Con đường phát triển đầy thăng trầm của Kampo - Y học cổ truyền Nhật Bản
So với nhiều quốc gia thuộc vùng văn hóa Đông Á, nơi y học cổ truyền vẫn tồn tại song song với y học phương Tây, dường như y học cổ truyền ở Nhật Bản lại phát triển lặng lẽ hơn, có lúc tưởng chừng như bị xóa bỏ. Tuy nhiên ngày nay, Đông y Nhật Bản – Kampo lại góp phần không nhỏ vào công cuộc điều chế thuốc chữa bệnh.
Kampo là gì?
“Kampo - 漢方” là y học cổ truyền (Đông y) của Nhật Bản, có nguồn gốc từ y học cổ truyền Trung Quốc, được điều chỉnh và sửa đổi để phù hợp với văn hóa và truyền thống của đất nước mặt trời mọc. Kampo sử dụng hầu hết các liệu pháp của Trung Quốc, nổi bật là châm cứu, thảo dược và trị liệu ẩm thực.Triết lý của Kampo nhấn mạnh cơ thể và tâm trí con người là một thể thống nhất, không được tách rời. Ngày nay, các nghiên cứu về Đông y đã cho thấy triển vọng của Kampo đối với sự phát triển của y học hiện đại.
Không chỉ được ứng dụng rộng rãi trong lĩnh vực điều trị y tế và y tế dự phòng như một giải pháp thay thế cho Tây y, Kampo còn giữ vai trò quan trọng trong việc chăm sóc sức khỏe, giữ gìn vóc dáng của người Nhật.
Lịch sử du nhập của Đông y vào Nhật Bản
Ngược dòng lịch sử về 3000 năm trước, đây là thời điểm y học cổ truyền được cho là bắt đầu có mặt tại Trung Quốc (thời nhà Thương). Tuy nhiên, mãi đến thế kỷ thứ 5 và thứ 6, Đông y mới được du nhập vào Nhật Bản qua bán đảo Triều Tiên, cùng với Phật giáo và một số nền văn hóa khác.Năm 608, Hoàng hậu Suiko đã cử các sứ thần và thầy lang trẻ đến Trung Quốc. Nhiều tài liệu ghi chép lại rằng họ đã học Đông y tại đây trong suốt 15 năm. Đến năm 701, việc ban hành Bộ luật Taiho đã tạo ra hệ thống y tế đầu tiên của Nhật Bản, sau đó là sự thành lập của Tenyaku-ryo (Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi, Sở Y tế và Khoa Dược ngày nay).
Trong bộ luật có điều khoản liên quan đến việc thành lập một trường đại học bao gồm khoa Y với chương trình đào tạo y học cổ truyền bài bản, nhưng do nội chiến liên miên nên điều này chưa bao giờ thành hiện thực.
Hoàng hậu Komyo (701 - 760) về sau đã thành lập Hidenin và Seyakuin bên trong ngôi chùa Kofuku-ji ở Nara. Đây là hai cơ sở Phật giáo cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe và thuốc miễn phí cho người nghèo.
Trong nhiều thế kỷ tiếp theo, các nhà sư giữ vai trò quan trọng trong việc truyền bá y học Trung Hoa tại Nhật Bản, họ cũng nắm trọng trách chăm sóc sức khỏe cho cả tầng lớp thượng lưu và dân chúng.
Sự phát triển của Kampo
Y học Nhật Bản vào thế kỷ thứ 10 (thời Heian) vẫn chỉ đơn thuần là sao chép y học cổ truyền Trung Quốc. Được biên soạn vào năm 984 SCN bởi Yasuyori Tanba, “Ishinpo” (醫心方 - Y Tâm Phương) là cuốn sách y học lâu đời nhất còn tồn tại của Nhật Bản, bao gồm 30 tập trích dẫn từ nhiều văn bản y học Trung Hoa.Cho đến khoảng thời gian từ năm 1200 tới 1600, y học cổ truyền ở Nhật Bản trở nên thiết thực hơn. Hầu hết các thầy thuốc là nhà sư Phật giáo, những người tiếp tục sử dụng các công thức, lý thuyết và thực hành được các sứ thần đầu tiên mang về từ nhà Đường Trung Quốc.
Đến cuối thế kỷ thứ 19 (thời Minh Trị), làn sóng hiện đại hóa y tế của các nước phương Tây bắt đầu tràn vào Nhật Bản, dẫn đến sự suy tàn nhanh chóng của Kampo.
Để tạo điều kiện cho quá trình hiện đại hóa, gia tăng của cải và sức mạnh quân sự cho Nhật Bản, một hệ thống giáo dục và chăm sóc sức khỏe thiên về Tây y đã được chính phủ Minh Trị thành lập vào năm 1874. Hệ thống mới dựa trên cấu trúc bảy môn y học phương Tây.
Theo tuyên bố của Đại Hội đồng Nhà nước vào năm 1883, hệ thống giấy phép y tế chỉ cấp giấy phép cho các bác sĩ đã vượt qua kỳ thi quốc gia để hành nghề y. Đến năm 1895, Quốc hội khóa 8 đã phủ quyết yêu cầu tiếp tục được hành nghề Kampo, đẩy nó đến bờ vực bị xóa sổ.
