Cosplay là gì? Nguồn gốc của Cosplay và những điều bạn cần biết
Cosplay là một trong những thuật ngữ phổ biến nhất mỗi khi nhắc đến Nhật Bản - đất nước có nền công nghiệp 2D phát triển bậc nhất thế giới. Xuất phát từ những trào lưu hoá trang nhỏ lẻ cách đây vài thập kỷ, Cosplay hiện nay đã trở thành một nét văn hoá đặc sắc phát triển mạnh mẽ và đa dạng. Vậy Cosplay là gì, có những thể loại nào hay làm thế nào để trở thành Cosplayer chuyên nghiệp, tất cả sẽ được giải đáp qua bài viết này.
Cosplay là gì?
Cosplay là từ tiếng Anh do người Nhật sáng tạo ra, là sự kết hợp của hai từ costume (trang phục) và role play (hoá thân), được viết là "コスプレ" (kosupure) trong tiếng Nhật. Cosplay dùng để chỉ việc người hâm mộ một sản phẩm văn hoá nghệ thuật nào đó hoá trang và mô phỏng điệu bộ, phong cách của nhân vật mà mình yêu thích.
Nguồn cảm hứng lớn nhất cho Cosplay là truyện tranh, hoạt hình, phim ảnh, tiểu thuyết, trò chơi điện tử, hoặc có thể là cả ca sĩ, nghệ sĩ.
Cosplay bắt nguồn từ đâu?
Từ những năm 60 của thế kỷ trước, tại các World Science Fiction Convention (WorldCon, Lễ hội Khoa học viễn tưởng) ở trời Tây đã xuất hiện những người ăn mặc đóng giả nhân vật trong các tác phẩm hư cấu, gọi là tiết mục masquerade.
Nobuyuki Takahashi của Studio Hard sau khi trải nghiệm lễ hội vào năm 1984 tại Los Angeles đã viết một bài báo cho tờ My Anime miêu tả lại sự kiện đặc sắc này.
Đề cập đến sự kiện, ông đã tạo ra một thuật ngữ mới, dùng cách thông thường của người Nhật là lấy âm tiết đầu của các từ hiện có để ghép thành từ mới, thế là “cos” (コス) của “costume” gộp với “play” (プレ) trở thành “Cosplay” (コスプレ).
Masquerade du nhập vào Nhật Bản từ thập niên 70, và bài báo của Nobuyuki đã thổi bùng trào lưu này tại xứ sở anh đào. Thuật ngữ Cosplay do ông đề xuất mất 1-2 năm mới trở nên phổ biến trong cộng đồng những người thường xuyên tham gia các lễ hội.
Đến thập niên 90, nhờ sự phát triển mạnh mẽ của truyền hình và tạp chí, trào lưu Cosplay phát triển càng mạnh mẽ, từ “Cosplay” cũng được đông đảo người Nhật công nhận và sử dụng. Trào lưu masquerade trước đây dần tàn lụi, nhưng Cosplay lại ngày càng phát triển và từ Nhật Bản bắt đầu lan rộng ra quốc tế.
Vì sao Cosplay được yêu thích trên toàn thế giới?
Cosplay không đơn giản chỉ là hoá trang, nó tái hiện các nhân vật yêu thích một cách có hồn. Những Cosplayer (người Cosplay) chuyên nghiệp phải chú ý đến cả dáng bộ, cử chỉ, hành động sao cho người ta nhìn thấy ngay được điểm đặc trưng của nhân vật đó.
Đôi lúc, Cosplay còn kiến tạo cả tình huống, tiểu cảnh để nhân vật mình hoá thân xuất hiện thật ấn tượng. Ngoài Cosplayer tự do, có không ít người tụ họp thành nhóm hội để luyện tập và biểu diễn cùng nhau.
Xem thêm: Thiên đường của Otaku ở Nhật Bản (P1): Akihabara
Các phong cách Cosplay thường gặp
Trong muôn hình vạn trạng nguồn cảm hứng cho các Cosplayer, dễ thấy có những phong cách phổ biến được ưa chuộng. Nhiều lúc, hình tượng Cosplay không hẳn là một nhân vật cụ thể, nhưng việc Cosplay này vẫn khác với hóa trang đơn thuần cho các lễ hội như Halloween hay Giáng Sinh vì người Cosplay thường phải “nhập vai” cả phong thái, cử chỉ sao cho thể hiện gần sát với hình tượng gốc nhất.
