Hochigo: những đứa trẻ bị bỏ rơi trong xã hội Nhật Bản

    Hình ảnh các bé học sinh tiểu học Nhật Bản tự mình đi học, đi chơi, về nhà,… luôn là một hình ảnh đáng ngưỡng mộ về tính tự lập. Nhưng bạn có biết, đôi khi đằng sau đó là một hiện tượng đáng buồn mang tên “Hochigo” – những đứa trẻ lang thang dù vẫn còn đầy đủ cha mẹ?

    những đứa trẻ bị bỏ rơi trong xã hội Nhật Bản
    Ảnh: limo.media

    Hochigo là ai?

    Dịch theo nghĩa đen, Hochigo (放置子) là những đứa trẻ bị bỏ mặc, không ai để ý tới. Nhiều người có thể lầm tưởng Hochigo với trẻ mồ côi, nhưng các Hochigo thường vẫn còn đầy đủ cha mẹ. Tuy vậy, chúng lại không được người thân quan tâm săn sóc nên hay lang thang một mình sau giờ học. Các Hochigo chủ yếu là học sinh tiểu học, bởi khi lên trung học, những đứa trẻ sẽ có nhiều mối quan hệ hơn cũng như có nhiều địa điểm vui chơi khác hơn (các quán café net, tiệm karaoke, trung tâm trò chơi,…)

    Đặc điểm của Hochigo – những đứa trẻ lang thang

    Những Hochigo thường sẽ hay được bắt gặp lang thang ở các công viên, một phần vì công viên ở Nhật là nơi các gia đình sẽ đưa con nhỏ tới chơi. Do đó, Hochigo có thể “trà trộn” vào những đứa trẻ này để kết bạn và chơi đùa thoải mái mà không sợ bị người khác dò hỏi hay bị người xấu lừa gạt. Chưa kể, công viên còn là địa điểm lý tưởng để Hochigo tìm kiếm một gia đình “phù hợp” với mình.

    hochigo
    Ảnh: thejakartapost.com

    Đúng vậy, chính vì Hochigo là những đứa trẻ bị cha mẹ bỏ mặc, không được quan tâm chăm sóc nên chúng sẽ tìm kiếm tình thương ở những gia đình khác. Đó có thể là gia đình của bạn cùng lớp, bạn chơi cùng trong công viên, hoặc đơn giản là một gia đình nào đó “bắt mắt” với chúng. Trong nhiều trường hợp, những Hochigo sẽ tự tiện vào nhà người lạ, mở tủ lạnh lấy đồ ra ăn uống, thậm chí còn ở lại đến tối muộn mới rời đi và lại quay trở lại vào ngày hôm sau. Nhiều gia đình lúc đầu nghĩ rằng Hochigo là bạn bè của con mình nên đã tiếp đãi nhiệt tình, nhưng sau khi nhận ra sự thật thì đã quá muộn. Lúc ấy, dù có bị đuổi bị mắng cỡ nào, các Hochigo vẫn sẽ ở lì trong nhà, dứt khoát không chịu rời đi. Thậm chí nếu có gọi cho cha mẹ những Hochigo ấy thì cũng chỉ nhận được câu trả lời: “Mấy người cố mà đuổi nó đi!”. Và dù cho có buộc được Hochigo bỏ đi thì những đứa trẻ đáng thương ấy cũng sẽ nhanh chóng tìm kiếm “gia đình” mới cho mình.

    Đôi lúc, hiện tượng này còn trở nên biến tướng hơn nữa khi những Hochigo này bắt đầu đòi hỏi nhiều hơn. Thay vì chỉ lặng lẽ vào nhà và ăn uống, chúng bắt đầu đòi hỏi người lớn trong nhà như thể đó là bố mẹ chúng. Thậm chí, còn có trường hợp Hochigo đe dọa chính đứa con của gia đình nhằm “tu hú chiếm tổ”.

    những đứa trẻ lang thang
    Ảnh: blog.livedoor.jp

    Vì sao Hochigo lại xuất hiện?

    Có nhiều lời giải thích cho hiện tượng này, nhưng một trong những lý do được số đông tán thành chính là sự thay đổi trong các gia đình thời hiện đại. Nếu ngày trước, những bà mẹ sẽ ở nhà quán xuyến việc nội trợ thì giờ đây, ngày càng có nhiều gia đình mà cả cha và mẹ đều đi làm. Hơn nữa, đa số gia đình hiện đại đều không sống cùng với ông bà nên những đứa trẻ ở độ tuổi 6-10 khi tan học sẽ không có ai đợi chờ ở nhà, buộc phải ra ngoài tìm bạn chơi cùng. Dần dần về sau, các em sẽ càng có mong muốn tìm một gia đình nào đó để mình “trú tạm” trong lúc cha mẹ chưa về.

    Ngoài ra, nhịp sống thay đổi nhưng một thói quen cũ lại vẫn đang hằn sâu trong nếp nghĩ của người Nhật: sẽ có một người hàng xóm nào đó chăm sóc cho con mình. Điều này khá đúng vào những năm 1980. Bấy giờ, khi bố mẹ bận việc không kịp lo cho con cái, họ sẽ gửi con mình cho một vài người già đơn thân ở xung quanh. Những cụ già ấy sẽ trông coi, và có thể là cho những đứa trẻ ăn nữa, cho đến lúc cha mẹ chúng về nhà. Nhưng giờ đây, mối quan hệ hàng xóm láng giềng không còn thân thiết như trước, không hiếm trường hợp các gia đình chẳng biết hàng xóm ngay cạnh nhà mình là ai.

    hochigo
    Ảnh: akihabara.tokyo

    Tạm kết

    “Trẻ em như búp trên cành”, là đối tượng cần đến sự bảo bọc, chăm sóc nhiều nhất. Nhưng với các Hochigo, ngay cả những quyền lợi cơ bản nhất như ăn uống cũng phải đi tìm kiếm, cầu xin từ người khác. Dù được đánh giá là một quốc gia an toàn để trẻ em rèn luyện tính tự lập từ rất sớm, nhưng nếu cứ tiếp tục bị bỏ rơi như vậy, liệu còn tương lai nào cho những “búp trên cành” này?

    kilala.vn

    27/03/2021

    Bài: Hoàng Ngân Trang

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!