Kỷ lục 35 ứng cử viên nữ được bầu vào Thượng viện Nhật Bản

    Sau cuộc bầu cử Thượng viện Nhật Bản diễn ra vào ngày 10/07, kết quả kiểm phiếu ghi nhận 35 ứng cử viên nữ đã trúng cử. Đây là con số kỷ lục, tăng 7 ghế so với con số 28 ghế vào năm 2016 và bằng với năm 2019. 

    Kết quả trên cho thấy đã có sự thay đổi nhất định trong bức tranh chính trị Nhật Bản, vốn do nam giới làm chủ. Năm nay, số lượng các ứng cử viên nữ tham gia tranh cử đạt mức cao kỷ lục là 181 người, chiếm 33,2%. 

    bà renho
    Bà Renho (áo trắng) đã được bầu vào Thượng viện. Ảnh: Kyodo 

    Trong số các ứng viên nữ trúng cử, những cái tên nổi bật có thể kể đến như bà Junko Mihara và bà Satsuki Katayama đến từ Đảng Dân chủ tự do (LDP), bà Renho đến từ Đảng Dân chủ Lập hiến (CDPJ). 

    Trước tin vui được bầu vào Thượng viện, bà Kiyomi Tsujimoto, cựu phó lãnh đạo của CDPJ chia sẻ: “Tôi rất vui khi nhận kết quả này”. Được biết, bà Tsujimoto, 62 tuổi đã ứng cử vào Thượng viện sau 7 lần được bầu cử vào Hạ viện, nhưng đã bị mất ghế trong cuộc tổng tuyển cử vào tháng 10 năm ngoái. Bà cho hay: “Tôi muốn nhanh chóng quay trở lại Quốc hội và trở thành người có thể góp phần giải quyết các vấn đề xã hội”. 

    Kiyomi Tsujimoto
    Bà Kiyomi Tsujimoto đã giành được ghế ở Thượng viện. Ảnh: Kyodo 

    Trong năm 2022, số phụ nữ tham gia tranh cử đạt kỷ lục với 33,2% tổng số ứng cử viên, lần đầu tiên vượt qua con số 30% kể từ thời hậu chiến, ở cả Thượng viện và Hạ viện. Tuy vậy, con số này vẫn chưa đạt được mục tiêu Chính phủ hướng tới là 35% vào năm 2025. 

    Các đảng đối lập với LDP cũng đã ghi nhận tỷ lệ ứng cử viên nữ cao trong cuộc bầu cử Thượng viện vào ngày Chủ nhật vừa qua, có thể kể đến Đảng Cộng sản Nhật Bản (JCP) và Đảng Dân chủ Lập hiến (CDPJ) với hơn 50%, theo sau là Đảng Dân chủ vì nhân dân (DPFP) với tỷ lệ trên 40%. Tỷ lệ này ở Đảng LDP là 23,2%.

    Xem thêm: Chính đảng Nhật Bản gồm những đảng phái nào?

    Giáo sư Toko Tanaka của Đại học Tokyo nhận định đây là dấu hiệu tích cực cho thấy giới chính trị đã nỗ lực hưởng ứng phong trào xã hội hướng tới sự đa dạng, khi số thành viên nữ đã tăng lên. Nhật Bản vốn nổi tiếng về bất bình đẳng giới trong chính trị và kinh tế. Đứng trước thực trạng trên, bà Tanaka "muốn mỗi đảng sẽ nỗ lực giải quyết vấn đề này bằng cách lắng nghe tiếng nói của những người đã bỏ phiếu trong cuộc bầu cử". 

    kilala.vn

    13/07/2022

    Bài: Rin
    Nguồn: Kyodo News

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!