Jigoku Tayu - truyền thuyết về nàng kỹ nữ địa ngục
Vào thời Edo, không khó để bắt gặp hình ảnh một cô gái xinh đẹp trong bộ kimono màu đen với họa tiết đáng sợ trên những bức tranh phù thế (ukiyo-e). Đó là Jigoku Tayu - nàng kỹ nữ địa ngục trong văn hóa dân gian Nhật Bản.
Jigoku Tayu là ai?
Jigoku Tayu (Tayu “địa ngục”) là một kỹ nữ xinh đẹp, thường mặc bộ kimono màu đen có họa tiết là một bức tranh mô tả Địa ngục trong thần thoại Nhật Bản. Là một kỹ nữ với danh vị Tayu, cấp bậc cao nhất trong các kỹ nữ Oiran, nàng nổi danh bởi sắc đẹp, tài năng và trí tuệ của mình.
Truyền thuyết về Jigoku Tayu lần đầu xuất hiện vào thời Edo (1603-1868), trong tác phẩm Ikkyu Kanto Banashi (一休関東話). Được đặt trong bối cảnh thời kỳ Muromachi, câu chuyện của nàng gắn liền với giai thoại về cuộc gặp gỡ với thiền sư Ikkyu và từ đó đạt được giác ngộ.

Câu chuyện về nàng kỹ nữ đáng thương
Theo truyền thuyết, Jigoku Dayu vốn có tên là Otoboshi, là con gái của một samurai ở Sakai - một thương cảng thịnh vượng thời Muromachi (1336-1573). Sau khi gia đình gặp biến cố, cha bị sát hại, cô đã cùng người nhà chạy trốn lên núi nhưng bị bọn cướp phục kích. Otoboshi bị bắt rồi bị bán cho một nhà thổ ở Sakai.
Với tài trí và sắc đẹp của mình, cô nhanh chóng đạt được danh vị Tayu - kỹ nữ cấp cao nhất tại khu phố đèn đỏ. Nàng tin rằng, những bất hạnh mình đang gánh chịu là nghiệp chướng từ kiếp trước. Đó cũng là lúc nàng tự chọn cho mình cái tên “Jigoku”, nghĩa là “địa ngục”, như một sự mỉa mai cho vận mệnh nghiệt ngã của mình. Đồng thời, nàng cũng khoác lên mình chiếc kimono được thêu những cảnh tượng dưới địa ngục với hình ảnh Enma Đại Vương và những linh hồn đau khổ bị trừng phạt.
Là một danh kỹ, nàng có thể nhanh chóng mê hoặc những vị khách bởi sự tao nhã và duyên dáng của mình. Nhưng mỗi ngày, giữa ngọn đèn hồng chốn thanh lâu, nàng vẫn kiên trì niệm Phật với hy vọng sẽ được cứu rỗi khỏi nghiệp chướng.
Bước ngoặt xảy đến khi nàng có cơ hội gặp gỡ thiền sư Ikkyu Sojun (一休宗純). Truyền thuyết kể rằng, khi thiền sư Ikkyu đến kỹ viện để trò chuyện với Jigoku Tayu, nàng đã đạt được giác ngộ và trở thành đệ tử của ông sau này.

Nguồn cảm hứng bất tận của hội họa đương thời
Hình tượng Jigoku Tayu đã trở thành nguồn cảm hứng cho rất nhiều tác phẩm hội họa thời Edo và Minh Trị. Những tác phẩm nổi bật có thể kể đến như tranh của Kawanabe Kyosai hay Tsukioka Yoshitoshi, miêu tả Jigoku Tayu khi thì giữa chốn yên tĩnh như đang thiền, khi thì đứng giữa địa ngục cùng nhiều bộ xương trắng xung quanh.

Trong hầu hết các tác phẩm, cô đều mặc chiếc kimono thêu cảnh địa ngục. Tuy nhiên trong một bức vẽ nổi tiếng khác của Kyosai, hoạ tiết của bộ kimono đã được thay đổi thành những báu vật đại diện cho Thiên đường, như vàng bạc, trang sức và những nhánh san hô đỏ. Thêm vào đó, trên áo choàng và obi của nàng còn có hình ảnh Thất Phúc Thần - Bảy vị thần may mắn trong văn hóa Nhật Bản, ngụ ý may mắn và phước lành sẽ đến.

Biểu tượng của sự giác ngộ đầy tính nhân văn
Jigoku Tayu đóng vai trò như một biểu tượng giao thoa giữa thế tục và cõi tịnh độ. Câu chuyện về nàng chính là hiện thân cho một triết lý quan trọng của Phật giáo Thiền tông Nhật Bản, rằng con người ta có thể tìm thấy sự tỉnh thức ngay cả khi đang ở trong hoàn cảnh ngặt nghèo nhất. Hay nói cách khác, ta có thể đạt được giác ngộ dù đang ở giữa chốn địa ngục.
Quan điểm này được thể hiện trong giai thoại về cuộc đối đáp giữa nàng và thiền sư Ikkyu. Khi nàng đặt câu hỏi vì sao một nhà sư lại đến nơi này, thiền sư Ikkyu đã trả lời bằng một bài thơ, ngụ ý rằng chỉ cần tâm tỉnh thức, đâu cũng là nơi thanh tịnh.
Cùng với đó, cái chết của Jigoku Tayu trong truyền thuyết cũng là biểu tượng cho sự giác ngộ hoàn toàn, khi nàng để lại một bài thơ từ thế thể hiện lòng từ bi qua sự hiện diện cuối cùng trên cõi đời này:
“我死なば
焼くな埋むな
野に捨てて
飢えたる犬の
腹をこやせよ”
Tạm dịch
“Khi tôi chết
Đừng thiêu hay chôn vùi
Hãy ném vào cánh đồng
Để tôi làm no
Những con chó đói”
kilala.vn
Đăng nhập tài khoản để bình luận