Ký ức về cha giúp cô gái trở thành nghệ nhân kẹo Amezaiku

    Được truyền cảm hứng từ những ký ức thời thơ ấu khi ngắm nhìn nghệ nhân Amezaiku làm kẹo cùng người cha đã mất trong Đại động đất Hanshin năm 1995, Minori Baba đã quyết định theo đuổi con đường điêu khắc kẹo truyền thống Amezaiku sau khi bản thân từng có ý định kết thúc cuộc đời.

    Đi đến giới hạn và sống lại nhờ ký ức về người cha đã mất  

    Vào ngày 17/01/1995, trận đại động đất Kobe diễn ra khiến ngôi nhà của gia đình Minori Baba (馬場みのり) bị phá huỷ một phần. Hai tuần sau, cha của cô khi đó 60 tuổi, đang điều hành một công ty cung cấp và bảo trì nước đã cố gắng làm việc không ngừng nghỉ để sửa chữa hệ thống nước bị hư hại nặng cho khách hàng. Sau trận động đất, nhu cầu sửa chữa tăng cao, và vì tận tuỵ với công việc đến mức không nghỉ ngơi, ông đã qua đời trong lúc đang làm việc. Sự ra đi đột ngột của người cha đã đả kích rất lớn đến Minori, lúc này đang học năm ba trung học. Mặc dù luôn tận tâm vì công việc và không có nhiều thời gian nghỉ ngơi, ông được Minori miêu tả là người cha tốt bụng khi thường mang về nhà những chú chim bồ câu, chim sẻ bị thương và chăm sóc chúng.

    minori-baba-nghe-nhan-amezaiku
    Minori Baba trở thành nghệ nhân làm kẹo Amezaiku nhờ ký ức thời thơ ấu với người cha quá cố.

    Sau sự ra đi của cha, Minori tiếp tục theo học tại trường dạy nghề. Vào năm 21 tuổi, cô bắt đầu kinh doanh một tiệm bánh crepe di động tại các sự kiện và từng đến nhiều nơi khác bên ngoài thành phố Kobe, tỉnh Hyogo. Trong suốt 6 năm mở quầy bán crepe, Minori gặp nhiều khó khăn vì công việc kinh doanh rất áp lực, thậm chí có thời điểm, cô thiếu thốn đến mức bữa ăn qua ngày cũng là điều khó khăn. Cô gầy đi nhiều và có thời điểm chỉ nặng 37kg trong khi chiều cao là 1m57. Ngay lúc ý nghĩ tự tử vụt qua đầu, ký ức cùng cha ngắm nhìn nghệ nhân Amezaiku làm kẹo trong lễ hội mùa hè đã ùa về như ánh sáng cuối con đường hầm, giúp Minori vực dậy bản thân và cố gắng sống tiếp. 

    amezaiku-minoribaba
    Minori Baba từng có ý định chấm dứt cuộc đời nhưng Amezaiku đã giúp cô "hồi sinh".

    Minori xúc động kể lại, đó là vào lễ hội mùa hè tại một ngôi đền ở tỉnh Hyogo, cô đã nắm tay cha mình để cùng đi chơi lễ hội. Khi đến quầy làm kẹo Amezaiku, cô đã say mê xem cảnh nghệ nhân điêu khắc đến nỗi không nghe thấy tiếng pháo hoa xung quanh. Nghệ nhân cho kẹo Mizuame (水飴) ngọt ngào và đặc quánh vào đầu một chiếc que, rồi sử dụng kéo để cắt và tạo hình thành chú chim nhỏ có đôi cánh sải rộng. Minori kinh ngạc không thể tin vào mắt mình vì chỉ trong vài chục giây, một con vật xinh xắn đã được tạo ra từ bàn tay của người nghệ nhân. Viên kẹo sáng lấp lánh tuyệt đẹp bên dưới ánh đèn của quầy hàng đã trở thành ký ức khó phai giữa Minori và cha. 

    Amezaiku (あめ細工) là nghệ thuật làm kẹo truyền thống của Nhật Bản, xuất hiện lần đầu tiên vào thế kỷ 8 nhưng đến thời Edo mới thật sự phổ biến. Để làm ra các tác phẩm điêu khắc kẹo Amezaiku, người nghệ nhân cần chuẩn bị Mizuame – hỗn hợp gồm bột nếp và đường, vo chúng thành cục tròn lớn rồi đem luộc chín và để nguội. Đến khi mở quầy bán kẹo trên đường phố, họ làm nóng Mizuame bằng than củi rồi chia thành từng phần nhỏ. Những cục bột được làm nóng đến 80 – 90 độ C rồi được các nghệ nhân dùng tay cùng các dụng cụ như nhíp, kéo để tạo thành nhiều hình dạng đẹp mắt từ động vật đến hoa lá. Nghệ thuật Amezaiku đã trở thành một phần tuổi thơ đẹp đẽ không chỉ của Minori mà còn của nhiều người Nhật khác. Tuy nhiên, hiện nay, loại hình nghệ thuật này đang dần mai một khi số lượng nghệ nhân chỉ còn khoảng 100 người. 

    bieu-dien-lam-keo-amezaiku
    Amezaiku là ký ức đẹp đẽ giữa Minori và cha.

    Khi nhớ lại ký ức này, Minori đã lấy lại niềm tin cuộc sống: “Đã có rất nhiều người mất trong trận động đất dù họ luôn khao khát được sống. Thay vì ra đi lúc này, tôi muốn cố gắng trở thành người mang lại cảm giác phấn khích, vui vẻ cho người khác như cách mà tôi đã từng được cảm nhận từ nghệ nhân làm Amezaiku”. Ngay lúc đó, cô quyết định học làm Amezaiku và đặt mục tiêu thử làm 1.000 tác phẩm điêu khắc kẹo. 

