Nam giới phục vụ trong nhà hàng truyền thống của Nhật Bản

    Thông thường, ở các nhà hàng truyền thống của Nhật Bản hay ryotei (旅亭 – lữ đình), nhân viên phục vụ là những người phụ nữ trong trang phục kimono. Tuy nhiên, ở thành phố Takamatsu, tỉnh Kagawa có một nhà hàng vô cùng đặc biệt khi có đến 4 nam nhân viên phục vụ. 

    Đó là nhà hàng Nicho, thành lập năm 1946, với bếp trưởng điều hành là ông Wataru Yamamoto (53 tuổi), người kế thừa thế hệ thứ ba của nhà hàng kể từ năm 2009.

    nhà hàng nicho ở takamatsu, kagawa

    Ảnh: Mainichi

    Kể từ khi trở thành chủ nhà hàng, Yamamoto đã nhận thức sâu sắc rằng "ryotei là nơi mọi người có thể trải nghiệm văn hóa Nhật Bản". Vì thế, ông đã nỗ lực rất nhiều để đưa đội ngũ nhân viên phục vụ của mình trở nên xuất sắc nhất, bởi chính họ là người truyền đến thực khách tình cảm nồng nàn được gửi gắm trong mỗi món ăn.

    Khi “ngày càng có nhiều phụ nữ nấu ăn trong bếp, và có rất nhiều nam phục vụ trong các nhà hàng Pháp”, ông đi đến kết luận rằng "sự phân biệt giữa nam và nữ có lẽ là vô nghĩa". Yamamoto quyết định thay đổi định kiến rằng phục vụ ẩm thực Nhật Bản là công việc của phụ nữ và quyết tâm đào tạo nam giới trở thành "người phục vụ ẩm thực Nhật Bản".

    Nam nhân viên phục vụ đầu tiên ở Nicho là Tatsuki Kawasaki, 20 tuổi. Khi còn là học sinh trung học năm thứ ba, anh đã tìm được một công việc tại đây. Khi biết rằng mình có thể mặc hakama và học Trà đạo, Kawasaki nghĩ: "Đây là một thế giới tuyệt vời mà mình chưa từng trải nghiệm và mình muốn trở thành một phần của nó." Kawasaki vào làm việc ở nhà hàng từ tháng 4 năm 2021.

    bốn nam nhân viên phục vụ ở nhà hàng nicho
    Ảnh: Mainichi

    Nicho hiện có tổng cộng 10 nhân viên phục vụ khách hàng, bao gồm cả nam và nữ. Những người mới đến học cách mặc kimono, và Yamamoto - người học việc trực tiếp của một bậc thầy Trà đạo, dạy họ cách cư xử và di chuyển. 

    Những nhân viên này học tất cả những gì cần biết về công việc trước khi ra ngoài phục vụ khách hàng. Qua nhiều năm, họ cũng sẽ lĩnh hội được những nét văn hóa cần thiết đủ để tự mình tiếp đón những vị khách trong phòng tatami riêng.

    Kawasaki hiện đang phục vụ khách tại khu vực nhà hàng chính cùng với các nữ đồng nghiệp. Anh chia sẻ, mục tiêu của bản thân là "có thể tiếp đãi những nhóm khách nhỏ, chẳng hạn như cho các cuộc họp kinh doanh, trong các phòng riêng."

    Theo bà Yoko (54 tuổi), vợ của ông Yamamoto, cũng là tiếp viên chính của nhà hàng, bầu không khí của nơi này đã thay đổi khi có thêm các nam phục vụ, bổ sung nguồn năng lượng cho sự mềm mại phổ biến trước nay khi những người phục vụ đều là phụ nữ. 

    Takeshi Hiratsuka, phó chủ tịch Hiệp hội Nhà hàng Nhật Bản, một tổ chức có trụ sở tại Tokyo gồm khoảng 180 nhà hàng cao cấp ở Nhật, cho biết: "Việc nam giới mang bát đĩa đến cửa phòng tatami và chuyển cho nữ phục vụ là chuyện bình thường. Tuy nhiên, thật hiếm khi một ryotei cao cấp có nam giới phục vụ khách trong những căn phòng này".

    Ông nói thêm: "Văn hóa ẩm thực Nhật Bản rất sâu sắc và những người phục vụ đôi khi học hỏi được nhiều điều từ thực khách. Miễn là những nam phục vụ học văn hóa, phép xã giao và tiếp đón khách ở phòng tatami trong trang phục kimono, tôi chắc chắn họ sẽ hòa nhập tốt."

    Xem thêm: Đàn ông được cho phép tham gia nhóm quảng bá trà Uji

    kilala.vn

    04/07/2023

    Bài: Ciro
    Nguồn: Mainichi

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!