NỘI DUNG BÀI VIẾT

    Hikyaku: Chân dung một “shipper” Nhật Bản thời Edo

    Hikyaku: Chân dung một “shipper” Nhật Bản thời Edo

    Những “đôi chân chạy như bay” thời phong kiến đã làm nên lịch sử của ngành bưu điện Nhật Bản.

    Ngày nay chúng ta có đội quân giao hàng hùng hậu, chịu trách nhiệm vận chuyển hàng hóa, bưu kiện, thư từ đến tận nhà. Quay ngược về quá khứ, nước Nhật từ thế kỷ 12 đã có những người làm công việc tương tự vào thời vẫn chưa có tàu xe. 

    Lịch sử về những “shipper” thời phong kiến

    "Hikyaku" (飛脚 - PHI CƯỚC) nghĩa đen là “đôi chân chạy như bay”. Thuật ngữ này dùng để chỉ những người làm công việc vận chuyển thư từ, tài liệu, bưu kiện dưới sự quản lý của chính quyền Mạc phủ. Nghề nghiệp này bắt đầu hình thành vào thời Kamakura (1185-1333) và phát triển đến đỉnh cao trong thời Edo (1603-1868).

    Trước đó vào thời Asuka (592-710), những người đưa tin của chính quyền được gọi là "Ekishi" (駅使). Họ thường mang theo chiếc chuông đặc biệt là "ekirei" (駅鈴) để phân biệt với dân thường và cho phép họ đổi ngựa tại các trạm bưu điện.

    Vào thời Mạc phủ Kamakura, chính quyền cai trị đã thiết lập nên một hệ thống đưa tin với những người chạy bộ đường dài, cưỡi ngựa để truyền tin từ kinh đô đến vùng Kanto. Giai đoạn này, Hikyaku chỉ phục vụ cho tầng lớp võ sĩ Samurai.

    hikyaku
    Tái hiện một Hikyaku thời Edo mặc khố và mang dép rơm.

     

    Đến thời Edo, Mạc phủ Tokugawa bắt đầu xây dựng đường sá khắp đất nước. Hệ thống trạm bưu điện được thành lập và Hikyaku đã được thể chế hóa như một phương tiện vận chuyển và liên lạc.

    Nhu cầu về dịch vụ chuyển phát tăng mạnh cũng dẫn đến sự ra đời của các tổ chức vận chuyển tư nhân, phục vụ cho người dân. Những tổ chức này hoạt động dưới sự quản lý, cho phép của chính quyền Mạc phủ từ năm 1663.

    Khi chế độ Mạc phủ sụp đổ vào năm 1867, Hikyaku dần biến mất khi bị thay thế bởi hệ thống bưu chính được thành lập dưới triều đại Minh Trị.

    Tốc độ của Hikyaku là bao nhiêu?

    Khoảng cách từ Edo đến Kyoto là khoảng 490km, thường mất khoảng hai tuần để đi bộ, nhưng với Hikyaku chỉ mất từ 60-80 giờ. Nếu tính trung bình, vận tốc của Hikyaku chỉ khoảng 6-8km/h, chậm hơn so với các vận động viên marathon chuyên nghiệp ngày nay (khoảng 16-18km/h).

    Tuy nhiên, điểm đặc biệt của hệ thống Hikyaku là họ có thể chạy cả ngày lẫn đêm. 

    Thời Edo, trên tuyến Tokaido nối Edo và Kyoto có 53 trạm bưu điện (shukuba) và các Hikyaku được bố trí tại những trạm này để chạy tiếp sức. Trung bình, mỗi Hikyaku sẽ chạy khoảng 10km.

    tokaido
    Một bức tranh thuộc bộ tranh "Năm mươi ba trạm nghỉ của Tokaido" của Hiroshige.

    Có thể bạn sẽ nghĩ điều này không quá ấn tượng, tuy nhiên có những yếu tố ngoại cảnh cần phải xem xét.

    Thứ nhất, họ phải đi bộ vượt qua nhiều ngọn núi và băng qua sông. Tất nhiên thời đó không có giày chạy bộ mà chỉ có đôi dép rơm. Ngoài ra, khi chạy vào ban đêm, chắc chắn đường sá không có đèn đường mà chỉ có ánh trăng và ngọn đèn dầu.

