Khách nước ngoài hào hứng với nghệ thuật làm thức ăn giả của Nhật Bản
Từ công cụ thương mại đơn thuần, những mô hình thức ăn giả "shokuhin sampuru" ngày nay đã trở thành một nét văn hóa độc đáo đầy mê hoặc của đất nước mặt trời mọc.
Không chỉ là công cụ minh họa
“食品サンプル” (shokuhin sampuru) là tên gọi chung để chỉ các mô hình món ăn làm bằng nhựa, được trưng bày trong tủ kính ở các quán ăn Nhật Bản để minh họa trực quan thực đơn, giúp khách hàng có thể dễ dàng nhận biết món ăn và chọn lựa.
Phương pháp minh họa bằng shokuhin sampuru bắt đầu thịnh hành ở xứ sở Phù Tang vào đầu những năm 1920, khi việc ăn uống ở hàng quán trở nên phổ biến. Mặt khác, khi làn sóng văn hóa và tư tưởng phương Tây du nhập vào Nhật Bản, các mô hình thức ăn cũng được sử dụng rộng rãi hơn nhằm giúp giới thiệu những món ăn phương Tây xa lạ đến người Nhật.
Năm 1931, Takizo Iwasaki, một người gốc Gifu đã quyết định thương mại hóa shokuhin sampuru. Kể từ đó, nó đã phát triển thành ngành công nghiệp triệu đô và được xem là một hình thức nghệ thuật đầy tính sáng tạo.
Người nước ngoài hứng thú với shokuhin sampuru
Hiện nay, các lớp học thực hành tạo ra shokuhin sampuru do Tập đoàn Iwasaki tổ chức tại Nhật Bản đặc biệt thu hút các khách du lịch ngoại quốc.
Trước kì nghỉ 5 tuần tại Nhật Bản vào mùa thu, Daniel Bucheli, một giám đốc bán hàng đến từ Thụy Sĩ đã đặt chỗ tại buổi workshop ở một cửa hàng do Iwasaki điều hành tở Tokyo. Anh cho biết mình muốn thử một trải nghiệm văn hóa mà chỉ có thể thực hiện ở Nhật Bản.
“Oishii-sou!”, Daniel thốt lên trong khi giả vờ cắn vào món tempura bí ngô mà mình đã làm. Câu này có nghĩa là “trông ngon quá!” trong tiếng Nhật.
Sam Li, đến từ Hong Kong, chia sẻ sau khi lần đầu thử làm shokuhin sampuru: "Tôi đã gửi cho con gái 14 tuổi của mình một bức ảnh và con bé nói rằng muốn thử. Tôi chắc chắn sẽ đưa con bé đến đây vào lần ghé thăm Nhật Bản tới", anh nói.
Magnus Wattman (49 tuổi), một nhà thiết kế đồ họa đến từ Thụy Điển, đã tìm kiếm "cửa hàng thực phẩm giả" trên Google và tìm thấy cửa hàng này. Mua một miếng bánh mì nướng ăn dở, chuối và trứng lòng đào, anh cho biết: “Tôi nghĩ, ồ trông thật quá, đây sẽ là món quà lưu niệm tuyệt vời”.
Ariel Shitrit, một cậu bé 13 tuổi từ Israel đến Nhật Bản cùng cha, cũng nằm trong số những người bị mê hoặc bởi các tác phẩm đầy màu sắc này sau khi nhìn thấy chúng trên TikTok.
"Cháu đã thấy cách làm mô hình thức ăn trên TikTok và muốn đến cửa hàng này. Ở đất nước Isarel của cháu không có thứ giống như vậy", Ariel kể lại.
Vào tháng 10 năm nay, tại London đã diễn ra một triển lãm giới thiệu lịch sử, văn hóa và nghề thủ công “shokuhin sampuru”. Ở đó, khách tham quan được chiêm ngưỡng khoảng 150 mô hình các món ăn ngon của Nhật Bản, bao gồm 47 mô hình món ăn từ 47 tỉnh thành của Nhật Bản, do Tập đoàn Iwasaki thực hiện.
Khó khăn của ngành sản xuất shokuhin sampuru
Bất chấp sự thích thú của du khách nước ngoài, ngành sản xuất shokuhin sampuru vẫn đang gặp khó khăn do nhu cầu tại Nhật Bản đối với các sản phẩm này ngày càng giảm.
Ông Hiroaki Miyazawa, giám đốc một nhà máy sản xuất ở Yokohama do tập đoàn Iwasaki điều hành giải thích: “Mô hình thức ăn vẫn được sử dụng tại các nhà hàng nằm trong các trung tâm thương mại nhưng không được sử dụng nhiều tại các nhà hàng trên phố".
Ông nói thêm rằng, tốc độ đóng mở của các nhà hàng hiện nay đã khiến việc sử dụng shokuhin sampuru ít đi.
Mặt khác, trong những thập kỷ gần đây, văn hóa ẩm thực phát triển ngày càng đa dạng, các món ăn nước ngoài ngày càng phổ biến khiến việc sản xuất mô hình trở nên khó khăn và tiêu tốn thời gian hơn đối với thợ thủ công.
Để ứng phó với nhu cầu giảm từ các nhà hàng, nơi chiếm phần lớn doanh thu của công ty, Iwasaki đã tìm kiếm các thị trường tiềm năng khác. Họ đang phát triển mô hình của các loại cây trồng như rau và trái cây để sử dụng trong việc đào tạo lao động nước ngoài hoặc lao động tạm thời.
Xem thêm: Những mô hình thức ăn giả của nghệ nhân người Nhật
kilala.vn
Nguồn: Kyodo
Đăng nhập tài khoản để bình luận