tuân thủ theo các quy chuẩn của sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Chúng tôi đưa tiêu chuẩn này cho bà con và xây dựng một hệ thống để giám sát, thanh tra trong cộng đồng, từ đó có cơ sở để cấp chứng nhận cho sản phẩm của các nhóm nông dân.
Hệ thống PGS không chỉ dành riêng cho nông dân, người tiêu thụ mà cán bộ nhà nước, nhà trường, người tiêu dùng cũng có thể tham gia để xây dựng chuỗi giá trị minh bạch, rõ ràng, mang đến giá trị cao.
4. Như chị chia sẻ, điều quan trọng nhất quyết định dự án thành công là lấy được lòng tin của người dân. Vậy bí quyết của chị là gì? Đặc biệt khi chị là người nước ngoài, dù nói tiếng Việt rất giỏi nhưng đôi khi cũng bị hạn chế bởi khả năng diễn đạt của mình.
Với tôi thì việc trao đổi thắng thắn là điều nên làm, những gì tôi hứa tôi đều cố gắng hết sức thực hiện và nhất là nói thật nhiều, làm cũng thật nhiều để người nông dân nhận ra được tâm huyết của mình.
5. Vậy trong suốt thời gian làm việc cho dự án phi lợi nhuận này, điều gì chị cảm thấy khó khăn nhất?
Về kĩ thuật thì chúng tôi hoàn toàn tự tin vì đây là điều nhiều nước tiên tiến, đặc biệt là Nhật Bản đã thực hiện thành công. Tuy nhiên, cái khó khăn nhất đó là con người. Như tôi đã chia sẻ từ đầu, để kết quả PGS tốt thì cần làm việc với nhóm tối thiểu 5 người để: cùng theo dõi, làm việc, nâng cao kĩ thuật, xây dựng kế hoạch sản xuất, tiêu thụ. Nhưng những người dân đã quen với việc tự lực cánh sinh, nhà nào lo cho thửa đất của nhà đó, nên khi gộp chung họ lại thì xích mích dễ dàng xảy ra.
Lúc ấy, chúng tôi phải giải thích rất rõ ràng về quy tắc của PGS, chứng nhận cấp theo nhóm chứ không cho cá nhân, nên mọi người phải cố gắng, nếu đồng đội gặp khó khăn thì phải giúp đỡ vì sự thành công của nhóm cũng là thành công của chính bản thân mình. Đó chính là tính cộng đồng của phương pháp này.
6. Là một chuyên gia về rau hữu cơ, chị có thể chia sẻ cho mọi người cách nhận biết rau hữu cơ bằng mắt thường không?
Nếu là rau của PGS thì sẽ có logo để phân biệt, nhưng đối với những sản phẩm khác thì thật ra khá khó để biết đâu là rau hữu cơ và rau thường. Tuy nhiên, tôi cũng có một số mẹo nhỏ, hi vọng có thể giúp được mọi người: màu lá của rau hữu cơ sẽ nhạt hơn rau thường, đây là cách nhận biết chung. Tuy nhiên, kích thước của rau trồng bình thường sẽ lớn, mướt và đẹp hơn rau hữu cơ, đặc biệt đối với rau hữu cơ khi bảo quản trong tủ lạnh, thời gian sẽ được lâu hơn (khoảng 1 tuần) so với rau thông thường.
7. Tạm gác lại chuyện công việc thì với một người gần như dành trọn thanh xuân của mình tại Việt Nam, điều gì làm chị nhớ nhất khi nhắc về Nhật Bản?
Đó là một bữa cơm gia đình với những món ăn mẹ tôi nấu. Cũng không cầu kì gì đâu, chỉ là cơm với một món hầm và canh rong biển nhưng đó là những món đi theo tôi trong suốt quá trình trưởng thành. Lúc trước mẹ cũng thường qua Việt Nam thăm tôi, về sau vì bận công chuyện nên đổi lại thành tôi về Nhật thăm bà. Khi còn khỏe, mẹ cũng thường tự lái xe đến sân bay đón tôi nữa. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh, gần 2 năm nay chúng tôi chưa có cơ hội gặp mặt trực tiếp, nhưng may mắn nhờ sự phát triển của công nghệ, tôi vẫn thường gọi cho em trai để video call nói chuyện cùng mẹ. Những lúc đó tôi như được tiếp thêm sức mạnh để có thể hoàn thành tốt những dự án.
Xin cảm ơn những chia sẻ của chị và chúc cho dự án Seed to Table ngày càng đến được với nhiều vùng đất hơn nữa!
Xem thêm: Người phụ nữ Nhật mê giúp nông dân Việt trồng rau sạch
kilala.vn
Thông tin về dự án Seed to Table:
- Landing page: http://seed-to-table.org
- Fanpage: Seed to Table VN
22/06/2021
Bài: Natsume
Ảnh: Seed to table
Đăng nhập tài khoản để bình luận