Phụ nữ trẻ Nhật Bản chỉ muốn sinh ít hơn hai con
Đây là dấu hiệu đáng lo ngại với một quốc gia đang già hóa như Nhật Bản.
Theo một cuộc khảo sát gần đây, hầu hết phụ nữ trẻ tuổi tại Nhật có dự định kết hôn chỉ muốn sinh một con hoặc không có con. Đây là lần đầu tiên sau thời hậu chiến, Nhật Bản ghi nhận số lượng ca sinh mong muốn giảm xuống dưới 2 con. Điều này làm gia tăng lo ngại về tình trạng dân số đang già hóa chóng mặt của đất nước mặt trời mọc.
Viện Nghiên cứu Dân số và An sinh xã hội Nhật Bản là đơn vị thực hiện khảo sát trên. Kết quả cũng cho thấy vào năm 2021, sự quan tâm dành cho việc lập gia đình trong giới trẻ Nhật Bản đã giảm đáng kể so với năm 2015, dù hơn 80% vẫn mong muốn kết hôn.
Kể từ năm 1940, cứ cách 5 năm, viện nghiên cứu sẽ tiến hành khảo sát về xu hướng sinh con và kết hôn của người Nhật. Khảo sát năm 2021 đã được tiến hành trên 7.826 người độc thân và 6.834 cặp đôi đã kết hôn.
Số liệu được viện nghiên cứu công bố vào ngày 9/9 vừa qua cho thấy “mối quan tâm dành cho việc lập gia đình đã giảm sâu hơn”, chỉ ra rằng “khả năng của những điều không chắc chắn trong đại dịch đã tác động đến hy vọng cũng như ý định về tương lai của mọi người”.
Hầu hết nhóm 4.086 người khảo sát chưa kết hôn thuộc độ tuổi từ 18-34 đều không muốn có con hoặc chỉ muốn có một con. Ngoài ra, nếu trung bình một phụ nữ Nhật muốn sinh 2,02 trẻ vào năm 2015 thì năm 2021 đã giảm xuống còn 1,79 trẻ; con số này ở nam giới là 1,91 (năm 2015) và 1,82 (năm 2021).
Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế Nhật Bản đề xuất tỷ lệ sinh trung bình của một phụ nữ Nhật nên là 2,1 nhằm duy trì sự ổn định dân số.
So với cuộc khảo sát trước đó, ở năm 2021, mức độ quan tâm đến hôn nhân là 84,3% đối với nữ, giảm 5% điểm, còn ở nam giới đạt 81,4%, giảm 4,3% điểm. Số lượng người hy vọng lập gia đình tại Nhật vẫn được duy trì ở mức khá ổn định kể từ năm 1997.
Khi được hỏi về những yếu tố tác động đến mong muốn kết hôn, 70,2% nữ giới trả lời là "thái độ và các kỹ năng liên quan đến việc nhà và chăm sóc trẻ của đối tác", tăng 57,5% so với cuộc khảo sát trước. Trong khi đó, 48,2% nam giới cho biết yếu tố chính là tiềm năng về khả năng kiếm tiền của đối tác, tăng 41,9%.
Viện nghiên cứu chỉ ra đại dịch đã tác động đến việc gặp gỡ của các cặp đôi muốn hẹn hò, khi phải liên tục ở nhà và làm việc từ xa thay vì gặp mặt trực tiếp. Trong số những người đã kết hôn từ giữa tháng 7/2018 đến tháng 6/2021, khoảng 13,6% người gặp gỡ trực tuyến thông qua mạng xã hội và các ứng dụng kết nối khác.
kilala.vn
26/09/2022
Bài: Rin
Nguồn: Kyodo
Đăng nhập tài khoản để bình luận