NỘI DUNG BÀI VIẾT

    Thời gian đi lại hằng ngày có liên quan đến chứng trầm cảm ở học sinh trung học

    Một nghiên cứu gần đây của Đại học Nihon đã tiết lộ mối tương quan đáng lo ngại giữa thời gian đi lại dài với tỉ lệ trầm cảm và lo âu gia tăng ở học sinh trung học Nhật Bản.

    Trong số khoảng 2.000 học sinh được khảo sát, 17,3% biểu hiện các triệu chứng trầm cảm và 19% biểu hiện các triệu chứng lo âu. Tất cả học sinh đều theo học tại các trường trung học tư thục ở khu vực đô thị Tokyo và vùng Tohoku.
    thoi-gian-di-lai
    Ảnh: news.yahoo.co.jp

    Học sinh trung học có thời gian đi lại hơn một giờ có nguy cơ mắc chứng trầm cảm cao hơn 1,6 lần và nguy cơ mắc chứng lo âu cao hơn 1,5 lần so với những học sinh có thời gian đi lại ngắn hơn.

    Khoảng 30% học sinh cho biết họ phải mất hơn một giờ để đi đến trường.

    Phó Giáo sư Yuichiro Otsuka, chuyên gia y tế cộng đồng, người đứng đầu nghiên cứu cho biết: "Cha mẹ cần tìm hiểu các phương án đi lại thay thế hoặc cân nhắc các trường có thời gian đi lại ngắn hơn".

    Nhà đồng nghiên cứu Suguru Nakajima cũng kêu gọi học sinh và phụ huynh cân nhắc tác động tiềm ẩn của thời gian di chuyển đến sức khỏe tâm thần khi quyết định chọn trường.

    Vì sao thời gian di chuyển lại liên quan đến sức khỏe tinh thần của học sinh?

    Giải thích cho mối liên hệ giữa việc đi học ở một ngôi trường xa và các vấn đề về sức khỏe tinh thần, PGS Otsuka nêu ra 3 lí do:

    Đi lại có thể là một trải nghiệm đòi hỏi nhiều về thể chất và cảm xúc, với việc phải đi bộ hoặc đạp xe đường dài rồi sau đó di chuyển trên phương tiện giao thông công cộng đông đúc làm tăng thêm sự căng thẳng và khó chịu.

    Ngoài ra, việc phải dành nhiều thời gian chỉ để đi lại có thể làm giảm đáng kể thời gian học tập, các hoạt động ngoại khóa và giao lưu với bạn bè.

    thoi-gian-di-lai-dai
    Phải dành nhiều thời gian chỉ để đi lại có thể làm giảm đáng kể thời gian cho các hoạt động khác. Ảnh: medium.com

    Cuối cùng, việc dậy sớm và ngủ ít vào các ngày trong tuần dẫn đến thức khuya và ngủ bù vào cuối tuần có thể làm gián đoạn giấc ngủ và dẫn đến tình trạng lệch múi giờ xã hội.

    Điều này đặc biệt phổ biến trong lứa tuổi thanh thiếu niên, khi chu kỳ ngủ-thức tự nhiên của cơ thể có xu hướng trở nên muộn hơn.

    Cần có sự thay đổi

    Trước đây, có rất ít nghiên cứu ở Nhật Bản khám phá mối liên hệ giữa thời gian đi lại và sức khỏe tâm thần.

    Các chuyên gia cho biết các vấn đề tâm lí trong giai đoạn vị thành niên có thể dẫn đến các rối loạn tâm thần ở tuổi trưởng thành và cũng có liên quan đến bạo lực, tự tử.

    Một cuộc khảo sát năm 2020 do Viện Nghiên cứu Văn hóa Phát thanh & Truyền hình NHK thực hiện cho thấy thời gian đi lại trung bình của học sinh trung học Nhật Bản là 1 tiếng 21 phút.

    Cũng từng phải đi lại rất xa trong những năm trung học, PGS Otsuka cho biết: "Các trường có thể thực hiện các biện pháp để giảm gánh nặng cho học sinh, chẳng hạn như giới hạn thời gian đi lại, tăng cường sử dụng hình thức học trực tuyến hoặc hoãn giờ vào học".

    Một số trường tư thục đã giới hạn thời gian đi lại bằng cách yêu cầu học sinh phải sống trong một khoảng cách cụ thể.  

    Tại Mỹ, Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ đã ban hành một tuyên bố vào năm 2014 khuyến nghị rằng các trường trung học cơ sở và trung học phổ thông không nên bắt đầu giờ học sớm hơn 8:30 sáng để tăng cường sức khỏe cho thanh thiếu niên.

    California kể từ đó đã ban hành luật yêu cầu các trường trung học cơ sở phải bắt đầu không sớm hơn 8 giờ sáng và các trường trung học phổ thông không sớm hơn 8 giờ 30 sáng.

    kilala.vn

    Nguồn: Asahi

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!