Hành vi “không trả chi phí hẹn hò” được xem là bạo lực gia đình ở Nhật
Theo tài liệu nâng cao nhận thức cộng đồng của Vụ Bình đẳng giới trực thuộc Văn phòng Nội các của chính phủ Nhật Bản, “bạo lực gia đình” được định nghĩa khá rộng, không chỉ là dạng bạo lực về thể chất.
Tuy nhiên, có một ví dụ về bạo lực kinh tế mà Vụ Bình đẳng giới liệt kê hiện đang gây xôn xao trên mạng xã hội tại Nhật Bản, đó là “không trả bất kỳ chi phí hẹn hò nào cả”.
Mặc dù tài liệu không đề cập đến giới tính, nhưng trên cùng một trang với thông tin nói trên, Vụ Bình đẳng giới trích dẫn số liệu thống kê rằng “cứ năm phụ nữ thì có một người là nạn nhân (của bạo lực gia đình) từ người yêu”. Điều này có thể khiến người ta có ấn tượng rằng “những người đàn ông không trả tiền cho các buổi hẹn hò” gây ra bạo lực gia đình.
Tuy nhiên, những phản ứng gần đây trên X Nhật Bản cho thấy, cũng có nhiều người hiểu theo hướng “phụ nữ muốn đàn ông chi trả mọi khoản khi hẹn hò” là bạo lực gia đình. Dưới đây là một số ý kiến trên X:
- “Khoan đã, vậy có nghĩa là tất cả những người phụ nữ nói ‘Anh là đàn ông, nên anh phải trả tiền cho mọi thứ?’ đều là kẻ bạo hành gia đình à?”
- “Thực sự có rất nhiều phụ nữ có hành vi bạo lực gia đình, đúng không?”
- “Tôi biết bạn không muốn bị Văn phòng Nội các coi là kẻ bạo hành gia đình, vì vậy hãy trả một nửa hóa đơn đi.”
- “Điều này có nghĩa là một cô gái nói ‘Anh là đàn ông, nên anh phải trả tiền cho mọi thứ'’ cũng giống như một chàng trai nói ‘Nếu em đồng ý đi hẹn hò, điều đó có nghĩa là em đồng ý đi khách sạn’?”
Thực ra tài liệu nói trên đã xuất hiện trên website của Vụ Bình đẳng giới từ tháng 3 năm 2018, nhưng đây là lần thứ hai trong năm nay, ví dụ cụ thể về bạo lực gia đình của Vụ gây xôn xao. Lần trước, một đại diện của Vụ đã có cuộc trò chuyện với hãng truyền thông J-Cast News để làm rõ lập trường của họ:
“Cả nam và nữ đều có thể là nạn nhân của loại bạo lực này. Một người không trả tiền cho một cuộc hẹn hò không ngay lập tức được coi là bạo lực gia đình. Đơn phương ép buộc người kia trả tiền là điều có thể được coi là bạo lực gia đình. Vì vậy, tùy thuộc vào mối quan hệ giữa hai người, đây là vấn đề cần xem xét tùy từng trường hợp cụ thể.”
Người đại diện nói thêm “Nếu cả hai bên đều đồng ý (một người không phải trả tiền), thì đó không phải là bạo lực gia đình”. Người đại diện cũng chỉ ra rằng, hình thức bạo lực kinh tế mà cơ quan đề cập đến bao gồm cả những hành vi cưỡng ép tài chính có tính chất truy cứu trách nhiệm như “Nếu chúng ta chia tay, thì anh/em phải trả lại tiền bữa ăn sushi đắt tiền mà tôi đã mời anh/em!”
Xem thêm: Nam giới và nữ giới Nhật nghĩ gì về việc chia hóa đơn khi hẹn hò?
kilala.vn
Nguồn: Sora News
Đăng nhập tài khoản để bình luận