Cosplay nhân vật trong anime, manga
Đây chắc hẳn là phong cách quen thuộc và phổ biến nhất mỗi khi nghĩ đến Cosplay. Chọn một nhân vật yêu thích và chuẩn bị trang phục, trang điểm sao cho tương đồng với nhân vật đó, Cosplayer càng khiến người xem cảm thấy “như bước ra từ nguyên tác” thì càng được đánh giá cao.
Phong cách Lolita
Lolita là một phong cách thời trang nổi bật tại Nhật Bản. Cosplay thành một Lolita nghĩa là phải đầu tư những bộ trang phục theo phong cách thời Victoria, thể hiện một hình ảnh ngọt ngào, dễ thương mà không kém phần quyến rũ và cuốn hút. Do trang phục theo phong cách này khá đắt đỏ nên việc Cosplay Lolita thường khá tốn kém.
Phong cách nữ sinh
Khoác lên người bộ đồng phục học sinh thường khiến người ta có cảm giác như trở về thời thanh xuân tươi trẻ, chính vì thế kiểu Cosplay nữ sinh nói riêng khá được ưa chuộng tại Nhật Bản.
Phong cách hầu gái
Hình tượng những cô hầu gái (hoặc mở rộng hơn là thư ký, người làm dịch vụ,…) thường được xem là dễ thương và có nét quyến rũ riêng, cũng là một hình ảnh phổ biến để Cosplay. Tuy nhiên, kiểu Cosplay này cần được thể hiện khéo léo bởi ranh giới giữa gợi cảm, cuốn hút và phản cảm là khá mong manh.
Phong cách Miko
Miko (巫女) là những vu nữ ở các đền thờ Nhật Bản. Hình ảnh các vu nữ trong quần Hakama đỏ và áo Kosode trắng (một dạng áo tiền thân của Kimono) vừa thuần khiết vừa bí ẩn luôn là một trong những hình tượng cuốn hút nhất Nhật Bản, nên cũng trở thành phong cách Cosplay được ưa chuộng.
Các phương thức để Cosplay độc đáo hơn
Cosplay là một lĩnh vực rất rộng lớn và đa dạng, kích thích trí sáng tạo của người tham gia để cho ra một hình ảnh ấn tượng nhất, nên hẳn nhiên nó sẽ không dừng lại ở việc chỉ tái hiện y hệt nhân vật từ tác phẩm gốc.
Tại các sự kiện có hoạt động Cosplay, bạn sẽ thấy thường có 5 phương thức chính giúp các Cosplayer ghi dấu ấn cho riêng mình.
Gender bender - Hoán đổi giới tính
Đây là một kiểu Cosplay khá phổ biến, Cosplayer sẽ tái hiện nhân vật với giới tính đối lập. Ví dụ đơn giản, nếu nhân vật gốc là nam, Cosplayer sẽ tưởng tượng nếu nhân vật ấy là nữ thì sẽ có diện mạo như thế nào và tái hiện hình ảnh đó.
Còn trong trường hợp Cosplayer có giới tính khác với nhân vật hoá trang theo đúng diện mạo gốc của nhân vật đó, hay bản thân nhân vật là “nữ giả nam” hoặc “nam giả nữ” đều không được xem là “gender bender” mà chỉ là Cosplay bình thường.
Nhân hoá
Các nhân vật trong sản phẩm giải trí, trong nhiều trường hợp, có thể không phải con người mà là sinh vật tưởng tượng hay thậm chí đồ vật. Những Cosplayer yêu mến các nhân vật này sẽ “nhân hoá” nhân vật bằng trí tưởng tượng của mình để đem đến một diện mạo đặc sắc.
Lấy cảm hứng từ fanart
Fanart là những sản phẩm hội hoạ do người hâm mộ sáng tạo dựa trên hình tượng gốc. Rất nhiều bức fanart rất đẹp và độc đáo đã trở nên nổi tiếng trong cộng đồng người hâm mộ và trở thành nguồn cảm hứng cho các Cosplayer mô phỏng theo.
