Rạp chiếu phim độc lập của Nhật chật vật để tồn tại
Năm 2022, việc Iwanami Hall, một trong những “rạp hát mini” tiên phong ở Tokyo, đã đóng cửa sau hơn nửa thế kỷ hoạt động, như một dấu hiệu cho thấy những rạp chiếu phim độc lập tư nhân đang đứng trước nguy cơ biến mất.
Iwanami Hall mở cửa lần đầu tiên vào năm 1968 tại Jimbocho, khu hiệu sách cũ nổi tiếng của Tokyo. Năm 1974, rạp khởi động dự án điện ảnh Équipe du, trình chiếu những kiệt tác bị lãng quên của điện ảnh thế giới. Từ đó về sau, nơi đây trình chiếu nhiều thể loại phim phong phú, từ Satyajit Ray (Ấn Độ), Andrzej Wajda (Ba Lan) và Theo Angelopoulos (Hy Lạp) cho đến các tác phẩm của các đạo diễn Nhật Bản như Oguri Kohei, Haneda Sumiko và những kiệt tác của “Third World Cinema”*.
*Third World Cinema là một phong trào điện ảnh Mỹ Latinh bắt đầu từ những năm 1960 – 70 lên án chủ nghĩa thực dân mới, hệ thống tư bản chủ nghĩa và mô hình điện ảnh Hollywood chỉ đơn thuần là giải trí để kiếm tiền.
Trong chia sẻ trước buổi chiếu cuối cùng, quản lý Iwanami Ritsuko nhìn lại lịch sử của rạp, chia sẻ rằng rạp đã chiếu 274 bộ phim từ 66 quốc gia và khu vực.
Trong những năm qua, nhiều rạp chiếu phim nhỏ đã tập trung vào những bộ phim có khả năng thu hút khán giả lớn tuổi, đặc biệt là phụ nữ. Iwanami Hall cũng như vậy, từ lâu nơi đây đã được hỗ trợ bởi một nhóm khách quen trung thành, nhiều người trong số họ là phụ nữ trung niên. Đối với những rạp chiếu phim như thế này, vốn đã phải vật lộn để đối phó với thực tế kinh tế khi dân số ngày càng già đi, thì COVID càng làm tình hình trở nên tồi tệ hơn.
Doanh thu của rạp giảm dần, cho đến khi ban quản lý cảm thấy không còn lựa chọn nào khác ngoài việc đóng cửa. Các rạp khác trên khắp đất nước cũng gặp khó khăn tương tự. Vào cuối tháng 9, nhà hát Umeda, nhà hát nhỏ nổi tiếng nhất ở Osaka, đã ngừng hoạt động sau 32 năm.
Việc đóng cửa Iwanami Hall được ngầm hiểu về ý nghĩa thực sự của các rạp phim nhỏ ở Tokyo. Nó mang lại một sự mất mát sâu sắc với những người yêu mến rạp phim, những bộ phim độc lập và hơn hết là đánh mất một khái niệm có giá trị đã được xây dựng qua nhiều thập kỷ.
Thời đại huy hoàng của rạp phim mini
Tại Nhật Bản, thuật ngữ “rạp chiếu phim mini” dùng để chỉ các rạp chiếu phim độc lập có số lượng ghế tương đối nhỏ, không chịu sự kiểm soát trực tiếp của các công ty sản xuất và phân phối lớn, với xu hướng chiếu phim nghệ thuật và các phim ít chính thống khác. Hojo Masato - Quản lý rạp chiếu phim Eurospace ở Shibuya, Tokyo, nói rằng những người tiên phong như Iwanami Hall và Eurospace đã lấy cảm hứng từ “câu lạc bộ điện ảnh” của Nhật Bản, dẫn đến việc mở các rạp chiếu phim độc lập nhỏ.
Eurospace mở cửa vào năm 1982 và nhanh chóng mời các đạo diễn lúc bấy giờ vô danh như Leos Carax (Pháp), Abbas Kiarostami (Iran) và François Ozon (Pháp) đến Nhật Bản. Năm 1987, nó đã gây được tiếng vang lớn với bộ phim gây tranh cãi The Emperor's Naked Army Marches On. Bộ phim là một thành công lớn đối với Eurospace - rạp không chỉ tham gia chiếu phim mà còn tham gia phân phối và cả sản xuất phim.
Bắt đầu từ những năm 1980, một loạt các rạp chiếu phim nhỏ tương tự đã được mở tại các thành phố trong khu vực bao gồm rạp chiếu phim Nagoya và rạp chiếu phim Clair ở Okayama. Các công ty lớn cũng không nằm ngoài khi Tokyu Recreation đã mở Cinema Square Tokyo ở Shinjuku, trong khi nhà phân phối Saison Group mở Cine Vivant Roppongi, cũng ở Tokyo. Đây là thời đại của rạp hát mini, một thời kỳ kéo dài cho đến đầu thiên niên kỷ.
Giải pháp để cứu những rạp phim mini
Trong những năm gần đây, không chỉ độ tuổi ảnh hưởng đến lượng khán giả đến với rạp phim mà còn bởi sự gia tăng của các dịch vụ phát trực tuyến các chương trình giải trí tại nhà. Nhằm cứu vãn tình hình tồi tệ của các rạp chiếu phim độc lập, nhiều nhân vật có sức ảnh hưởng trong ngành điện ảnh như đạo diễn Koreeda Hirokazu và diễn viên Iura Arata khởi động chiến dịch Save the Cinema. Với một bản kiến nghị kêu gọi chính phủ và các thành viên Quốc hội, thu thập được hơn 90.000 chữ ký.
Đồng thời, các đạo diễn từng đoạt giải thưởng Fukada Koji và Hamaguchi Ryusuke đã khởi động một dự án gây quỹ cộng đồng có tên là Quỹ hỗ trợ rạp chiếu phim nhỏ, huy động được hơn 330 triệu yên tiền tài trợ, được chia cho 118 rạp và 103 nhóm.
Nhưng điều quan trọng nhất là phải thu hút khán giả đến với rạp, đặc biệt là khán giả trẻ. Hojo cho biết: “Nếu các rạp phim nhỏ muốn tồn tại, thì họ cần thu hút không chỉ khán giả lớn tuổi mà còn cả những người trẻ. Thật khó để những người điều hành rạp có thể duy trì trừ khi rạp chiếu phim là nơi mà giới trẻ thật sự muốn đến thưởng thức”.
Một bộ phim gây bất ngờ với khán giả trẻ trong thời kỳ đại dịch là bộ phim Pháp À l'abordage (Tất cả chung tay trên boong), một bức chân dung nhóm về bộ ba thanh niên lập dị trên một chuyến du ngoạn trên đường điên rồ qua vùng nông thôn nước Pháp. Sự hài hước nhẹ nhàng và khác lạ của phim có lẽ chính là điều mà khán giả đang tìm kiếm trong những ngày đen tối của đại dịch. Điều này càng củng cố cho định hướng mà Hojo đã chia sẻ.
kilala.vn
03/01/2023
Nguồn: Nippon
Đăng nhập tài khoản để bình luận