Itako: Những bà đồng cuối cùng ở Nhật Bản
Tại tỉnh Aomori, Itako là những bà đồng - thường là người mù, họ được biết đến như trung gian giúp linh hồn của người đã khuất có thể giao tiếp với người dương. Là một nghề có lịch sử lâu đời, nhưng hiện tại, Itako đang đối mặt với khủng hoảng vì không có người để truyền dạy cũng như kế thừa.
Một số người nước ngoài sống tại Nhật Bản có ấn tượng rằng người dân ở đây không sùng đạo, nhưng nếu quan sát kỹ cuộc sống hằng ngày của họ, có thể thấy được người Nhật là một trong những dân tộc sùng đạo nhất thế giới. Minh chứng rõ nét chính là việc trở về nhà vào lễ Obon mùa hè để bày tỏ lòng thành kính trước mộ phần tổ tiên.
Hay thói quen nói câu “Itadakimasu” trước khi ăn cũng là một cách bày tỏ lòng biết ơn với vô số Kami (vị thần) và sám hối trước những sinh vật sống đã hy sinh để trở thành thức ăn cho con người. Vào mỗi năm, các nhà sản xuất thuốc diệt côn trùng tại Nhật còn tổ chức lễ cầu siêu cho gián và ruồi mà các sản phẩm của họ đã tiêu diệt.
Ukai Hidenori, nhà sư thuộc phái Jodo tại chùa Shogaku-ji, Kyoto cũng là một cây bút về tôn giáo cho biết: “Mang sự pha trộn giữa thuyết vạn vật hữu linh, Phật giáo, Thần đạo, Nho giáo cùng nhiều tín ngưỡng khác, niềm tin của người Nhật khác nhau theo từng vùng miền, vì vậy khó mà đưa ra kết luận ngắn ngọn. Nhưng nếu muốn đơn giản hóa, thì thực chất, nó dựa vào thờ cúng thiên nhiên và tưởng nhớ ông bà tổ tiên”.
Chính đức tin này đã biến Nhật trở thành vùng đất sản sinh ra các bà đồng gọi là “Itako”.
Itako - kết nối linh hồn với người dương
"Itako - イタコ" là những phụ nữ mù được đào tạo để trở thành đồng cốt ở Nhật Bản. Quá trình đào tạo bao gồm các thực hành khổ hạnh khắc nghiệt, sau đó người phụ nữ được cho là có thể giao tiếp với thần linh và linh hồn của người chết. Các Itako thường được cho là gắn liền với ngọn núi Osore ở tỉnh Aomori.
Itako ở Aomori được biết đến nhiều nhất với nghi lễ “口寄せ – Kuchiyose”, nghĩa là các bà đồng sẽ triệu hồi linh hồn người đã khuất và để họ nhập vào cơ thể, truyền tải lời nói đến người sống.
Học giả về tôn giáo Yamaori Tetsuo cho rằng niềm tin vào thuyết linh hồn và thể xác, cho rằng linh hồn vẫn tồn tại sau khi con người mất đi, chính là nền tảng cho quan niệm về sự sống và cái chết của người Nhật. Đây chính là nguyên nhân đằng sau nghi thức niệm chú của các Itako để gọi hồn tổ tiên tại bia mộ trở về nhà.
Trong lễ Obon, người Nhật thường gắn thêm que làm chân cho dưa chuột và cà tím để biến chúng trở thành ngựa và bò, giúp đưa tổ tiên từ thế giới bên kia về dương gian. Hay Gozan no Okuribi, lễ tiễn đưa linh hồn người đã khuất trở về cõi âm bằng hoạt động đốt lửa ở năm ngọn núi tại Kyoto vào ngày 16/07 hằng năm cũng là một tục lệ có ý nghĩa dẫn dắt linh hồn từ những ngôi nhà khác nhau trở về núi.
Người Nhật tin rằng sau khi linh hồn người chết rời khỏi cơ thể, họ sẽ được thanh tẩy nhờ lễ vật con cháu dâng cúng và trở thành Kami trong lễ cầu siêu cuối cùng, được tổ chức vào ngày giỗ thứ 32 hoặc 49. Trước đó, những linh hồn này sống ở các vùng núi, trở về nhà vào lễ Obon, dịp Tết Oshogatsu, dịp Higan trong suốt tiết Xuân phân và Thu phân. Ở các vùng biển, linh hồn được tin rằng sẽ cư ngụ ở biển.
Cũng có thể chính niềm tôn kính cổ xưa với những ngọn núi đã dẫn đến quan niệm linh hồn người chết sẽ trú ngụ trên núi. Việc giao tiếp giữa linh hồn và người dương thông qua Itako là một biểu hiện cho thấy niềm tin này đã ăn sâu vào văn hóa Nhật Bản.