Mash-Up/Crossover
Đúng như tên gọi, mash-up có nghĩa là “hoà trộn”, các Cosplayer không chỉ dừng lại ở việc Cosplay một nhân vật mà có thể kết hợp đặc điểm của hai hay nhiều nhân vật vào một tạo hình, nhất là trong trường hợp họ có nhiều hơn một nhân vật yêu thích.
Họ kết hợp màu sắc, trang phục, đặc điểm nổi bật của mỗi nhân vật để tạo nên một hình ảnh gợi nhớ đến tất cả các nhân vật ấy.
Alternative Universe (AU)
AU là viết tắt cho Alternative Universe tức “vũ trụ song song”. Nếu công chúa Disney đến học viện phép thuật trong Harry Potter sẽ thế nào? Bạn hoàn toàn có thể tái hiện ý tưởng đó qua việc Cosplay. Phương thức này tạo nên những nhân vật thú vị trong bối cảnh thú vị và là nguồn cảm hứng cho không ít fanfic trên khắp thế giới.
Kigurumi cosplay
Hay còn gọi là Animegao kigurumi. Đây là một loại cosplay nhân vật bằng cách mặc trang phục và đeo mặt nạ có hình nhân vật đó.
Một số thuật ngữ Cosplay cần biết
- Coser: Viết tắt của Cosplayer – người thực hiện việc Cosplay.
- Fes (Festival): Lễ hội, nơi diễn ra hoạt động Cosplay.
- Wig: bộ tóc giả được dùng để hóa trang thành các nhân vật.
- Staff: trợ lý, người đồng hành với Cosplayer tại sự kiện để hỗ trợ các công việc như trang điểm, chuẩn bị trang phục, quản lý lịch trình...
- Mod: Chỉ việc sử dụng bất cứ thứ gì bạn có như áo khoác, váy... và tự tạo nên trang phục Cosplay.
- OC (Original Characters): loại hình Cosplay tạo ra một nhân vật hoàn toàn mới. Cụ thể, Cosplayer hoặc Artist sẽ thiết kế toàn bộ từ ngoại hình, trang phục cho đến tính cách, tiểu sử của nhân vật. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng không phải tất cả các cuộc thi đều chấp nhận OC nếu bạn muốn tham gia.
- Crossplay: Được biết đến là hành động cosplay các nhân vật khác giới, nó áp dụng cho cả hai giới.
- PCD (Post-Con Depression): Cảm giác buồn bã của một số coser sau khi tham dự một sự kiện.
- Lowcost cosplay: Cosplay giá rẻ, tuy nhiên từ này thường ám chỉ biệt danh của một Cosplayer hài hước nổi tiếng trên internet, anh tên thật là Anucha Saengchart và đến từ Thái Lan.
Công việc của một Cosplayer chuyên nghiệp
Hầu hết mọi người đều cosplay vì sở thích chứ không phải vì công việc. Tuy nhiên, vẫn có những cosplayer thành công biến nó thành một nghề nghiệp toàn thời gian, mang lại cho họ danh tiếng cùng thu nhập.
Trở thành một Cosplayer chuyên nghiệp khá giống với việc trở thành một người có ảnh hưởng trên mạng xã hội, công việc của bạn sẽ bao gồm rất nhiều hoạt động trên các nền tảng này, như sáng tạo nội dung. Nếu đạt được danh tiếng lớn trong cộng đồng, điều này sẽ giúp Cosplayer tiếp cận nhiều cơ hội hợp tác hơn.
Dưới đây là một số nguồn thu nhập của các Cosplayer chuyên nghiệp:
- Doanh thu quảng cáo. Nếu bạn tạo trang web hoặc kênh youtube của riêng mình, bạn cũng có thể nhận được một khoản doanh thu nhỏ từ quảng cáo trên các nền tảng này.
- Patreon, Kofi và các nền tảng khác cho phép người hâm mộ trả tiền trực tiếp cho những content creator mà họ yêu thích.
- Bán tranh ảnh cosplay của mình và các hàng hóa liên quan.
- Cosplay cho một công ty. Một số công ty, đặc biệt là các công ty trò chơi, sẽ thuê diễn viên cosplay quanh các gian hàng tại các hội nghị và sự kiện. Hoặc cosplayer có thể tìm đến các công ty tổ chức tiệc, hóa thân thành nhân vật manga, anime tại một bữa tiệc sinh nhật dành cho trẻ em.