    Vì vậy, Hikyaku tuy không nhanh nhưng có thể nói thời gian giao hàng của họ rất ấn tượng. 

    Vì sao Hikyaku không sử dụng ngựa?

    Điều này một phần do cưỡi ngựa là một đặc quyền của samurai vào thời điểm đó, nhưng lý do chính dường như là chi phí.

    Xét đến chi phí cho ngựa ăn và chi phí nhân công cho người phục vụ, sẽ rẻ hơn khi để mọi người chạy theo kiểu tiếp sức. Đường không được trải nhựa như ngày nay nên sẽ thuận tiện hơn khi di chuyển bằng đôi chân qua núi hoặc sông.

    Mặc dù tốc độ chậm hơn so với thời hiện đại nhưng không thể phủ nhận rằng Hikyaku là phương tiện vận chuyển hàng hóa, thư từ nhanh nhất vào thời điểm đó. 

    Chân dung một Hikyaku

    Hikyaku chỉ mặc mỗi chiếc khố và thường xăm trổ toàn thân, vì theo quan niệm lúc bấy giờ, hình xăm kín người là biểu hiện cho sự mạnh mẽ nam tính. 

    Việc mặc khố là để tiện cho việc di chuyển. Họ ít mang đồ dùng, quần áo theo để ưu tiên thư từ, bưu kiện của khách hàng. Đây cũng là “giao diện” để nhận biết Hikyaku với dân thường. 

    Trong hành trình di chuyển, các Hikyaku thường đi theo cặp, hai người sẽ thay phiên nhau khuân kiện hàng, hỗ trợ cho nhau.

    Theo các nhà sử học, Hikyaku thường di chuyển theo phương pháp namba aruki - tay chân vung lên cùng bên, để di chuyển với tốc độ nhanh hơn, ít hao tổn sức lực cho quãng đường dài.

    hikyaku-hokusai
    Bản in khắc gỗ năm 1834 của Katsushika Hokusai mô tả Hikyaku di chuyển theo cặp.

    Các loại Hikyaku

    Trong nghề Hikyaku được chia thành nhiều nhóm ngành với các nhiệm vụ, đối tượng phục vụ khác nhau:

    - Tsugi-bikyaku (継飛脚): người đưa tin, bưu kiện quý cho những quan chức cấp cao của Mạc phủ.

    - Daimyo-bikyaku (大名飛脚): làm việc cho các Daimyo (lãnh chúa phong kiến), thường được giao nhiệm vụ chuyển tin giữa lãnh địa của các lãnh chúa hay đưa tin đến Edo và các nơi cần trao đổi thông tin mật.

    - Kome-bikyaku (米飛脚): chủ yếu nhận chuyển tin về giá gạo từ Sàn giao dịch gạo Dojima ở Osaka đến các lãnh địa kinh doanh có liên quan.

    - Hikyaku tonya (飛脚問屋) hoặc hikyaku-ya (飛脚屋): thường nhận chuyển tin tức, thư từ, hàng hóa theo yêu cầu của mọi người và tính phí tùy theo mỗi dịch vụ vận chuyển.

    - Tooshi-bikyaku (通し飛脚): vận chuyển trực tiếp từ người gửi đến người nhận mà không thông qua bên chuyển tiếp.

    - Machi-bikyaku (町飛脚): đội ngũ Hikyaku của Mạc phủ Tokugawa, phổ biến vào cuối thời Edo. Họ được người dân gọi là “chirin chirin no machi-bikyaku” vì thường gắn liền với hình ảnh người đưa thư phát ra tiếng chuông leng keng mỗi khi di chuyển, cảnh báo đám đông tránh ra. Tiếng chuông này phát ra từ quả chuông trên cây sào gắn ở phía sau thùng đồ mà họ đeo trên lưng, thùng này được sơn bằng mực son nổi bật.

    Hikyaku là cảm hứng cho linh vật cũ (trước 2007) của hãng vận chuyển Sagawa Express và họ cũng có dịch vụ mang tên Hikyaku Express.

    sagawa-hikyaku
    Vào năm 1993, có một tin đồn lan truyền trong giới nữ sinh Nhật Bản rằng nếu ai chạm vào chiếc khố màu đỏ của Hikyaku trên xe tải Sagawa sẽ nhận được may mắn. Ảnh: alicegordenker.wordpress.com

    kilala.vn

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!