Chuyện ly hôn thời Edo: Khi người phụ nữ có quyền quyết định
Vào thời Edo, người phụ nữ càng kết hôn nhiều lần càng được tôn trọng.
Theo kết quả khảo sát của Đài truyền hình NHK, gần 70% người trưởng thành ở Nhật Bản cho biết không nhất thiết phải kết hôn. Họ cho rằng việc kết hôn sẽ khiến cuộc sống trở nên phiền phức hơn khi đã phải chịu quá nhiều sức ép từ công việc. Chưa kể đến việc sau khi kết hôn, nếu không có tiếng nói chung sẽ dễ dàng dẫn đến ly hôn và phải chịu định kiến của xã hội về việc đã qua một đời chồng.
Tuy nhiên, vào thời Edo thì khác, vô số người đã cùng nhau kết hôn và già đi, nhưng cũng không ít trường hợp chia tay rồi đi bước nữa. Những người ly hôn cũng không gặp bất kỳ thành kiến nào, ngược lại, người phụ nữ càng kết hôn nhiều lần lại càng được tôn trọng. Vì sao lại có sự khác biệt như vậy?
Tình trạng thừa nam giới thành thị
Từ giữa thời Edo, tỷ lệ kết hôn ở vùng nông thôn tăng cao. Năm 1675, tại làng Tanzawa tỉnh Shinano (nay thuộc tỉnh Nagano), tỷ lệ người trên 16 tuổi chưa kết hôn ở nam giới là 46% và nữ giới là 32%. Đến năm 1771, con số này giảm xuống còn 30% ở nam giới và 14% ở nữ giới. Năm 1870, ở hai ngôi làng tại tỉnh Mutsu (phía bắc đảo Honshu ngày nay), số người từ 45 - 49 tuổi chưa kết hôn chiếm 4,8% ở nam giới và 0,6% ở nữ giới, đồng nghĩa với việc đa số dân làng đều đã kết hôn. Tuy nhiên, tỷ lệ ly hôn cũng không nhỏ với con số 4,8% trung bình ở 2 làng.
Thành thị Edo cùng thời điểm đó có dân số hơn 1 triệu người, nằm trong số những khu vực đông dân nhất thế giới và có tỷ lệ nam giới và nữ giới là 2:1. Tình trạng dư thừa nam giới đã khiến cho việc phụ nữ tái hôn là bình thường. Người phụ nữ kết hôn trên 3 lần không còn hiếm hoi, họ được cho là người từng trải và được mọi người tôn trọng. Chế độ Mạc Phủ thời đó đã khuyến khích phụ nữ tái hôn nhằm làm giảm số đàn ông độc thân nhiều nhất có thể. Việc tái hôn này xảy ra rất thường tình và không có gì đáng xấu hổ. Nó được gọi là "Motokaeri - 元帰り” hay "Yobimodoshi - 呼び戻し”, đều có nghĩa là “quay trở lại”.
Tuy nhiên, việc tái hôn chỉ “hợp lệ” đối với dân thường, còn những tiểu thư quý tộc luôn được răn dạy rằng “Một người phụ nữ tiết hạnh không thể có 2 đời chồng”, dù chồng có qua đời thì người phụ nữ hiền thục, đức hạnh ấy không được tái giá và không được về nhà cha mẹ ruột. Người phụ nữ địa vị càng cao thì càng bị trói buộc.
Đơn ly hôn chồng đưa cho vợ là “giấy phép tái hôn”
Trong chế độ ly hôn thời Edo, việc ly hôn được xác lập khi chồng đưa cho vợ một đơn ly hôn gọi là "Mikudarihan - 三行半" (Ba dòng rưỡi). Cách gọi này ra đời do thói quen viết ba dòng rưỡi trở nên phổ biến từ thời kỳ Edo. Cũng không có quy định rõ ràng, 3 dòng hay 4 dòng đều được. Tuy nhiên, việc đưa giấy ly hôn chỉ là thông lệ theo luật áp dụng cho dân thường, còn tầng lớp Samurai thì chỉ cần ra thông báo.Một số nội dung điển hình của đơn ly hôn như: “Chúng ta sẽ ly hôn”, “Tôi ly hôn vì lý do cá nhân”, “Từ nay về sau, dù bên kia có kết hôn với ai cũng không liên quan đến bên này”, “Người vợ sau khi ly hôn có thể tái hôn với bất kỳ ai”. Về nguyên tắc, đơn bao gồm việc xác nhận ly hôn và xác nhận tự do cho người vợ để tái hôn sau này. Nói cách khác, đơn ly hôn này có hiệu lực như “giấy phép tái hôn”. Chuyện ly hôn không còn là chuyện hiếm, nên có những lá đơn ly hôn được viết cả lời chúc cho vợ cũ: “Chúc em hạnh phúc ở cuộc hôn nhân mới”.
