Dekochari: Văn hóa độ xe đạp siêu ngầu của Nhật Bản
Sau khi được "độ", một chiếc Dekochari có thể nặng tới hơn 100kg, trông như một “người máy khổng lồ” thực thụ.
Cùng với trào lưu xe tải nghệ thuật Dekotora, Dekochari là phong trào trang trí xe đạp đặc sắc tại Nhật Bản, “ăn theo” Dekotora. Trong đó, xe đạp được “độ” để trở thành cỗ xe khổng lồ nặng tới 100kg, lấp lánh ánh đèn, kèm theo dàn loa Hi-Fi với âm thanh sống động. Phát triển rực rỡ vào thập niên 70, đến nay, cả hai trào lưu văn hóa Dekochari và Dekotora đã dần rơi vào quên lãng.
Dekochari khởi nguồn từ đâu?
Dekochari (デコチャリ) được ghép từ “デコレーション – Decoration – Trang trí” và “チャリンコ – Charinko – Xe đạp”, nghĩa là "chiếc xe đạp được trang trí".
Trước đó có một trào lưu khác xuất hiện sớm hơn là Dekotora (デコトラ), viết tắt của “デコレーショントラック – Decoration Truck”, chỉ những chiếc xe tải được trang trí bên ngoài bằng cách phủ sơn lên cabin và thân xe, sử dụng hệ thống chiếu sáng bằng đèn Andon cùng các bộ phận trang trí làm bằng thép không gỉ hoặc mạ crom. Đặc biệt, chúng còn được phá cách bằng những bức tranh có kích thước lớn lấy cảm hứng từ dòng tranh khắc gỗ Ukiyo-e, nghệ thuật xăm hình Irezumi (入れ墨) hay những lá cờ của ngư dân vẽ trên thành xe.
Văn hóa Dekotora bắt đầu xuất hiện khi nhà sản xuất phim Toei ra mắt loạt phim hài hành động mang tên “Torakku Yaro” (tiếng Anh: Truck Guys) gồm 10 bộ phim, công chiếu từ năm 1975 đến năm 1979. Torrakku Yaro được đạo diễn bởi Norifumi Suzuki, xoay quanh cuộc hành trình chu du khắp nước Nhật của người lái xe tải đường dài Momojiro Hoshi (do Bunta Sugawara thủ vai) và chiếc xe tải được trang trí vô cùng lộng lẫy của anh mang tên "Ichibanboshi" (Ngôi sao số một).
Trong mỗi tập phim, Momojiro sẽ gặp và phải lòng một người phụ nữ xinh đẹp, câu chuyện thường diễn ra ở nhiều vùng khác nhau trên đất nước Nhật Bản. Mỗi khi anh đáp ứng yêu cầu của cô thì cũng là lúc họ phải nói lời tạm biệt vì cô gái sẽ bắt đầu cuộc sống hạnh phúc với một người đàn ông khác. Phim phơi bày những tệ nạn xã hội của thời kỳ hậu Thế chiến thứ 2 trước khi bong bóng kinh tế nổ, có thể ví như phiên bản Fast and Furious của Nhật trong những năm 70. Sau khi bộ phim kết thúc, xe tải Ichibanboshi đã được chuyền tay qua vài chủ sở hữu tư nhân và kể từ năm 2014 đến nay, nó đang thuộc sở hữu của Junichi Tajima, một cư dân của tỉnh Saitama.
Torrakku Yaro thành công rực rỡ và gây tiếng vang lớn vào năm 1975, khiến những tay chơi xe tải bắt đầu bỏ một số tiền lớn để "độ" xe, lấy cảm hứng từ chiếc xe tải Ichibanboshi trong loạt phim. Họ thành lập nên cộng đồng xe tải nghệ thuật Dekotora nhằm giao lưu học hỏi với nhau. Dù cố gắng tô điểm càng nhiều càng tốt cho xe tải của mình nhưng các tay chơi xe Dekotora vẫn duy trì sáng tạo trong chừng mực cho phép để chúng vẫn có thể hợp pháp lưu thông trên đường phố. Tuy nhiên, vẫn có những người chơi vượt qua giới hạn và tạo nên những “con thú” Dekotora khổng lồ siêu ấn tượng, chỉ được chiêm ngưỡng trong các cuộc triển lãm thay vì chạy ngoài đường phố.