- Làm khách mời tại hội nghị/sự kiện. Một cosplayer tiếng tăm sẽ thường được mời tham dự các sự kiện manga, anime với tư cách khách mời hoặc giám khảo.
Những lễ hội Cosplay nổi tiếng ở Nhật
Tại xứ Phù Tang, có nhiều hội nghị và sự kiện anime quy mô lớn quy tụ rất nhiều cosplayer. Với nhiều người, anime và manga chính là đại diện cho văn hóa Nhật Bản nên những sự kiện như vậy có tỷ lệ tham dự khá cao, một số người hâm mộ nước ngoài còn lên kế hoạch đến Nhật chỉ để cosplay tại những sự kiện này.
Một số lễ hội Cosplay thu hút đông đảo người tham gia là Cosplay Festa TDC, AnimeJapan, Jump Festa, Comiket hay World Cosplay Summit.
Những câu hỏi thường gặp về Cosplay
Đồ Cosplay gồm những gì?
Việc Cosplay về cơ bản là mô phỏng trang phục của nhân vật được Cosplay, do đó tùy theo tạo hình gốc mà bạn cần chuẩn bị những trang phục và phụ kiện tương ứng. Nhìn chung, một bộ Cosplay sẽ bao gồm những thành phần cơ bản như sau:
- Trang phục: Nhiều người thích tự chế tạo trang phục cho màn Cosplay của mình – một công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ và sức sáng tạo rất lớn. Nhưng cũng có nhiều người khác lại thích sử dụng trang phục có sẵn vì sự tiện lợi. Do Cosplay ngày càng phát triển, những nhân vật phổ biến đều có set trang phục đầy đủ được bán trên các trang web thương mại hay cửa hàng.
- Vũ khí: Một số nhân vật anime và trò chơi điện tử có vũ khí hoặc các phụ kiện khác mà bạn cần đặt mua hoặc tự chế tạo, tất nhiên đây không được là vũ khí thật.
- Tóc giả: Các cosplayer thường đội tóc giả kết hợp với trang phục của họ để tái hiện ngoại hình gần nhất với nhân vật. Điều này đặc biệt cần thiết đối với các nhân vật anime, manga hoặc trò chơi điện tử bởi mái tóc của họ thường có màu sắc, kiểu dáng khác lạ.
- Kính áp tròng: Phụ kiện này giúp biến màu mắt của Cosplayer thành màu mắt của nhân vật. Ngoài ra có loại kính áp tròng giúp cho đồng tử trông to hơn để giống với đôi mắt to của các nhân vật anime và manga.
- Hình xăm tạm thời, bút vẽ trên cơ thể: trong trường hợp nhân vật được Cosplay có sở hữu hình xăm.
- Đồ trang điểm: Việc trang điểm là bắt buộc để có được ngoại hình sát với nhân vật.
Chi phí cho Cosplay là bao nhiêu?
Điều này phụ thuộc vào nhiều yếu tố, chẳng hạn như sự phức tạp của tạo hình nhân vật, chất lượng sản phẩm bạn chọn lựa, có thuê staff hỗ trợ hay không... mà chi phí sẽ có sự khác biệt. Nếu khéo tay và có thể tự tạo ra trang phục, phụ kiện hay tự trang điểm cho bản thân, bạn hoàn toàn có thể tiết kiệm một khoản kha khá.
Thông thường, chi phí cosplay sẽ dao động từ khoảng 100 USD cho một bộ trang phục đơn giản đến hơn 1.000 USD cho những thiết kế phức tạp hơn. Bạn cũng cần phải tính đến chi phí đi lại, vé tham dự nếu định mặc trang phục cosplay của mình đến một sự kiện.
Cosplay có dành cho cả nam và nữ không?
Câu trả lời là Cosplay dành cho tất cả mọi người, không phân biệt giới tính. Bạn cũng có thể hóa thân thành bất cứ nhân vật nào, dù nhân vật đó có giới tính khác biệt với mình.
Làm thế nào để trở thành một Cosplayer chuyên nghiệp?