Việc người chồng đệ đơn ly hôn không còn là quyền nữa mà là một nghĩa vụ. Nếu không có bằng chứng cho thấy người chồng đã trao đơn ly hôn, vợ cũ có quyền không đồng ý chồng cũ tái hôn. Lúc đó, chồng cũ sẽ bị buộc tội là có thói trăng hoa vì anh ta không có cách nào để chứng minh việc ly hôn của mình. Vì vậy, để đảm bảo quyền lợi cho cả hai, nếu người vợ đã được trao đơn ly hôn thì người chồng cũng nhận lại được một đơn đảm bảo gọi là "Kaeri issatsu - 返り一札".
Những người phụ nữ quyền lực thời Edo
Người xưa có câu nói nổi tiếng về về chuyện ly hôn rằng “Sarutoki wa kyuujuu ryou de sumanunari - 去る時は九十両では済まぬなり”, ý nói “Khi ly hôn, chín mươi lượng cũng không đủ”. Thời đó, người phụ nữ khi lấy chồng sẽ mang theo của hồi môn, khi ly hôn người chồng phải trả lại đầy đủ cho vợ. Người vợ mang hầu hết tài sản đi, người chồng cũng không còn lại bao nhiêu. Ngoài của hồi môn, có người còn chu cấp tiền cho vợ, chia tài sản đất đai cho con. Những thứ này giúp đảm bảo cuộc sống của vợ cũ sau khi ly hôn. Cơ chế ly hôn bằng tiền chắc hẳn là một giải pháp an toàn cho phụ nữ thời điểm đó.Quay ngược thời gian trở về cuối thời Edo, nhờ vào sự phát triển của công nghiệp và sự cải tiến của công nghệ trong nông nghiệp, nền kinh tế tiền tệ cũng phát triển theo. Đến cuối thời kỳ, hải cảng mở cửa, tơ tằm vươn lên đứng đầu về sản lượng xuất khẩu. Sản lượng tơ tằm tăng cao ở những khu vực trồng dâu nuôi tằm, đặc biệt là vùng Kanto. Số lượng nông dân trồng dâu nuôi tằm trở thành thương nhân cũng ngày một tăng lên.
Ở những nông gia, từ xưa việc nuôi tằm đều nhờ tay người phụ nữ nên họ quản việc chi tiêu thu nhập trong gia đình và dần có tiếng nói hơn. Trong bộ phim dài tập “Reach Beyond the Blue Sky” (青天を衝け) tái hiện lại cuộc đời của nhà tư bản công nghiệp Shibusawa Eiichi (渋沢栄一), cuộc sống của những người phụ nữ xung quanh ông hiện lên vô cùng sinh động, có lẽ là nhờ bối cảnh nền kinh tế phát triển lúc bấy giờ.
Làm tơ tằm là công việc vất vả bao gồm rất nhiều công đoạn và đòi hỏi tính kiên trì cao, từ trồng cây dâu cho tằm ăn đến việc kéo tơ, se chỉ. Nhưng nghĩ đến việc cầm trong tay món tiền lao động do chính mình làm ra, những người phụ nữ ấy lại có thêm động lực. Tiền lương của người làm thuê ở những hộ kinh doanh quy mô lớn cũng không hề nhỏ.
Ở tỉnh Kozuke (tỉnh Gunma ngày nay), nơi nhà máy tơ lụa Tomioka được thành lập sau này, quyền lực của người phụ nữ tăng lên nhờ thu nhập khổng lồ từ nghề trồng dâu nuôi tằm. Từ đó, thuật ngữ “Kakaa Tenka” (かかあ天下) ra đời, ý nói những người phụ nữ có quyền lực hơn chồng.
Quyền lực đó còn được thể hiện rõ ràng trong việc ly hôn. Chẳng hạn, lời yêu cầu ly hôn từ người vợ gọi là "Tobidashi rikon - 飛び出し離婚", một hình thức ly hôn mà người vợ phải trả phí an ủi hay từ bỏ của hồi môn của mình. Nghe có vẻ bất lợi cho người vợ, nhưng nhờ có thu nhập từ nghề trồng dâu nuôi tằm nên họ có thể tự mình kết thúc cuộc hôn nhân không như ý. Một số người phụ nữ độc lập và quyền lực đến mức dù không có tiền, họ vẫn quyết định ly hôn trước, xin đi làm công nuôi tằm để có tiền và trả tiền bồi thường sau.
Ở Kozue, có những người phụ nữ dựa vào những ghi chép hướng dẫn cách hợp thức hóa hộ kinh doanh và kỹ thuật trồng dâu nuôi tằm đã quản lý nông hộ của mình thành công và trở thành địa chủ.
Sau thời Minh Trị, người phụ nữ mất đi quyền sở hữu tài sản và tiếng nói của mình dưới chế độ phụ hệ, đồng thời tỷ lệ ly hôn cũng giảm đi. Hình thức này kéo dài đến tận ngày hôm nay và mang đến những bất công cho người phụ nữ đã "qua một chuyến đò". Có thể nói, xã hội thời Edo có những bước phát triển hơn hẳn thời đại ngày nay về tư tưởng đối với vai trò của người phụ nữ.
Xem thêm: Maruni: Cái nhìn bao dung của xã hội Nhật cho người ly hôn?
15/11/2021
Bài: Hoàng Quyên
Nguồn: newsphere
Đăng nhập tài khoản để bình luận