Cùng với phong trào Dekotora, xe đạp nghệ thuật Dekochari cũng bùng nổ vào giai đoạn 1975. Hầu hết chủ sở hữu Dekochari là những thanh thiếu niên bị mê hoặc bởi thiết kế và màn trình diễn ánh sáng đỉnh cao của xe tải Dekotora. Vì không thể lái xe tải nên họ đã quyết định trang hoàng chiếc xe đạp của mình giống với Dekotora, từ đó văn hóa độ xe đạp ra đời.
Dekochari được độ chế ra sao?
Ban đầu, thanh thiếu niên Nhật Bản tạo ra những chiếc xe đạp nghệ thuật Dekochari bằng cách gắn các hộp ván ép polywood xung quanh xe đạp rồi mạ crom, gắn đèn để tạo nên vẻ lung linh, lấp lánh giống với Dekotora. Theo thời gian, họ còn trang bị thêm cả ắc quy ô tô để có thể bật đèn vào ban đêm hay gắn còi hơi xe tải. Trong đó, hệ thống chiếu sáng đặc biệt được chú trọng về độ hoành tráng, sáng tạo để mang đến màn trình diễn ấn tượng, một hệ thống âm thanh Hi-Fi với loa cũng được thêm vào.
Trên xe còn được trang trí chữ và dán hình những nhân vật anime yêu thích. Vì được gắn thêm rất nhiều thiết bị nặng của xe ô tô nên hầu hết các Dekochari sau này đều có thể chạy tự động mà không cần dùng sức đạp.
Nhiều Dekochari sau khi được trang trí có kích thước khủng, nặng đến 100kg. Hầu hết các đồ trang trí đều được làm thủ công hoặc mua từ các cửa hàng chuyên kinh doanh phụ tùng dành cho xe tải nghệ thuật Dekotora. Đến những năm 1990, anime về người máy khổng lồ Gundam lan tỏa mạnh mẽ tại Nhật đã ảnh hưởng rất lớn đến tạo hình của Dekotora và Dekochari, chúng được thiết kế với kích thước và trọng lượng ngày càng khổng lồ.
Dekochari – Ký ức đẹp của một thời vàng son
Văn hóa Dekochari phát triển mạnh mẽ cùng với Dekotora, nhưng đến những năm 1990, vì nhiều chiếc xe tải được sáng tạo với kích thước quá lớn và hệ thống chiếu sáng vượt mức an toàn, không phù hợp để lưu thông trên đường phố nên đã bị chính quyền cấm đoán. Trào lưu Dekotora và Dekochari cũng vì thế mà phai nhạt dần theo năm tháng, mang theo ký ức đầy "nổi loạn" của giới trẻ Nhật ngày ấy.
Do vậy, hiện nay rất khó để bắt gặp những chiếc xe đạp Dekochari trên đường phố Nhật Bản, hầu như những ai còn đam mê và sở hữu Dekochari chỉ giới thiệu các tác phẩm của mình tại một số sự kiện đặc biệt. Đáng mừng là hiện tại, vẫn có một số băng nhóm xe đạp Dekochari hoạt động hợp pháp ở Nhật Bản, bao gồm đoàn xe All Japan Hishyomaru, All Japan DC Club Ryumaki và All Japan Kyokugenmaru mang theo niềm đam mê mãnh liệt dành cho Dekochari.
kilala.vn
01/11/2021
Bài: Rin
Đăng nhập tài khoản để bình luận