Tuy nhiên, dù mất đi vị thế pháp lý, y học truyền thống vẫn được duy trì chủ yếu ở cấp độ cơ sở bởi các bác sĩ, dược sĩ tận tâm và những người bán thuốc Đông y. Ngoài ra, cuốn Ikai-no-tettsui do bác sĩ Keijyuro Wada tự xuất bản năm 1910 bày tỏ sự không đồng tình với những lý thuyết của y học phương Tây và ca ngợi Kampo, đã khơi mào cho giai đoạn phục hưng về sau.
Năm 1927, Kyushin Yumoto xuất bản cuốn Kokan Igaku, tác phẩm đánh dấu sự hồi sinh của Kampo vào đầu thế kỷ 20 (thời kỳ Showa). Vì thế, Yumoto được xem là "cha đẻ của sự phục hưng Kampo" và "người tiên phong trong việc kết hợp Đông và Tây y."
Cũng trong thời kỳ này, các tác phẩm của Keijyuro Wada và Kyushin Yumoto đã đặt nền móng cho sự trở lại của y học Kampo. Những nỗ lực của Yoshinori Otsuka, Domei Yakazu, Shiro Hosono, Kenzo Okuda cùng các nhà lãnh đạo khác của phong trào phục hưng Kampo trước và sau chiến tranh đã dẫn đến việc thành lập Hiệp hội Đông y Nhật Bản (JSOM) vào năm 1950.
Trong những năm 60, một loạt phản ứng có hại của thuốc Tây đã làm dấy lên lo ngại về sự phụ thuộc hoàn toàn vào các loại thuốc hiện đại để điều trị.
Năm 1975 "Sổ tay các công thức Kampo OTC" được xuất bản dưới sự giám sát của Cục Dược phẩm của Bộ Y tế và Phúc lợi. Có thể xem thời kỳ Showa là thời kỳ tập hợp động lực cho sự hồi sinh của Kampo.
Năm 1976, 33 công thức Kampo cho đơn thuốc đã được thêm vào bảng giá thuốc của Bảo hiểm Y tế Quốc gia, và các công thức mới đã tiếp tục được bổ sung kể từ đó. Hiện có 148 công thức Đông y xuất hiện trong bảng giá bán thuốc.
Ngày nay, nhiều sách giáo khoa về Kampo được xuất bản, tất cả các trường đại học và cao đẳng y dược cũng đưa nó vào chương trình giảng dạy chính quy.
Năm 2006, Hội đồng chuyên khoa y tế Nhật Bản đã chỉ định các bác sĩ thành viên của Hiệp hội Đông y Nhật Bản (JSOM) là bác sĩ chuyên khoa Kampo, nhiều trường đại học và trung tâm nghiên cứu công lập sau đó đã thành lập các phòng nghiên cứu và phòng khám ngoại trú chuyên về y học cổ truyền.
Số lượng các bài thuyết trình khoa học về nghiên cứu cơ bản và lâm sàng của y học Kampo tại các hội nhóm học thuật cũng tăng lên nhanh chóng. Những thay đổi này báo trước một kỷ nguyên mới cho việc áp dụng và phát triển y học Kampo.
Kampo ngày nay
Hành trình phát triển của Kampo còn đối mặt với nhiều khó khăn, chính phủ Nhật Bản chỉ chi khoảng 1/10 so với Hàn Quốc cho nghiên cứu y học cổ truyền, và chỉ bằng một phần nhỏ so với quy mô đầu tư của Trung Quốc.Ngày nay, không chỉ là một gói thảo dược ngẫu nhiên, Kampo được chính phủ quản lý nghiêm ngặt về loại và tỷ lệ của các thành phần trong mỗi công thức, số lượng công thức, và sản phẩm cuối cùng sẽ được kiểm tra và phê duyệt trước khi đưa vào sử dụng.
Chính vì thế, tuy có một số công ty dược phẩm sản xuất Kampo ở Nhật như Kracie hay Tsumura, nhưng đa phần công thức của thành phẩm thuốc sẽ giống nhau.
Kampo Nhật Bản có nguồn gốc là các thành phần tự nhiên - chủ yếu là thực vật, đôi khi có thêm khoáng chất và các sản phẩm từ động vật. Một số thành phần thực vật cốt lõi bao gồm: Gừng, Quế, Cam thảo, Nấm dược liệu, Nhân sâm, Pinellia - Chi Bán hạ bắc (tuy nhiên nguyên liệu này không được nhập khẩu tại một số nước châu Âu và Bắc Mỹ), Tía tô, Vỏ cây mộc lan. và đa phần thành phẩm sẽ là dạng viên hoặc dạng bột.
Tại Nhật Bản, thuốc Đông y dùng trong lâm sàng và bán không kê đơn đều đang góp phần chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng và dự kiến, lĩnh vực y tế này sẽ còn phát triển hơn nữa. Hiện tại, Nhật Bản là quốc gia duy nhất mà bác sĩ lâm sàng được phép kê đơn cả hai loại thuốc tân dược và thuốc Kampo cùng một lúc; cả hai đều được chi trả bởi cùng một hệ thống bảo hiểm y tế.
Vì vậy, ứng dụng của thuốc Kampo và đóng góp của chúng vào các phương pháp điều trị lâm sàng tại Nhật Bản đáng được quan tâm nhiều hơn, để có thể đánh giá toàn diện những tiềm năng to lớn của nó trong việc mở ra một con đường mới cho y học hiện đại.
kilala.vn
27/04/2022
Bài: Natsume
Đăng nhập tài khoản để bình luận