Để trở thành một Itako
Hiện nay, hầu hết các Itako đều gắn liền với nghi lễ gọi hồn Kuchiyose, nhưng ban đầu họ lại hoạt động như một cố vấn tâm linh địa phương, đưa ra lời khuyên cho phụ nữ trong vùng về mối quan hệ giữa mẹ chồng – nàng dâu, vợ chồng và những vấn đề sức khỏe khác.
Nước Nhật thời cổ đại cũng tồn tại những Miko đảm nhiệm vai trò truyền tải lời nói của Kami và những người đã khuất. Các nữ pháp sư được gọi là Yuta ở Okinawa và Amami, hay Tuskur trong bộ tộc Ainu, hoặc Kamisama và Gomiso ở nhiều vùng của Tsugaru, tỉnh Aomori.
Itako khác với các pháp sư trên bởi họ có được những kỹ thuật thông qua huấn luyện tâm linh. Trong khi Yuta và Kamisama thường đột nhiên được một vị Kami nhập vào thân thể, thì Itako phải trải qua quá trình học việc với một người thầy giàu kinh nghiệm trong nhiều năm liền.
Điều này có nghĩa là một Itako cần có chứng chỉ thành thạo nghề của mình, gọi là Odaiji (ống tre chứa một phần câu chú, đeo sau lưng để xua đuổi linh hồn quỷ dữ), cũng như một chuỗi hạt Irataka nhận từ thầy của họ. Irataka được xâu lại với nhau cùng nanh lợn rừng, sừng hươu để tránh ma quỷ và những đồng xu cũ để trả lộ phí qua sông Sanzu khi muốn đến thế giới bên kia.
Trở thành ánh sáng cho phụ nữ mù
Thời xưa, Tohoku từng là vùng nghèo nàn về thức ăn, cùng với điều kiện
vệ sinh kém khiến một số trẻ bị mất thị lực sau khi mắc phải bệnh sởi. Làm
thế nào để hỗ trợ những người như vậy là một vấn đề lớn của xã hội. Từ đó, đàn
ông Nhật bị mù có xu hướng hành nghề châm cứu, phép đốt ngải cứu, xoa bóp
và chơi đàn Shamisen, còn phụ nữ mù sẽ trở thành Itako và tham gia vào
các nghi lễ trong Thần đạo.
Xem thêm: Người mù Nhật Bản từng là chủ nợ của các Samurai thời Edo
Khi nhu cầu cần một người trung gian làm cầu nối giữa người sống và người chết tăng cao, nhiều cô gái mù đã gia nhập giới Itako và "bà đồng" trở thành một nghề chính thức ở các vùng Nanbu, Tsugaru. Trong khoảng những năm 50 đến 70 của thế kỷ 20, có hàng chục Itako hành nghề ở Nanbu.
Nhiều người Nhật tin rằng có mối liên hệ giữa Itako với vùng núi Osore, tỉnh Aomori, nơi có ngọn núi lửa đang hoạt động và hồ miệng núi lửa được coi là một trong những nơi linh thiêng nhất nước Nhật. Các Itako thường đi đến núi Osore vào mùa hè và mùa thu khi các lễ hội lớn diễn ra để tìm kiếm khách hàng. Những nơi mà các Itako tập hợp lại với nhau, như ở Osore thì được gọi là Itakomachi.
Itako cũng tụ hội ở các địa điểm truyền thống khác của Aomori bao gồm chùa Kawakura Sainokawara Jizouson ở Goshogawara, Terashita Kannon ở Hashikami và Houun-ji ở Oirase. Các Kamisama và những pháp sư khác cũng tham gia vào những cuộc tụ họp này.
Những Itako cuối cùng của Nhật Bản
Ngày nay, nghề Itako đang đối mặt với mối đe dọa về sự kế thừa. Chỉ một số ít bà đồng được công nhận theo truyền thống lịch sử và bà Nakamura Take, nay đã ngoài 90, là Itako mù duy nhất. Ngoài ra, Matsuda Hiroko đang ở tuổi ngũ tuần, người được mệnh danh là “Itako cuối cùng” cũng không nhận đệ tử. Do vậy, trong một thời gian dài đã không có Itako nào trở thành người truyền dạy.
Trong thập kỷ vừa qua, nhiều Itako đã nghỉ hưu hoặc qua đời. Trong khi Hiệp hội tỉnh Aomori vẫn đang nỗ lực bảo tồn truyền thống Itako, thì việc chăm sóc y tế được cải thiện đồng nghĩa với ít trẻ em bị mất thị lực do bệnh sởi, lựa chọn nghề nghiệp cũng đa dạng hơn, nên ngày càng khó khăn để tìm được Itako tiềm năng cho tương lai. Dù có thể sẽ có nhiều Itako tự xưng nhưng những bà đồng được đào tạo bài bản theo truyền thống lại đứng trước nguy cơ mai một.
kilala.vn
23/02/2023
Bài: Rin
Nguồn: Nippon
Đăng nhập tài khoản để bình luận