Xuất bản tập thơ song ngữ Nhật - Anh của Thiên hoàng Minh Trị

    Tập thơ bao gồm 100 bài thơ của Thiên hoàng Minh Trị được chuyển ngữ bởi học giả người Mỹ Harold Wright.

    Tuyển tập thơ song ngữ Nhật – Anh “Bridge on the Shikishima Way” (tạm dịch: Cây cầu trên đường Shikishima) được phát hành vào tháng 8/2022 vừa qua là kết quả 30 năm miệt mài của dịch giả - học giả người Mỹ chuyên về văn học Nhật - Harold Wright. Ông cũng được biết đến là học trò của nhà Nhật Bản học danh tiếng Donald Keene.

    Tập thơ mang đến cho độc giả góc nhìn, cảm nhận của vị Thiên hoàng sống ở thời đại mà truyền thống và hiện đại giao hòa, khi nước Nhật dần chuyển mình từ một quốc gia phong kiến sang tư bản chủ nghĩa.
    Năm 2022 cũng là năm kỷ niệm 100 năm ngày mất của Thiên hoàng Minh Trị, người có công lớn trong việc cải cách nước Nhật, đặt nền móng để Nhật Bản trở thành một cường quốc sau này.
    tuyển tập thơ Bridge on the Shikishima Way
    Tập thơ song ngữ Nhật - Anh "Bridge on the Shikishima Way” của Thiên hoàng Minh Trị. Ảnh: Kyodo 

    Dịch giả Harold Wright, hiện đang là Giáo sư danh dự về văn học và ngôn ngữ Nhật tại trường Cao đẳng Antioch, bang Ohio, Hoa Kỳ, chia sẻ: “Thiên hoàng Minh Trị không chỉ là vị vua luôn lo nghĩ cho dân chúng, mà còn là một nhà thơ tài năng".

    Trong suốt cuộc đời mình, Thiên hoàng đã sáng tác khoảng 100.000 bài thơ, nhiều bài trong số đó truyền tải mong ước về hòa bình. Nổi bật như bài thơ ông bày tỏ nỗi đau buồn khi cuộc chiến giữa Nhật Bản và Nga nổ ra vào năm 1904. Bài thơ này đã khiến Tổng thống Mỹ khi ấy - Theodore Roosevelt cảm động, và một năm sau đó, ông đã ký kết Hiệp ước Portsmouth chấm dứt chiến tranh Nga – Nhật.

    Thiên hoàng Minh Trị
    Thiên hoàng Minh Trị. Ảnh: Kyodo 

    Thiên hoàng cũng từng sáng tác 100 bài thơ Waka (和歌 – Hoà Ca, thể thơ truyền thống của Nhật) để gửi đến các vị Thần – một truyền thống của hoàng gia Nhật Bản. Trong đó, ông bày tỏ thái độ, suy nghĩ của mình về mối quan hệ quốc tế và chiến tranh, về cuộc sống của người dân với nhiều cảm xúc sâu lắng.

    Xem thêm: Jisei: Nghệ thuật trong những bài thơ tuyệt mệnh của người Nhật

    Ý tưởng dịch các bài thơ của Thiên hoàng Minh Trị sang tiếng Anh đã có từ năm 1964 – năm đầu tiên Nhật tổ chức Olympic mùa hè. Shinichiro Takasawa, trụ trì của đền Meiji Jingu – nơi thờ phụng Thiên hoàng Minh Trị mong muốn chào đón du khách quốc tế bằng một số bài thơ được sáng tác bởi Thiên hoàng và Thiên hậu Shoken.

    Học giả Donald Keene đã giới thiệu người học trò Wright của mình cho công việc chuyển ngữ. Ông Wright lúc bấy giờ là học giả Fulbright về thơ Nhật Bản tại Đại học Keio và cũng là một dịch giả. Đến năm 1982, ông nhận thêm lời đề nghị dịch thơ của hoàng gia và tiếp tục công việc dịch thuật này tại trường Cao đẳng Antioch, Hoa Kỳ. 

    Trong quá trình dịch các bài thơ của Thiên hoàng Minh Trị, ông đã tiến hành những nghiên cứu sâu rộng về lịch sử, văn hóa và tôn giáo của Nhật Bản, cố gắng giữ lại nhịp điệu ban đầu của bài thơ trong khi vẫn duy trì sự cân bằng giữa ý nghĩa và hình ảnh để phù hợp với cấu trúc một bài thơ trong tiếng Anh. 

    học giả Harold Wright
    Học giả Harold Wright. Ảnh: Kyodo

    Ông Wright năm nay đã bước sang tuổi 91 và đã dành hơn 30 năm để chuyển ngữ tập thơ này. Chia sẻ với Kyodo, ông cho biết: “Thứ tôi nhận được nhiều nhất khi hoàn thành bản dịch này là cảm giác biết ơn sâu sắc vì đã có thể hoàn thành nhiệm vụ quan trọng được giao từ nhiều năm về trước, khi đã ở tuổi xế chiều”. 

    Chia sẻ về tập thơ “Bridge on the Shikishima Way”, Kazuhiro Nagata, nhà thơ Waka kiêm nhà sinh học tế bào hy vọng nó sẽ giúp truyền bá kiến thức và lịch sử của thể thơ truyền thống: “Có thể nói, đây là cơ hội cho các độc giả trên toàn thế giới được trải nghiệm nền tảng của văn hóa Nhật Bản, nên ý nghĩa của nó vô cùng to lớn”.

    kilala.vn

    04/10/2022

    Bài: Rin
    Nguồn: Kyodo

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!