Nếu bạn muốn kiếm sống từ nghề Cosplayer, điều quan trọng là bạn phải tự trau dồi thêm nhiều kỹ năng liên quan, bởi công việc Cosplay không chỉ đơn thuần là mặc trang phục và tạo dáng trước máy ảnh.
Nếu muốn Cosplay chuyên nghiệp, đây là một số việc sẽ tiêu tốn quỹ thời gian của bạn:
- Tự quảng bá bản thân trên mạng xã hội. Phần lớn thời gian của bạn có thể sẽ phải dành cho việc tìm cách xây dựng và duy trì lượng người theo dõi trên mạng xã hội. Điều này sẽ bao gồm việc sáng tạo nội dung, trả lời bình luận, tin nhắn và học cách làm việc với các nhà tài trợ.
- Làm việc với các nhiếp ảnh gia. Trau dồi kỹ năng làm người mẫu và giao tiếp với các nhiếp ảnh gia là điều bắt buộc đối với các Cosplayer. Lập kế hoạch tốt cho những buổi chụp là cách tốt nhất để có được những bức ảnh đẹp mà bạn có thể chia sẻ trực tuyến và bán dưới dạng bản in cho fan hâm mộ (với sự cho phép của nhiếp ảnh gia).
- Liên tục tạo ra những bộ trang phục mới. Nếu muốn trở thành một Cosplayer chuyên nghiệp, bạn cần phải liên tục xuất hiện trong những tạo hình mới để chia sẻ với người hâm mộ và cho họ biết bạn vẫn đang hoạt động. Bạn có thể cần lên kế hoạch may 10-20 bộ trang phục mới mỗi năm. Điều này cũng bao gồm việc cập nhật các nhân vật nổi tiếng mà khán giả yêu thích.
- Giữ dáng. Vì công việc của một Cosplayer bao gồm làm người mẫu và hóa trang thành các nhân vật trong văn hóa đại chúng nên bạn cũng cần dành thời gian để giữ gìn vóc dáng của mình. Dù còn phụ thuộc vào phong cách Cosplay và các nhân vật bạn đang Cosplay, nhưng thông thường, ít nhất bạn sẽ cần phải nỗ lực để giữ dáng.
Cosplayer chuyên nghiệp có thể kiếm được bao nhiêu?
Mức lương của một cosplayer chuyên nghiệp có thể khác nhau rất nhiều tùy thuộc vào kinh nghiệm, độ nổi tiếng và những gì họ theo đuổi. Một số có thể kiếm được vài trăm đô la mỗi tháng từ hoạt động tài trợ và hợp tác.
Ngược lại, những người khác có thể kiếm được hàng nghìn đô la mỗi tháng từ việc bán hàng hóa, xuất hiện tại sự kiện...
Những cosplayer nổi tiếng nhất có thể kiếm được hơn 100 nghìn đô la mỗi năm thông qua tài trợ, lời mời tham gia sự kiện, bán hàng cũng như các nguồn thu nhập khác.
Tuy nhiên, có một thực tế là không ít những người cố gắng kiếm tiền từ việc cosplay thực sự chỉ có thể kiếm đủ để trang trải cho chi phí trang phục.
Các Cosplayer trung bình bao nhiêu tuổi?
Người cosplay đến từ nhiều đối tượng khác nhau, từ học sinh cấp 2, cấp 3, sinh viên đại học, thậm chí có người đã đi làm và đã lập gia đình. Tuy nhiên, phổ biến nhất là trong độ tuổi từ 19-24, vì đây là giai đoạn mọi người tích cực theo đuổi sở thích của mình một cách trọn vẹn nhất.
Cosplay phổ biến ở quốc gia nào nhất?
Cosplay có nguồn gốc từ Nhật Bản và là một phần quan trọng của văn hóa Otaku. Từ đây, loại hình văn hóa này đã lan rộng đến nhiều quốc gia khác và đặc biệt phổ biến ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ và Anh.
Xu hướng Cosplay năm 2023 là gì?
Trong năm 2023, một số xu hướng đã “chiếm sóng” trên nền tảng TikTok là Gender Bender, DIY Cosplay, Crossplay và Cosplay kết hợp với nhảy.
kilala.vn
24/03/2021
Bài: An Thủy
Đăng nhập tài khoản để bình luận