    Hành trình trở thành nghệ nhân làm kẹo Amezaiku 

    Dựa vào những ký ức thời thơ ấu của mình, năm 2006, Minori bắt đầu hành trình nghiên cứu để học cách làm ra chất lỏng Mizuame – linh hồn của nghệ thuật Amezaiku, cũng như cách tạo hình trên một khối Mizuame nóng đến 90 độ C. 

    Năm 2007, Minori Baba lần đầu tiên biểu diễn nghệ thuật làm kẹo Amezaiku tại một khu phố mua sắm của tỉnh Hyogo và nhận được sự hưởng ứng từ nhiều người. Những đứa trẻ ngồi yên lặng và chăm chú vào các tác phẩm của cô, và điều này đã tiếp thêm cho cô sức mạnh. Để tạo nét riêng cho phần biểu diễn của mình, Minori thêm tiết mục hát trong lúc điêu khắc kẹo. Đồng thời, mỗi ngày cô đều cố gắng để thành thục hơn kỹ năng làm kẹo và sáng tạo ra nhiều loại kẹo Amezaiku với hình thù khác nhau. Không dừng lại ở việc biểu diễn trong nước, Minori cũng từng lưu diễn nhiều nơi trên thế giới như Thái Lan, Singapore. 

    keo-amezaiku
    Minori không ngừng thử thách bản thân với nhiều mẫu kẹo Amezaiku khác nhau. 

    Nhờ nỗ lực không ngừng nghỉ, Minori đã tham gia trình diễn khoảng 70 lần trong các sự kiện mỗi năm. Tuy nhiên, một lần nữa, số phận lại thử thách Minori. Vào năm 2015, cô phát hiện mình có khối u tại thanh quản nhưng may mắn đó là một khối u lành tính. Minori trải qua ba lần phẫu thuật, nhưng niềm đam mê cống hiến cho nghệ thuật Amezaiku vẫn chảy trong cô, vì vậy cô vẫn tiếp tục hát và biểu diễn làm kẹo sau phẫu thuật. Tuy nhiên, vì sức khoẻ có hạn, số lần biểu diễn mỗi năm của cô đã giảm đi một nửa so với trước. 

    minori-baba-tham-gia-su-kien
    Minori từng biểu diễn khoảng 70 lần tại các sự kiện mỗi năm cả trong và ngoài nước.

    Không dừng lại ở nghệ thuật Amezaiku, tháng 7 năm 2018, Minori đã xuất bản cuốn tự truyện về chính cuộc đời mình mang tên 「まだ大丈夫」が「もうダメ」に変わる前にあなたに伝えたい心からのメッセージ (tạm dịch: Thông điệp gửi đến bạn từ trái tim trước khi chuyển từ trạng thái "Vẫn ổn" sang "Đã quá đủ"). Cô chia sẻ: "Hơn nửa cuộc đời tôi phải đối mặt với căn bệnh biếng ăn, động đất, cô đơn, tuyệt vọng và từng có ý định quyên sinh. Tuy nhiên, bài học từ những điều này chính là kho báu. Tôi viết ra cuốn sách vì muốn truyền tải thông điệp đến với mọi người rằng những đau khổ và lo lắng rồi sẽ biến thành hạnh phúc". Ngoài ra, vào tháng 10 năm 2018, Minori đã thành lập một studio chụp ảnh có tên "STUDIO GRACE" với một người chuyên quay phim trong khuôn viên đền Kai ở Tarumi, thành phố Kobe. Cuộc sống của Minori dần chuyển từ gam màu xám sang nhiều màu sắc rực rỡ vì bản thân cô đã đem niềm vui đến cho người khác bằng tài năng và tấm lòng nhân hậu của mình. 

    Tuy vậy, kể từ tháng 2/2020 đến nay, khi dịch COVID-19 ập tới, Minori Baba đã không thể tham gia bất kỳ sự kiện nào để biểu diễn nghệ thuật làm kẹo Amezaiku, cũng như khối lượng công việc tại studio chụp ảnh chỉ bằng 20% so với năm 2019. Nhưng Minori không hề tỏ ra bất lực trước khó khăn do dịch bệnh mang lại, vì vào những khoảng thời gian tưởng chừng mọi thứ rơi vào bế tắc, cô đã tìm ra ánh sáng nhờ việc bắt đầu học Amezaiku. Thay vào đó, khoảng tháng 10/2020, cô đã thực hiện việc dạy ngôn ngữ ký hiệu cũng như biểu diễn các bài hát bằng ngôn ngữ này để mang lại niềm vui cho những người đang gặp khó khăn trong việc nói chuyện trên kênh Youtube STUDIO GRACE

    minori-baba-xuat-ban-sach
    Minori xuất bản sách về cuộc đời mình, mở studio và thực hiện các video dạy ngôn ngữ ký hiệu. 

    Nói về những bước ngoặt và dấu ấn cá nhân hiện tại của mình, Minori chia sẻ: “Khởi đầu của tất cả những điều này là nhờ vào ký ức về quầy kẹo Amezaiku mà tôi đã cùng cha chiêm ngưỡng trong lễ hội mùa hè năm đó. Tất cả những gì tôi có thể làm lúc này là nói lời cảm ơn ông”. Như mọi năm, cứ vào ngày 17/01 – ngày kỷ niệm trận động đất Kobe năm 1995, cô đều chắp tay cầu nguyện tại nhà để tưởng người cha đã mất cùng những nạn nhân của trận động đất.

    Xem thêm: Shinri Tezuka, người bảo tồn Amezaiku

    kilala.vn 

    05/07/2021

    Bài: Rin
    Ảnh: Minori Baba

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!