Dân số Nhật dự báo sẽ giảm 30% trong 50 năm tới
Chính phủ Nhật Bản mới đây ước tính dân số nước này sẽ còn 87 triệu người vào năm 2070, giảm 30% so với năm 2020, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết trong việc đại tu hệ thống an sinh xã hội và tái cấu trúc các cộng đồng đô thị.
Ước tính vào năm 2070, cư dân nước ngoài bao gồm sinh viên và người lao động cư trú tại Nhật Bản trên ba tháng sẽ chiếm 10,8% dân số với 9,39 triệu người, tăng 2,2% so với năm 2020.
Viện Nghiên cứu Dân số và An ninh Quốc gia cho biết những người từ 65 tuổi trở lên ở Nhật Bản được dự báo sẽ đạt 33,67 triệu người vào năm 2070 sau khi đạt mức cao nhất là 39,53 triệu vào năm 2043. Vào năm 2070, nhóm này sẽ chiếm 38,7% dân số, dẫn đến chi phí an sinh xã hội tăng cao.
Khoảng 5 năm một lần, một cơ quan nghiên cứu của Bộ Y tế Nhật Bản sẽ cung cấp dự báo nhân khẩu học trong 50 năm dựa trên dữ liệu công khai như điều tra dân số. Chính phủ sẽ sử dụng dữ liệu mới nhất để tính toán các khoản thanh toán lương hưu trong tương lai của đất nước.
Vào năm 2020, dân số Nhật Bản lên tới 126,15 triệu người, nhưng theo báo cáo, dự kiến con số này sẽ giảm xuống dưới 100 triệu vào năm 2056.
Tỷ suất sinh (TFR) dự kiến là 1,36 con/phụ nữ vào năm 2070, tăng nhẹ so với mức 1,33 năm 2020 nhưng vẫn ở dưới ngưỡng 2,07 để duy trì dân số. Viện nghiên cứu cho biết số ca sinh đã giảm xuống dưới 800.000 vào năm 2022, có khả năng tiếp tục giảm xuống dưới 700.000 vào năm 2043 và dưới 500.000 vào năm 2070.
Nhóm dân số trong độ tuổi lao động (15 đến 64 tuổi) - những người hỗ trợ các hệ thống an sinh xã hội của đất nước thông qua đóng phí bảo hiểm, được dự báo sẽ giảm mạnh, từ 75,09 triệu người năm 2020 còn 45,35 triệu vào năm 2070. Nhóm người dưới 14 tuổi ước tính giảm hơn một nửa, còn 7,97 triệu vào năm 2070 (năm 2020: 15,03 triệu).
Tuổi trung bình của dân số được dự báo sẽ tăng lên 54 vào năm 2070 (năm 2020 là 47,6). Tuổi thọ trung bình của nam giới dự kiến sẽ đạt 85,89 vào năm 2070 (năm 2020: 81,58) trong khi tuổi thọ trung bình của nữ có khả năng đạt đến 91,94 (năm 2020: 87,72).
Tuy nhiên, theo Masashi Kawai, giám đốc một trung tâm nghiên cứu về ngăn chặn suy giảm dân số, dữ liệu mới nhất “đã phóng đại sự gia tăng dân số nước ngoài và không tính đến sự sụt giảm mong muốn kết hôn hoặc sinh con của thế hệ trẻ do đại dịch gây ra”.
Nhật Bản đã tụt hạng trong bảng xếp hạng dân số toàn cầu, từ quốc gia đông dân thứ 7 vào năm 1990 xuống thứ 11 vào năm 2022 và được dự đoán sẽ tụt xuống thứ 17 vào năm 2050, xếp phía sau các quốc gia như Việt Nam và Philippines.
Tương tự đất nước Mặt trời mọc, Hàn Quốc cũng đang vật lộn với tỷ lệ sinh giảm mạnh, dân số khoảng 51,8 triệu người vào năm 2022 dự kiến sẽ giảm xuống còn 45,8 triệu người vào năm 2050.
Dữ liệu của Liên Hợp Quốc từ cuối tháng 7 năm 2022 cho thấy Trung Quốc là quốc gia đông dân nhất thế giới, tiếp theo là Ấn Độ và Hoa Kỳ. Tuy nhiên, tính đến thời điểm ngày 14/4/2023, Ấn Độ đã vượt qua Trung Quốc để trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới, với quy mô dân số hơn 1 tỉ 425 triệu người và được dự đoán sẽ tiếp tục đứng đầu vào năm 2050.
Theo dữ liệu mới nhất từ Liên Hợp Quốc, dân số hiện tại của Việt Nam (tính đến ngày 26/4/2023) là 99.564.920 người; đứng thứ 15 trên thế giới trong bảng xếp hạng dân số các nước và vùng lãnh thổ; độ tuổi trung bình của dân số là 33,7.
Xem thêm: Dân số Nhật Bản: Nguyên nhân nào dẫn đến sụt giảm dân số?
kilala.vn
28/04/2023
Bài: Ciro
Nguồn: Japan Today
Đăng nhập tài khoản để bình luận