Kaomoji - Những biểu tượng cảm xúc đáng yêu
Khi trò chuyện qua email hay tin nhắn với người Nhật, nhất là những người trẻ, bạn sẽ thấy họ có một thói quen rất dễ thương đó là thường sử dụng những biểu tượng cảm xúc (Kaomoji) trong văn bản của mình.
Kaomoji (顔文字) là biểu tượng cảm xúc dùng trong văn bản viết thể hiện những biểu cảm trên gương mặt, được tạo ra bằng cách kết hợp các dấu câu, con số hoặc chữ viết. Kaomoji bắt đầu phổ biển ở Nhật từ năm 1986. Ý nghĩa của những Kaomoji này ngoài việc làm cho cuộc trò chuyện trở nên sống động và đáng yêu hơn, nhiều người còn cho rằng nó giúp truyền tải những cảm xúc không thể thể hiện qua câu chữ. Đó cũng chính là lý do người ta tạo ra những biểu tượng đáng yêu này.
Nguồn gốc của những biểu tượng cảm xúc
Nếu quay ngược về nguồn gốc sâu xa của Kaomoji thì nó không hoàn toàn bắt nguồn từ Nhật Bản. Có rất nhiều giả thuyết về việc ai là người đầu tiên sử dụng những biểu tượng cảm xúc trong văn bản viết.
Có giả thuyết cho rằng, biểu tượng cảm xúc được sử dụng lần đầu vào năm 1648 trong bài thơ “To Fortune”. Thi hào Robert Herick đã thêm hai kí tự ":)" vào cuối câu thơ thứ hai và nhiều người cho rằng đó là biểu tượng mặt cười.
Một giả thuyết khác là người đánh chữ cho bài phát biểu của Tổng thống Abraham Lincoln đã bị phân tâm khi đánh đến phần ghi chú trong lúc phát biểu, điều này vô tình tạo thành biểu tượng mặt cười ":)".
Tuy nhiên còn một giả thuyết khác là nhà khoa học máy tính Scott Man đã sử dụng biểu tượng cảm xúc trong một email ông gửi vào ngày 19/9/1982. Trong email, ông đã đề xuất là để phân biệt nội dung bài đăng thì hãy sử dụng ":-(" cho những bài đăng nghiêm túc và ":-)" cho những câu chuyện cười. Vì câu chuyện này được khá nhiều người biết đến nên người ta cho rằng ông là người đầu tiên sử dụng những biểu tượng cảm xúc trong văn bản.
Phân biệt giữa những bộ biểu tượng cảm xúc
Thực tế là so với Kaomoji thì Emoji và Emoticon được biết đến và sử dụng rộng rãi hơn. Vậy ba bộ cảm xúc này có gì khác nhau?
“Emoji” (絵文字) là từ tiếng Nhật, chỉ những biểu tượng cảm xúc được thể hiện bằng hình ảnh cụ thể. Emoji được ghép từ “E” (絵) nghĩa là bức tranh và “moji” (文字) nghĩa là chữ viết, nếu dịch theo sát nghĩa thì Emoji là "tranh được sử dụng như chữ viết". Những Emoji này bắt đầu được sử dụng rộng rãi từ những năm 1990, khi các văn bản trên thiết bị điện tử bị giới hạn số lượng ký tự, tối đa chỉ được dùng 250 ký tự thì nhiều người đã dùng Emoji để tiết kiệm chữ viết vừa có thể truyền tải được cảm xúc. Emoji thường thấy nhất là biểu tượng gương mặt màu vàng với nhiều cảm xúc vui nhộn, thú vị. Bộ biểu tượng Emoji được tích hợp trong hầu hết các ứng dụng tin nhắn, mạng xã hội hoặc trình duyệt và tùy ứng dụng mà đồ họa cũng hơi khác nhau.
Nếu Emoji được thể hiện bằng hình ảnh thì Kaomoji và Emoticon chỉ là kết hợp những ký tự dấu câu, số, chữ viết để thể hiện biểu cảm của gương mặt. Emoticon được tạo ra bằng những ký tự Latin và thường là được đọc theo chiều ngang, còn Kaomoji thì ngoài những ký tự Latin còn sử dụng thêm nhiều ký tự trong bảng chữ khác và được đọc theo chiều dọc.
Nếu bạn để ý sẽ thấy Kaomoji tập trung biểu hiện cảm xúc bằng phần mắt nhiều hơn là phần miệng, điều này bắt nguồn từ văn hóa Nhật Bản, cũng giống như người Việt, người Nhật cũng xem "Đôi mắt là cửa sổ tâm hồn" nên họ rất quý trọng những cảm xúc từ đôi mắt. Emoji và Emoticon thường thể hiện phần mắt rất đơn giản, mọi biểu cảm tập trung chủ yếu vào phần miệng. Hơn nữa, ngoài gương mặt thì Kaomoji còn có thêm những ký tự mô tả hoạt động tay chân, có lẽ cũng vì vậy mà so với hai bộ còn lại thì những biểu tượng của Kaomoji có phần đa dạng hơn.
Với xu hướng hiện nay thì nhiều người thích sử dụng Kaomoji hơn vì sự đáng yêu và hài hước của nó. Có rất nhiều trang web về Kaomoji, bạn chỉ cần search từ khóa “Kaomoji” là sẽ xuất hiện hàng chục trang web, để sử dụng nó thì bạn chỉ cần chọn biểu tượng mình thích rồi “copy và paste” vào văn bản viết là được. Bàn phím điện thoại có tích hợp sẵn bộ biểu tượng Kaomoji nhưng để sử dụng được thì bạn phải chuyển sang bàn phím tiếng Nhật hoặc tiếng Trung.
Top 3 Kaomoji được dùng nhiều nhất ở Nhật Bản và Việt Nam
21/07/2020
Bài: Quỳnh Trịnh
Ảnh: PIXTA
Đăng nhập tài khoản để bình luận