Khi trẻ em trở thành nhân viên trong viện dưỡng lão
Sự xuất hiện của những nhân viên đặc biệt này như một làn gió mới cho không khí buồn tẻ tại viện dưỡng lão. Bù lại, những “nhân viên tí hon” sẽ được trả công bằng tã hay sữa bột.
Tiếng cười đùa, nói chuyện líu lo của cả trẻ em lẫn người lớn tuổi, xen với tiếng xe lăn và xe tập đi, là một cảnh tượng hiếm thấy trong các viện dưỡng lão Nhật Bản.
Tại Viện dưỡng lão Ichoan, thành phố Kitakyushu, tỉnh Fukuoka, giống như hầu hết các viện dưỡng lão của Nhật Bản, đều đang có một lượng lớn người cao tuổi sinh sống. Một trong những nguyên do là vì người trẻ ngày càng bận rộn với cuộc sống, quy mô gia đình nhỏ lại, khiến họ khó có thời gian chăm sóc cha mẹ. Chính vì thế, để giảm bớt nỗi cô đơn cho những người lớn tuổi tại đây, một dự án đã được thành lập giúp kết nối các thế hệ.
Theo đó dự án “chiêu mộ” những tình nguyện viên nhỏ tuổi. Có tổng cộng 32 trẻ em, tất cả đều dưới 4 tuổi và đến cùng cha mẹ. Công việc của những tình nguyện viên này là trò chuyện và trao những cái ôm cho các cư dân lớn tuổi tại đây. Tiền công được trả cũng khá đặc biệt, bao gồm: tã, sữa bột trẻ em, phiếu chụp ảnh trẻ em miễn phí và phiếu giảm giá tại quán cà phê gần đó.
Bà Kyoko Nakano, 85 tuổi, người đã sống tại viện dưỡng lão hơn một năm, cho biết: “Tôi không được gặp các cháu của mình thường xuyên, vì vậy việc gặp gỡ những đứa trẻ này là một món quà tuyệt vời. Thay vì đan lát và xem TV, tôi chấp nhận bỏ mọi thứ để dành thời gian cho những đứa trẻ khi chúng đến".
Bà Nakano nói thêm rằng những đứa trẻ rất dễ thương, và chúng làm cho toàn bộ nơi này trở nên tươi sáng hơn "Năng lượng trẻ thật khác biệt."
Khi dân số Nhật Bản già đi, ngày càng nhiều người đến với viện dưỡng lão. Theo chính phủ Nhật Bản, số người đang trong viện đã tăng gấp đôi, lên 1,8 triệu người từ năm 2005 - năm 2020. Ở đó, cuộc sống có thể cô đơn và buồn tẻ, nhưng tại Viện dưỡng lão Ichoan, các cư dân nói rằng các em bé đã mang lại năng lượng và ánh sáng.
Các nghiên cứu cho thấy sự tương tác xã hội giữa các thế hệ mang lại nhiều lợi ích lớn đối với người lớn tuổi như: Ít cô đơn; Chậm suy giảm tinh thần; Giảm huyết áp; Giảm nguy cơ mắc bệnh và tử vong. Việc giao lưu giữa các thế hệ cũng được chứng minh là có thể thu hút những người lớn tuổi khiến họ mỉm cười và nói nhiều hơn. Đối với trẻ em, những tương tác này đã được chứng minh là giúp tăng cường sự phát triển xã hội và cá nhân.
Khái niệm cho phép cư dân viện dưỡng lão tương tác với trẻ em không phải là mới. Tại Seattle, cư dân của Providence Mount St. Vincent đã chia sẻ cơ sở của họ với một chương trình chăm sóc trẻ em từ sơ sinh đến 5 tuổi kể từ năm 1991.
Trong số 120 cư dân của Ichoan, người lớn tuổi nhất là 101 tuổi còn tình nguyện viên nhỏ nhất mới chỉ 2 tháng tuổi và hầu như chỉ nằm một chỗ để nô đùa cùng mọi người.
Kimie Gondo, 58 tuổi, giám đốc viện dưỡng lão cho biết cô đã được truyền cảm hứng để bắt đầu chương trình vào năm ngoái khi cô đưa cháu gái mới sinh của mình đi làm, nhìn thấy cách cư dân mỉm cười và chơi với cô bé. “Tôi nghĩ thật ích kỷ khi chỉ để cháu gái tôi tận hưởng khoảng thời gian đặc biệt này, vì vậy chúng tôi quyết định mở rộng nó cho bất kỳ em bé nào muốn đến làm công việc tương tự", cô Gondo cho biết.
Những trẻ mới biết đi sẽ được đề xuất đi dạo quanh viện dưỡng lão để gặp gỡ cư dân với sự giúp đỡ của cha mẹ. “Chúng tôi không ép buộc các em làm bất cứ việc gì, chúng là người quyết định khi nào sẽ đến thăm viện và sẽ ở lại trong bao lâu”.
Còn cha mẹ các em lại có những suy nghĩ khác, chị Mika Shintani, 31 tuổi, cho biết chị đăng ký cho con gái mình tham gia vì muốn con gái gặp gỡ những người ngoài gia đình ruột thịt.
Shintani cũng cho biết chị cảm thấy thoải mái khi đưa con đến viện dưỡng lão hơn là đến công viên hay nhà bạn bè. “Con gái tôi dành phần lớn thời gian trong ngày chỉ để tương tác với tôi. Vì vậy tôi nghĩ rằng việc nhìn thấy những người khác sẽ tốt cho sự phát triển của con bé”.
Vào ngày đầu tiên của con gái, cô Shintani cho biết, cô bé 5 tháng tuổi và đã khóc khi đến cơ sở trong xe đẩy của mình. Nhưng cô bé nhanh chóng làm ấm lòng người dân và bắt đầu cười đùa khi chơi đùa với mọi người. Vì vậy họ bắt đầu đi hai tuần một lần. Các đặc quyền của chương trình không chỉ là những thứ hữu hình, như tã và sữa bột, cô nói: "Vào những ngày con gái tôi làm việc chăm chỉ, chúng tôi thường dùng bữa tại đây!"
Tuy vậy, cô Gondo nói rằng cô vẫn chưa nhìn thấy một người cha đi cùng một đứa bé ở Ichoan. Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, nam giới ở Nhật Bản làm việc nhà và chăm sóc con cái ít hơn so với bất kỳ quốc gia giàu có nào.
Xem thêm: “Điều dưỡng” robot chăm sóc ca đêm tại viện dưỡng lão Nhật
kilala.vn
16/09/2022
Nguồn: The New York Times
Đăng nhập tài khoản để bình luận