Thịt cá voi vây được đấu giá lần đầu tiên tại Nhật Bản sau nhiều thập kỉ
Cá voi vây đánh bắt ngoài khơi bờ biển phía bắc Nhật Bản lần đầu tiên sau gần 50 năm đã được bán đấu giá với mức lên tới hơn 1.300 USD/kg (khoảng 33 triệu đồng) trong bối cảnh các quan chức cố gắng duy trì ngành công nghiệp đang gặp khó khăn này.

Năm 1976, cá voi vây được Ủy ban Đánh bắt Cá voi Quốc tế (IWC) chỉ định là loài cần được bảo vệ khỏi nạn săn bắt quá mức.
Tuy nhiên, sau khi rút khỏi IWC vào năm 2019, Nhật Bản đã tiếp tục hoạt động đánh bắt cá voi thương mại trong vùng đặc quyền kinh tế của mình.
Dựa trên các cuộc khảo sát trữ lượng gần đây, Nhật Bản xác nhận quần thể cá voi vây ở Bắc Thái Bình Dương đã phục hồi đủ. Các quan chức cho biết, trong mùa này đã đánh bắt 30 con – tương đương một nửa số lượng cá voi được phép đánh bắt.
Hạn ngạch đánh bắt kết hợp 3 loài bao gồm cá voi Minke, cá voi Bryde, cá voi Sei được Nhật Bản đặt ra là 379 con.
Trong năm nay, Kyodo Senpaku Co, công ty khai thác đội tàu săn cá voi quy mô lớn duy nhất nước Nhật, đã hạ thủy tàu Kangei Maru, con tàu mới nặng 9.300 tấn, trị giá 7,5 tỉ yên - thể hiện quyết tâm tiếp tục hoạt động trong ngành.
Vào ngày 12/12, khoảng 1,4 tấn thịt tươi từ một số con cá voi vây đánh bắt ngoài khơi đảo Hokkaido ở phía bắc Nhật Bản đã được đấu giá tại chợ cá Sapporo và cảng Shimonoseki của tàu Kangei Maru.
Tại Shimonoseki, nơi 250kg thịt cá voi vây được vận chuyển bằng đường hàng không từ Hokkaido đến, thịt đuôi cá voi - một món ngon được gọi là "onomi" , đạt mức giá cao nhất trong ngày là 200.000 yên một kg, theo sở xúc tiến thủy sản của thành phố.
Hoạt động săn bắt cá voi của Nhật Bản từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi và chỉ trích từ các nhà hoạt động vì môi trường.
Tuy nhiên, các cuộc biểu tình phản đối săn bắt cá voi phần lớn lắng xuống sau khi Nhật Bản chuyển từ hoạt động "săn bắt cá voi nghiên cứu" ở Nam Cực vốn bị chỉ trích nhiều vì được coi là vỏ bọc cho hoạt động săn bắt thương mại sang hoạt động săn bắt cá voi thương mại ngoài khơi vùng biển của mình.
Năm ngoái, những người săn cá voi Nhật Bản đã đánh bắt được 294 con cá voi Minke, Bryde và Sei - ít hơn 80% hạn ngạch và ít hơn số lượng từng được săn bắt ở Nam Cực và Tây Bắc Thái Bình Dương theo chương trình nghiên cứu.
Các quan chức cho rằng tình trạng đánh bắt giảm là do biến đổi khí hậu, nhưng những người chỉ trích lại cho rằng tình trạng săn bắt quá mức có thể là nguyên nhân.

Thịt cá voi ở Nhật Bản là nguồn cung cấp protein giá cả phải chăng cho người dân suy dinh dưỡng trong những năm hậu chiến, với mức tiêu thụ hằng năm đạt đỉnh 233.000 tấn vào năm 1962.
Số liệu thống kê của Cơ quan Thủy sản cho thấy các loại thịt khác đã thay thế thịt cá voi phần lớn và nguồn cung thịt cá voi đã giảm xuống còn khoảng 2.000 tấn trong những năm gần đây. Các quan chức Nhật Bản muốn tăng con số này lên khoảng 5.000 tấn để duy trì hoạt động của ngành công nghiệp.
Các chuyên gia nghi ngờ nhu cầu ở Nhật Bản không cao khi thịt cá voi không còn là thực phẩm quen thuộc với giá cả phải chăng. Câu hỏi lớn nhất là liệu ngành công nghiệp này có thể tồn tại mà không cần trợ cấp của chính phủ lên tới hàng trăm triệu yên hay không.
Nobuhiro Kishigami, giáo sư và chuyên gia về săn bắt cá voi bản địa tại Bảo tàng Dân tộc học Quốc gia ở Osaka cho biết, thịt cá voi được ăn ở một số thị trấn săn bắt cá voi nhưng hiếm khi được ăn ở Tokyo hoặc những nơi khác ở Nhật Bản. Thịt cá voi đắt hơn thịt bò và các loại thịt khác.
"Thịt cá voi không phải là loại thực phẩm bạn ăn hằng ngày, mà là một món cao lương mĩ vị... Nếu không có trợ cấp lớn của chính phủ, tôi nghĩ sẽ rất khó để nó có thể bền vững”, ông nói.
Xem thêm: Nhật Bản và văn hóa săn bắt cá voi
kilala.vn
Nguồn: Japan Today
Đăng nhập tài khoản để bình luận